Phật Thầy Tây An và giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương
Bùi Thị Đào Nguyên
Đoàn Minh Huyên (14 tháng 11 năm 1807 – 10 tháng 9 năm 1856), là người sáng lập ra giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương, và được tín đồ gọi tôn kính là Phật Thầy Tây An. Ngoài vai trò là một tu sĩ, ông còn là một nhà yêu nước, nhà dinh điền đã có công khai hoang nhiều vùng đất ở Nam Bộ (Việt Nam).
I. Tiểu sử:
Đoàn Minh Huyên còn có tên là Đoàn Văn Huyên, đạo hiệu: Giác Linh, quê ở Tòng Sơn, Cái Tàu thượng, tổng An Thạnh thượng, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp).
Năm 1849, ở Nam Kỳ, xảy ra vụ mất mùa và đại dịch (kéo dài đến 1850), đã làm nhân dân lâm vào cảnh cùng cực, khổ đau và chết chóc. Trong hoàn cảnh ấy, ông Đoàn Minh Huyên từ Tòng Sơn vào Tràm Dư, rồi đến vùng Kiến Thạnh (nay là làng Long Kiến, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) trổ tài trị bệnh cho dân. Từ chỗ chữa trị bệnh có kết quả, ông dìu dắt được nhiều bệnh nhân và người thân của họ nghe theo những điều dạy khuyên của ông.
Thấy người tin theo ngày một đông, nên ngay năm ấy (1849), ông đã sáng lập ra đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, với tôn chỉ và phương pháp hành đạo rất đơn giản.
Nghe ông chữa bệnh bằng nước cúng (nước lã), bông cúng,…đồng thời rao giảng đạo, quan tỉnh An Giang nghi ngờ ông là gian đạo sĩ, hoạt động chính trị nên bắt giam, nhưng xét không có bằng chứng phải thả tự do cho ông. Song ông buộc phải quy y theo đạo phật (phái Lâm Tế) và tu tại chùa Tây An, dưới chân núi Sam (Châu Đốc). Từ đó, ông được người dân tin tưởng gọi tôn kính là Phật Thầy Tây An.
Mặc dù bị chỉ định cư trú, song ông vẫn thường đi lại khắp miền sông Hậu, phổ biến giáo lý Tứ Ân, đồng thời vận động dân nghèo khai hoang, dần hình thành 4 trung tâm dinh điền lớn, đó là Đồng Tháp Mười(Đồng Tháp), Thới Sơn (Tịnh Biên), Láng Linh và Cái Dầu (đều thuộc Châu Phú)…
Phật Thầy Tây An viên tịch ngày 10 tháng 9 năm 1856, lúc 49 tuổi. Hiện mộ ông ở phía sau chùa Tây An (Châu Đốc), không đấp nấm theo lời căn dặn của ông.
Tương truyền, Phật Thầy Tây An có viết mấy quyển kinh, kệ sau đây:
-Chuẩn đề chú
-Thái dương kinh
-Khai kinh kệ
-Thái âm kinh
Ông có nhiều đệ tử giỏi, như Đức Cố Quản (Trần Văn Thành), Tăng Chủ (Bùi Đình Thân), Đạo Xuyến (Nguyễn Văn Xuyến), Đạo Lập (Phạm Thái Chung), Đạo Thắng (Nguyễn Văn Thắng),v.v…
Chùa Thới Sơn (Tịnh Biên) được xem như là Tổ đình của giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương. Thời Phật Thầy Tây An còn tại thế, chỉ là một “trại ruộng” của hai làng là Xuân Sơn và Hưng Thới, sau mới được tín đồ biến cải thành chùa. Chùa của giáo phái thường có lối kiến trúc “trước miễu, sau chùa” (chùa của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa cũng có kiểu tương tự).
II. Đôi nét về giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương:
2.1 Rao giảng về hội Long Hoa:
Theo truyền thuyết của giáo phái này, thì Bửu Sơn (núi báu) là Thất Sơn, mà linh thiêng nhất là núi Cấm. Kỳ hương tức là mùi hương lạ. Hội Long Hoa sau thời Mạt pháp sẽ được thành lập ở đó để đón nhận những ai biết tu hiền.
Trước thực trạng nghèo đói và bệnh tật triền miên, nghe nói hội Long Hoa, giống như cõi Tiên tại thế, mà việc hành đạo lại rất dễ, nên người tin theo ngày càng đông. Nhà văn Sơn Nam viết:
Có thể nói Phật Thầy Tây An là người thứ nhất báo hiệu và đánh thức người đời rằng thời kỳ Hạ ngươn sắp mãn để bước sang thời Thượng ngươn, tức là thời kỳ Đức Di-lặc hạ sanh lập nên hội Long Hoa [1].
