Họa sĩ Khánh Trường rời cuộc nhân gian

TVN

0 117

Gần đây tôi tới thăm Khánh Trường (KT) nhiều lần ở trong mấy căn nhà đầu đường rất dễ kiếm trong khu mobile home trên đường Bolsa, nhiều lần tới nỗi mỗi khi xe chạy ngang đây thì Ngọc Ánh nhắc: ‘Hay ta vào thăm KT.’

Không được tiếp xúc với KT khi tôi còn ở bên Texas, chỉ liên lạc nhiều khi đã chuyển về Nam CA thôi, lúc KT đã bị lọc thận hàng chục năm rồi. Lần nào tới cũng thấy KT lọc cọc đẩy xe lăn ra mở cửa, với nụ cười hiền trên môi và cái bắt tay rất thân thiết, chí tình. Trong những lần đó, tôi cố ý nắm tay KT thiệt lâu, lâu hơn thời gian cần thiết của những cái bắt tay bằng hữu.

Nhiều khi KT nói với khuôn mặt vui hơn bình thuờng: ‘Lâu quá không thấy ông tới, lúc nầy cũng chẳng thấy nhiều tên thường ghé tạt qua nữa!’

Câu nói như một lời than.

Tôi để gói quà nhỏ đâu đó trên bàn bếp, KT không nhìn tới cũng không cám ơn, anh coi đây là chuyện bình thường và đẩy xe lăn ra phòng khách cho dễ nói chuyện.

Chuyện cũng không có gì quan trọng, chỉ là bạn bè ai đó đã tới thăm gần đây hay nhắc tới người nào lâu rồi không thấy. Nói tới những người nầy thì KT hứng khởi lên, nhắc về những dật sử của họ để cả hai cùng cười.

Có lần tôi đề nghị, khi có chị Oanh, vợ KT ở nhà, hay là mình cùng ra tiệm ăn món gì đó cho KT cảm nhận không khí sinh hoạt bên ngoài một chút. Và tôi thiệt sự áy náy cùng cảm động khi thấy chị Oanh vất vả đỡ chồng lên, nâng chưn chồng vô hẳn bên trong trước khi đóng cửa xe, rồi quay ra sau cốp cẩn thận xếp xe lăn của chồng… Tôi ngỏ ý phụ một tay thì chị nói cứ để chị lo, lâu ngày quen rồi. Tôi cảm thấy trong câu nói toát ra một sự thương yêu và một sự tận tụy đáng kính trong hoàn cảnh khó khăn phải săn sóc chồng của người phụ nữ VN.

Bà chủ quán Song Long thấy chúng tôi vô thì đon đả chào:

‘Chào họa sĩ Khánh Trường, lâu quá không thấy ông ghé.’

KT chỉ mỉm cười gật đầu, hình như người bịnh kiệm lời, thường chỉ giao tiếp bằng những biểu lộ trên khuôn mặt như nụ cười, ánh mắt…

Bà chủ quán nhắc nhỏ với tôi.

‘Lúc trước còn nhà văn Mai Thảo, hai ông Mai Thảo và Khánh Trường, sống ở chung cư phía trong’, bà vừa nói vừa chỉ ra phía sau, ‘Thường ghé, họ ngồi trong cái bàn gần cửa sau rất lâu, có khi hết buổi sáng luôn, để trưa lại ăn cơm.’

Phải công nhận bà chủ quán có trí nhớ dai thiệt tình. Có phải đây là yếu tố để quán lôi kéo khách hay không?

KT ăn thiệt ít, vài ba đũa thì anh kêu vợ dặn chủ quán cho ‘to go’.

Đó là bữa ăn nhà hàng lần cuối giữa chúng tôi vì nhiều lần tôi muốn mời mà thôi. Hoặc chị Oanh không có ở nhà hoặc KT nằm bẹp trên giường, chỉ đưa tay ra bắt, nhưng không ngồi dậy hay đương ngồi xe lăn như thường thấy.

Những lần như vậy KT than nho nhỏ:

‘Mới đi lọc thận về, còn mệt quá.’

