Cách thị trấn Cần Đước 12km về hướng Đông, tọa lạc trên diện tích 882m2, thuộc ấp Cầu Ngang, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, có một di tích kiến trúc cổ, nhà cổ khá độc đáo – đó là Nhà Trăm Cột có “tuổi đời” hơn 100 năm.
Ngôi nhà cổ mang kiến trúc kiểu Huế, ba gian hai chái đôi, với những đường nét chạm trổ tinh hoa, được xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa Quốc gia năm 1997.
Chủ nhân của ngôi nhà là ông Trần Văn Hoa, lúc ấy là Hương sư làng Long Hựu, tỉnh Gia Định, sau đó làm Hội đồng quản hạt Chợ Lớn, vì thế tên gọi ban đầu là Nhà ông Hội đồng, Nhà ông cả. Hiện chủ nhân là bà Trần Thị Ngỏ, 70 tuổi, cháu dâu của ông Hoa.
Bà Ngỏ cho biết: “Gọi là nhà 100 cột nhưng số lượng thực tế là 120 cây cột, trong đó có 68 cột tròn, 52 cột vuông. Ngôi nhà sử dụng nhiều loại gỗ như gõ đỏ, gỗ cẩm bông, gỗ mun,…
Ngôi nhà được ông cố tôi xây dựng từ năm 1901, hoàn thành năm 1903.
Sau 2 năm xây dựng xong ngôi nhà, ông mời 15 nghệ nhân người Huế chạm trổ trong 3 năm”.
Chính diện của ngôi nhà quay về hướng Tây Bắc.
Theo nhà nghiên cứu Hồ Đắc Duy thì:
“Thiết kế hoa văn, trang trí mang đậm tư tưởng Nho giáo – Phật giáo và truyền thống đạo lý dân tộc và tính cách của địa phương, thể hiện qua nét khắc gỗ các trái cây đặt sản của vùng sông nước phương Nam “Cầu vừa đủ xài”
Và cũng để nhắc nhở cho hậu thế về một nghệ thuật khắc họa trên gỗ độc đáo mà chỉ có những nghệ nhân thuộc vào bậc danh sư, tay nghề thuộc loại thượng thừa mới có thể thực hiện được qua các kỷ thuật chạm lộng , chạm nổi , chạm bong kênh, chạm nổi trên nền chạm lộng… Các tác phẩm điêu khác trong ngôi nhà 100 cột ở Long Hựu thôn là thực hiện “điêu khắc trên không” nghĩa là các nghệ nhân phải đeo tòng teng lên mái nhà hoặc đứng trên thang để khắc chạm, chứ không phải ngồi ở dưới đất chạm khắc để lắp ghép như bây giờ. Dấu chỉ mà chủ nhân và các nghệ nhân để lại cho con cháu mai sau là một câu đố nằm ở hai đầu kèo gian sau bên phải.”
Các gian nội tự và ngoại khách là nơi tập trung cao nhất giá trị thẩm mỹ của công trình mà người xưa đã gửi gấm trên từng nét chạm. Đó là một tập hợp đa dạng, phong phú các đề tài cổ điển như ”tứ linh”,”tứ thời”,” bát quả”; các mô típ thể hiện Phúc – Lộc -Thọ bên cạnh các đề tài phương Tây như hoa hồng, sóc – nho, cùng các yếu tố Nam bộ như mãng cầu, bình bát,khế,măng cụt, đã được các nghệ nhân thể hiện công phu trên các bao lam, các khung ô hộc, vách ngăn, vách lá gió, bàn thờ , ghế nghi, bàn tròn , bàn dài, bằng kỹ thuật chạm lọng, chạm nổi, chạm bong kênh, chạm nổi trên nền chạm lọng, hết sức điêu luyện và tài tình.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, Nhà Trăm Cột là một ngôi nhà có kiểu thức thời Nguyễn, về đại thể mang dấu ấn rõ rệt của phong cách Huế. Nhưng do được làm theo đơn đặt hàng của gia chủ trong bối cảnh Nam Bộ thời thuộc Pháp nên có nhiều nét tiểu dị trong đề tài trang trí, tạo được sự phong phú và đa dạng. Đó cũng là một phần lịch sử – văn hóa đất phương Nam cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.