Thế giới hôm nay- 30/11: Cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger qua đời
TVN
Cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger qua đời tại nhà riêng ở bang Connecticut, thọ 100 tuổi.
Công ty tư vấn Kissinger Associates của cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger tối 29/11 (sáng 30/11 giờ Hà Nội) thông báo ông đã qua đời.
Ông có tên là Heinz Alfred Kissinger khi sinh ra ở Furth, Đức ngày 27/5/1923 và chuyển đến Mỹ cùng gia đình năm 1938, trước khi Đức Quốc xã tàn sát người Do Thái ở châu Âu.
Ông đổi tên thành Henry Kissinger, nhập tịch Mỹ năm 1943, phục vụ trong quân đội ở châu Âu thời kỳ Thế chiến II. Ông vào Đại học Harvard nhờ học bổng, lấy bằng thạc sĩ năm 1952 và bằng tiến sĩ năm 1954 rồi làm giảng viên tại Harvard 17 năm sau đó.
Kissinger từng là cố vấn an ninh quốc gia Mỹ từ tháng 1/1969 đến tháng 11/1975 và làm ngoại trưởng từ tháng 9/1973 đến tháng 1/1977, dưới hai đời tổng thống Mỹ là Richard Nixon và Gerald Ford.
Kissinger từng tham gia vào quá trình đàm phán Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam năm 1973. Giải Nobel Hòa bình năm 1973 được Ủy ban Nobel trao cho ông Lê Đức Thọ và ông Kissinger, trở thành một trong những sự kiện gây tranh cãi nhất lịch sử Nobel Hòa bình kể từ khi ra đời năm 1895
Các cuộc đàm phán để trao đổi con tin và tù nhân, cũng như gia hạn ngừng bắn giữa Hamas và Israel, đã bị lung lay sau khi Hamas tuyên bố rằng một gia đình đang bị giam giữ ở Gaza đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công của Israel. Israel đang điều tra cáo buộc này. Hamas dự kiến sẽ thả 10 con tin Israel vào thứ Tư. Hai phụ nữ Israel gốc Nga được cho là đã được thả ra. Thỏa thuận ngừng bắn hiện có sẽ hết hạn vào thứ Năm.
Giao tranh đã được ghi nhận tại Jenin, một thị trấn ở Bờ Tây, khi quân đội Israel tiếp tục chiến dịch được phát động từ thứ Ba. Jenin là thành trì phản kháng của những người Palestine phản đối cả sự chiếm đóng của Israel lẫn sự cai trị của Chính quyền Palestine. Hồi tháng 7, quân Israel đã đột kích vào một trại tị nạn ở Jenin, nhắm vào Lữ đoàn Jenin, một nhóm chiến binh trẻ tuổi.
Theo AFP, lãnh đạo NATO cho biết rõ, cho dù đường chiến tuyến ‘‘không thay đổi đáng kể’’, và quân đội Ukraine không có bất cứ bước đột phá quan trọng này, nhưng chiến sự diễn ra ‘‘rất dữ dội’’, các lực lượng Ukraine tiếp tục chiến đấu ‘‘dũng cảm’’. Tổng thư ký NATO một mặt thừa nhận tình hình trên thực địa là ‘‘khó khăn’’ với Ukraine, mặt khác nhấn mạnh ‘‘không có giải pháp nào khác hơn’’ là phải tiếp tục hậu thuẫn Ukraine chống xâm lược, bởi ‘‘để tổng thống Nga Putin chiến thẳng sẽ là một thảm họa với người Ukraine, và điều nguy hiểm với tất cả chúng ta’’.
Cũng ngày hôm qua, tình báo Anh khẳng định số liệu tổn thất về nhân mạng của Nga mà Kyiv đưa ra là ‘‘đáng tin cậy’’. Theo Bộ tổng tham mưu Quân đội Ukraine, trung bình hàng ngày tháng 11 này, Nga mất hơn 930 binh sĩ trên chiến trường, cao hơn hẳn so với mức hơn 770 binh sĩ tử trận/ngày hồi tháng 3/2023, tức vào lúc đỉnh điểm của chiến dịch Nga đánh chiếm Bakhmut. Tình báo Anh cho biết thêm, tổn thất quan trọng nhất của Nga là trong chiến dịch tấn công thành phố Avdivka, vùng Donbass