Việt Nam: Đa số người lao động lương không đủ sống, chỉ 26,2% có điều kiện ăn thịt, cá hàng ngày

TVN

0 1,280

Theo báo Thanh Niên, 75% số người lao động Việt Nam được phỏng vấn, khảo sát khẳng định thu nhập không đủ để đảm bảo mức chi tiêu tối thiểu. Không ít người phải thường xuyên vay nợ, bị khủng bố, đe dọa và sống trong tâm trạng bất an.

Đây là kết quả khảo sát tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động (NLĐ) năm 2023, được Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) VN công bố ngày 8.8.

Mọi thứ đều tăng giá, chỉ lương không tăng

Cuộc khảo sát do Ban Chính sách pháp luật và Viện Công nhân công đoàn phối hợp thực hiện trong tháng 4.2023 tại 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, TP.HCM, Bình Dương, An Giang. Kết quả khảo sát lấy ý kiến của trên 3.000 công nhân tại 157 doanh nghiệp (DN). Ngoài ra có sự tham gia của 174 công đoàn cơ sở.

Theo TS Phạm Thị Thu Lan, Phó viện trưởng Viện Công nhân công đoàn, kết quả cho thấy tiền lương cơ bản hằng tháng của NLĐ nhận được trung bình là khoảng 6 triệu đồng/tháng (không bao gồm tiền làm thêm giờ). Mức lương cơ bản này cao hơn tiền lương tối thiểu (LTT) từ 37,5% đến 51,9% (tùy theo từng vùng) và còn 3,5% NLĐ nhận được mức lương cơ bản thấp hơn mức LTT vùng.

Về thu nhập, thu nhập trung bình của các lao động được khảo sát đạt hơn 7,8 triệu đồng/tháng, trong đó tiền lương cơ bản chỉ chiếm 76,7% thu nhập hằng tháng của họ, 23,3% khác đến từ tiền làm thêm giờ và các khoản trợ cấp, phụ cấp của DN.

“Năm nay, NLĐ gặp khó khăn hơn so với các năm trước, bởi DN cũng gặp khó khăn hơn nên không có đơn hàng, ảnh hưởng đến việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập, dẫn đến đời sống của NLĐ khó khăn theo. Hơn nữa, năm nay nhiều mặt hàng đều tăng, từ giá cả sinh hoạt, điện tăng, nước cũng tăng, chi phí lương thực tăng, lạm phát, CPI đều tăng… trong khi lương không tăng thì cuộc sống của NLĐ cực kỳ khó khăn”, bà Lan cho hay.

So sánh mức chi tiêu và thu nhập của NLĐ, Phó viện trưởng Viện Công nhân công đoàn cho biết: “Qua khảo sát, rất đông NLĐ tiền lương, thu nhập không đảm bảo chi tiêu tối thiểu, sinh hoạt. Chỉ có 24,5% NLĐ cho hay, tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cho cuộc sống; 75,5% NLĐ trả lời cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu của họ. Thậm chí, có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu chi tiêu”.

Theo bà Lan, kết quả cũng cho thấy chỉ có 8,1% NLĐ có dư dật tích lũy từ tiền lương và thu nhập; 11,2% không thể đủ sống và ngoài thời gian làm việc tại DN họ phải làm thêm việc khác để kiếm thêm thu nhập. Đáng chú ý, có 17,3% lao động phải thường xuyên vay nợ dẫn đến 3,1% lao động thường xuyên bị đe dọa, khủng bố và 45,2% người vay nợ có tâm trạng lo lắng bất an.

“Chỉ có 26,2% NLĐ có điều kiện để ăn thịt, cá trong các bữa ăn hàng ngày; 10,3% NLĐ cho biết với thu nhập hiện nay họ ít khi (1 lần/tuần) có điều kiện để ăn thịt, cá trong bữa ăn tại gia đình. Đặc biệt, có tới 46,5% người chỉ đủ tiền để mua một số loại thuốc cơ bản để chữa bệnh”, bà Lan thông tin.

Bà Lan chia sẻ: “Chúng tôi rất buồn khi nghe NLĐ nói thu nhập không đảm bảo chi tiêu tối thiểu. Không ít người mong muốn được làm thêm giờ. Không có việc làm thêm, nhiều người còn muốn tìm kiếm một công việc bên ngoài để gia tăng thu nhập. Chi phí lương thực, thực phẩm đã tăng lên, nếu lương không tăng, cuộc sống của công nhân lao động sẽ gặp khó khăn. Qua khảo sát, mong muốn của NLĐ lương tối thiểu tăng ít nhất 6 – 8%”.

Nguồn Báo Thanh Niên

Leave A Reply

Your email address will not be published.