Lũ lụt kinh hoàng ở miền Bắc, hàng trăm người chết, mất tích

TVN

0 115

Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp suy yếu từ bão số 3, kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới hình thành ở Bắc bộ, mưa lớn đã bao trùm khu vực trung du và vùng núi Bắc bộ hơn hai ngày qua với lượng mưa đặc biệt lớn gây ra ngập lụt và sạt lở đất tại nhiều địa phương.

Chỉ tính từ 19h ngày 8/9 đến 15h ngày 9/9, mưa tại Tân Phượng (Yên Bái) là 481mm, tại Nấm Dẩn (Hà Giang) là 451.2mm. Nhiều tỉnh khác ghi nhận lượng mưa trên 200mm trong chưa đầy một ngày như Thái Nguyên, Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang. Dù chưa có số liệu thống kê chi tiết, tổng lượng mưa trong hơn hai ngày qua ở vùng núi và trung du phía Bắc được các chuyên gia nhận định là hiếm gặp, một số nơi có thể phá vỡ kỷ lục.

Cục Quản ý đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam vừa cập nhật con số thiệt hại mới nhất do mưa lũ tính đến 6h sáng nay. Theo đó,đã có 103 người chết, mất tích, 752 người bị thương, 85 tàu thuyền các loại bị chìm ở nơi neo đậu. 140.632 ha lúa bị ngập úng, hơn 26.000 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại, hơn 11.000 ha cây ăn quả bị hư hại, hơn 1500 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hại, cuốn trôi, 1.111 con gia súc, 680.243 con gia cầm bị chết….

Hà Nội sẵn sàng sơ tán dân

Trong đêm 9/9, nước sông Hồng dâng nhanh gây ngập lụt các khu dân cư ven sông trên địa bàn Hà Nội. Tính đến thời điểm 7h ngày 10/9, mực nước sông Hồng là 9,2m, vượt mức báo động I 0,7m.

Mực nước các sông lên nhanh, nhiều hồ thủy điện xả đáy, tối 9/9, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện… tổ chức thông báo ngay đến người dân, các tổ chức có hoạt động ở khu vực bãi sông về tình hình phức tạp của mưa lũ.

Nhiều địa phương mất điện, nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng, nhiều biển quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gãy đổ, cây xanh bật gốc gãy đổ la liệt trên các tuyến đường tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội…

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng yêu cầu phải tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê điều, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố về đê điều ngay từ giờ đầu; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó đối với những tình huống xấu có thể xảy ra như sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Leave A Reply

Your email address will not be published.