Chùa Cầu Hội An nằm trong khu vực phố cổ Hội An tại tỉnh Quảng Nam, nơi đây còn có tên gọi là cầu Nhật Bản hoặc Lai Viễn Kiều. Chùa Cầu được xây dựng vào thế kỷ 17 do một số thương nhân người Nhật cùng nhau góp tiền nên mới có tên gọi là chùa Nhật Bản.
Chùa cầu Hội An là địa điểm du lịch nổi tiếng được du khách biết đến bởi đây là biểu tượng du lịch của khu phố cổ và là nơi kết tinh cả linh hồn của đất và con người Hội An. Chùa Cầu như một mảnh ghép nối liền giữa quá khứ với hiện tại và tương lai, cây cầu vắt qua 400 năm lịch sử đã đi vào tiềm thức của mỗi người con được sinh ra, lớn lên trên mảnh đất Hội An.
Có ai đó đã từng ví, Chùa Cầu là điểm sáng của du lịch Hội An, là tình yêu của kẻ ở, người đi đầy lưu luyến thì quả thực không sai. Chùa Cầu Hội An nằm vắt mình qua một nhánh nhỏ của dòng Thu Bồn quanh năm ôm ấp thành phố, xung quanh được bao bọc bởi khu phố cổ nghìn năm lịch sử, phảng phất đâu đó nơi góc phố hàng cây chút buồn miên man nhưng vẫn chan chứa niềm tin và hi vọng về tương lai tươi sáng rực rỡ của người dân nơi đây, những con người không ngừng ước mơ và lạc quan về cuộc sống.
Chùa Cầu cổ kính trầm mặc, nằm yên bình giữa phồn hoa của phố Hội hiện đại. Nơi ấy biết bao lần đã chứng kiến sự đổi thay của lịch sử theo bao thăng trầm thời gian và hơn hết cả là ghi dấu sự giao thoa của những nền văn hóa độc đáo, tất cả đã khoác lên phố Hội nét đẹp hiếm có của ngày hôm nay. Phố cổ Hội An xưa kia từng là một thương cảng sầm uất, nơi thương nhân các nước đến gặp gỡ, giao thương hàng hóa với nhau và với thương nhân trong nước. Đây cũng chính là địa danh đến nay còn lưu giữ nhiều dấu tích của các nền văn hóa gặp gỡ và hòa trộn với nhau vào khoảng thế kỉ 16-17. Đặc biệt là sự giao thoa của văn hóa Đông Nam Á với nền văn hóa Đông Á tiêu biểu như Trung Hoa, Nhật Bản và Hàn Quốc, bởi vậy mà Chùa Cầu cũng là một công trình kiến trúc chứa đựng nhiều nét thật độc đáo và tinh hoa văn hóa của Việt Nam và một số nền văn hóa khác, trong sự hài hòa mà vẫn rất riêng.
Chùa Cầu Hội An được gọi là chùa nhưng không thờ Phật mà thờ Bắc Đế Trấn Võ – một vị thần bảo hộ xứ sở, đem niềm vui, hạnh phúc đến cho con người trên mảnh đất này. Bởi vậy, hàng năm, không chỉ người dân mà du khách cũng đến đây, không chỉ là địa điểm tham quan, khám phá mà còn để tìm chút thanh thản, bình yên cho những tâm hồn đã quá xáo động.
Nơi đây gắn liền với truyền thuyết con quái vật mang tên Namazu. Theo đó, phần đầu của nó nằm ở Ấn Độ, thân ở Việt Nam và đuôi nằm tại Nhật Bản. Do vậy, mỗi lần quái vật cựa mình thường xảy ra lũ lụt, động đất.
Ngôi chùa này được xây dựng lên với ý nghĩa như thanh kiếm chắn ngang lưng quái vật. Vì thế, nó sẽ không thể cựa mình gây náo loạn cuộc sống của con người. Từ đó, ba quốc gia sẽ luôn yên bình, phát triển hưng thịnh.
Từ khi được xây dựng đến cuối thế kỷ 20, Chùa Cầu đã được tu bổ ít nhất 7 lần vào các năm 1763, 1817, 1875, 1915, 1962, 1986, 1996, và mới nhất ngày 28/12/2022, Chùa Cầu được khởi công tu bổ.
Sau gần 2 năm triển khai thi công tu bổ, cuối tháng 7, công tác tu bổ Chùa Cầu đã hoàn thành. Dự kiến công trình được khánh thành vào ngày 3/8.