Trong hoàn cảnh như vậy thì khách tốt hơn là rút sớm để chủ nhơn nằm nghỉ, bỏ ý định mời mọc…

Khánh Trường vẽ cho tôi hai ba bìa sách, bìa cuốn ‘Tuồng Kiều Nam Bộ’ tôi ăn ý nhứt và nhiều người khen là họ thích sách nầy một phần vì cái bìa có hình Kiều cầm đờn quá đẹp… Sáu bìa ‘Tuồng Tam Quốc Diễn Nghĩa’ – bộ tuồng gồm 6 quyển – KT đã chọn ra 6 hình trong phim truyện Tam Quốc của Tàu, rất hợp, cũng rất đẹp và bắt mắt.

Những lần nhờ đó, người nhờ thường chỉ cám ơn xuông! Có lần thấy KT ở nhà một mình, cô đơn tuyệt cùng, tôi đưa KT tờ trăm đô, anh không cầm lấy mà chỉ nói: ‘Thôi ông giữ đi!’, trong cái khoát tay, ‘Giờ tôi không biết làm gì với tờ giấy đó, cũng không biết để đâu và quên giá trị của nó rồi.’

KT đa tài ai cũng biết, anh viết văn thiệt mau nhiều tình tiết rất hiện thực, làm thơ ít nhưng đa phần là ý tưởng lạ, vẽ họa thì thần sầu, đa chủng, đa cách điệu.

Nhưng điều ai cũng phục là anh mở đường làm tờ Hợp Lưu (HL) trong thời gian mà những cây viết ở hải ngoại và quốc nội còn chưa tương thông và nhiều ngờ vực nhau do ảnh hưởng chánh trị từ nơi mình đương sống. Anh bị tấn công nhiều, kể cả những người từng là bạn bè lâu năm, tờ báo điêu đứng thời gian đầu, người chủ trương phải viết một truyện dài dung tục – dùng bút hiệu khác dĩ nhiên – để lấy tiền nuôi tờ báo. Nhờ cái dũng khí của người đứng đầu gió mở đường của KT các cây bút bên hai bờ biển đã hiểu nhau rằng:

– Người viết thiệt sự thiệt tình, dầu ở hoàn cảnh nào cũng không bẻ cong ngòi bút để bị chánh trị mua chuộc.

– Hiểu rõ hơn sự suy nghĩ của những cây viết còn ở lại và ở đây vẫn rải rác còn những người tài.

– Biết được ở trong nước đương có những tiếng nói văn chương khác với loại văn chương phải đạo đang bao trùm…

Bó đuốc soi đường đó của HL bây giờ – dầu không nói ra nhưng ai cũng biết – đã được đốt lên lần nữa mấy năm nay ở hải ngoại như ăn Học Mới (CA, Hà Nguyên Du), Ngôn Ngữ (Canada, Luân Hoán) và ở trong nước có một tờ mà người viết bài nầy tạm không nói tên.

Ảnh hưởng của HL là ở chỗ đó, dai dẳng đa dạng…

Bộ HL cho tới giờ vẫn là bộ tạp chí hải ngoại nhiều giá trị cùng đứng trong hàng ngũ những tờ báo văn học đáng giá của nền văn chương hải ngoại như tờ Văn (Mai Thảo – Nguyễn Xuân Hoàng), Văn Học (Nguyễn Mộng Giác), Khởi Hành (Viên Linh).

Giờ thì KT đã về trời. Anh nằm xuống bạn bè thương tiếc vì nhiều lý do, trong đó lý do quan trọng nhứt là KT đã để lại nhiều dấu ấn khi xuống tới trái đất nầy làm người Việt Nam, đã đóng góp cho văn hóa Việt. Tôi ví KT như cánh nhạn qua đầm, khi bay qua vùng trời văn hóa VN đã để lại cái bóng bằng những tác phẩm của mình trong đó như nhiều người tài khác trước đây. Những Nguyễn Du. Những Hồ Xuân Hương. Những Petrus Ký. Những Nguyễn Đình Chiểu. Những Bà Huyện Thanh Quan. Những Tản Đà xa xưa…

Và gần đây là Bình Nguyên Lộc. Là Vũ Anh Khanh. Là Phạm Duy. Là Nguyễn Đình Toàn. Là Nguyễn Mộng Giác. Là Nguyễn Tất Nhiên. Là Mai Thảo. Là Nguyễn Xuân Hoàng. Là Tô Thùy Yên. Là Đinh Cường. Là Huy Tưởng. Là Bé Ký. Là Nguyên Sa…

Những con hạc bay qua đầm để lại dấu ảnh trong nước đầm kể hoài không hết cho thấy sự mãnh liệt của đời sống văn hóa Việt. Nó sẽ trường tồn tôi chắc chắn như vậy.

Thôi ‘bạn ta’ yên nghỉ. Cầu đoạn trường kẻ trước người sau thôi.

Tôi gọi KT là ‘bạn ta’ lần cuối. Rồi từ nay sẽ gọi bằng chức danh khác thiệt trang trọng: Họa sĩ Khánh Trường của nền văn hóa VN hải ngoại.

Nguyễn Văn Sâm

Nguồn: NAM KỲ LỤC TỈNH

Vĩnh biệt họa sĩ, nhà văn Khánh Trường

(Orange County, CA) Sau đúng hai tuần hôn mê, họa sĩ/nhà văn Khánh Trường cuối cùng đã bỏ cuộc thế gian vào chiều Chủ Nhật, ngày 29 tháng 12, 2024, lúc 4:33PM giờ California tại bệnh viện UCI Health, thành phố Fountain Valley trong niềm thương tiếc của gia đình và bằng hữu.

Hoạ sĩ Khánh Trường tên thật là Nguyễn Khánh Trường, sinh năm 1948, ở Quảng Nam, gia nhập quân đội Việt Nam Cộng Hòa năm 1968, giải ngũ năm 1972 vì bị thương. Khánh Trường vượt biên đến Thái Lan năm 1987, định cư tại Hoa Kỳ năm 1988. Sự đóng góp của anh vào văn học Việt Nam hải ngoại không nhỏ vì ngoài vẽ tranh, triển lãm tranh, anh cũng là một nhà văn tên tuổi, viết với vài bút hiệu khác như Kim Thi, Nguyễn Thị Giáng Châu. Khánh Trường đã xuất bản nhiều tác phẩm và từng là chủ biên của tạp chí Hợp Lưu, Hoa Kỳ, từ 1990 đến 2005.

Họa sĩ Khánh Trường là một trong những nghệ sĩ tài năng và nổi bật trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại, đặc biệt trong lĩnh vực hội họa và văn học. Ông không chỉ được biết đến như một họa sĩ xuất sắc với phong cách độc đáo, mà còn là một nhà văn và nhà biên tập, nhà báo uy tín.

Tiểu sử và sự nghiệp

Khánh Trường sinh ra tại Việt Nam, từng sống và hoạt động nghệ thuật trong nước trước khi di cư sang Mỹ sau biến cố năm 1975.

Tại hải ngoại, ông tiếp tục phát triển sự nghiệp hội họa và để lại dấu ấn qua nhiều tác phẩm mang phong cách hiện đại, trừu tượng, và biểu cảm. Những tác phẩm của ông thường chứa đựng chiều sâu tư tưởng, gợi lên những cảm xúc mãnh liệt và phản ánh cuộc sống của con người, đặc biệt là trải nghiệm của người Việt nơi đất khách.

Ngoài hội họa, Khánh Trường còn tham gia tích cực trong lĩnh vực văn học. Ông là người sáng lập và chủ biên nhiều tạp chí văn học, nổi bật nhất là tạp chí Hợp Lưu, một trong những diễn đàn văn học nghệ thuật quan trọng của cộng đồng người Việt hải ngoại. Tạp chí này đã kết nối nhiều cây bút lớn từ khắp nơi trên thế giới, góp phần duy trì và phát triển tiếng Việt trong văn học.

Nguồn Việt Báo

Leave A Reply

Your email address will not be published.