2.2 Đơn giản hóa đạo Phật:
Người đến quy y sẽ được Đoàn Minh Huyên cấp cho một tấm “lòng phái” (mảnh giấy màu vàng có ghi bốn chữ “Bửu Sơn kỳ Hương” màu son), được truyền dạy giáo lý “học Phật – tu nhân” [2], tức là noi theo giáo lý Đức Phật mà tu sửa con người, tích cực thực hành thuyết “Tứ ân (ơn)”, đó là: Ân tổ tiên cha mẹ, Ân đất nước, Ân Tam bảo và Ân đồng bào nhân loại.
Về việc hành đạo, tuy lấy đạo Phật làm gốc, nhưng tín đồ đạo này không cần thờ tượng Phật (trên ngôi thờ Tam bảo chỉ cần thờ tấm trần điều màu đỏ), không cần phải ly gia cắt ái, không cần ăn chay, cạo râu tóc, gõ mõ tụng kinh,…và không cần phải dâng cúng những lễ vật tốn kém (bông hoa, nước lã là đủ).
Nhiều nhà nghiên cứu, trong đó có Sơn Nam cho rằng đây là lối tu theo thuyết “vô vi”, tức là không chú trọng đến hình thức, không dụng tâm bày đặt ra cái này cái khác.
2.3 Đề cao Tứ ân:
Ngoài việc tuân theo thuyết vô vi và pháp môn học Phật – tu nhân, Phật Thầy Tây An còn đề cao Tứ ân. Đây là bốn ân lớn mà mọi tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương phải kết lòng kính thờ và phụng sự. Có thể xem đây là nét tinh túy của đạo, bởi yếu lý này rất phù hợp với bản sắc của dân tộc Việt.
2.4 Cổ súy khẩn hoang:
Phật Thầy Tây An rất xem trọng việc khẩn hoang, làm rẫy ruộng để người hành đạo có thể tự túc được lương thực, không phải nhờ vào người khác để mà tu. Nhờ vậy đã dấy lên được một phong trào khai hoang rộng khắp miền Tây Nam Bộ lúc bấy giờ. Theo sử liệu của tỉnh An Giang, thì năm 1851, Đoàn Minh Huyên đã phân công các đệ tử là Trần Văn Thành, Tăng Chủ (Bùi Đình Thân), Đạo Xuyến (Nguyễn Văn Xuyến),…thành lập nhiều đoàn tín đồ đi khẩn hoang những miền đất hoang vu, lập nên những trại ruộng, như ở Cần Lố (Đồng Tháp Mười), Láng Linh (Châu Phú), Thới Sơn (Tịnh Biên),…Nhờ đức tin, mà những tín đồ đã bám trụ và khẩn hoang, biến những vùng đầm lầy, rừng rậm thành những vùng đất rộng lớn, màu mỡ.
Sau này, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa và đạo Hòa Hảo chịu ảnh hưởng sâu sắc các yếu lý trên.
III. Trích sám giảng:
Tương truyền, Phật Thầy Tây An thường căn dặn các tín đồ và người đến chữa bệnh bằng những câu như sau:
Dặn cùng già trẻ gái trai,
Giữ lòng niệm Phật lâu dài đừng quên.
Thảo ngay nhơn nghĩa cho bền,
Thờ cha kính mẹ, tưởng trên Phật Trời.
Nói cho lớn nhỏ ghi lời,
Nhứt tâm niệm Phật, Phật Trời độ cho.
Ai trau công quả cho dày,
Đất bùn có thuở mọc rày hoa sen.
Màu thiền đắc ý cùng màu,
Còn hơn chen chúc công hầu vương khanh.
Tây Phương trước mặt chẳng còn bao xa
Cách nhau vì bởi ái hà biển mê
Dốc lòng niệm chữ từ bi,
Lấy đao trí huệ cắt đi cho rồi…
IV. Kết luận:
Phật Thầy Tây An là một nhà yêu nước ẩn dưới chiếc áo nhà tu. Ông vừa trị bệnh cứu người, vừa quy tụ nông dân nghèo khai hoang, vừa phổ biến “Tứ ân”, mà trong đó “Ân đất nước” rất được chú trọng. Điểm đáng lưu ý nữa, đó là những “trại ruộng”[3] mà ông lập ra chỉ là hình thức, thực chất đấy là căn cứ tập hợp nông dân chống lại chính sách cai trị hà khắc của nhà Nguyễn. Sau này, khi thực dân Pháp đến xâm lược, thì những nơi ấy trở thành những căn cứ chống ngoại xâm, nhiều tín đồ của ông trở thành nghĩa quân (để đền ơn đất nước), mà cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa (1867 – 1873) do Trần Văn Thành (đại đệ tử của Phật Thầy Tây An) phát động, là một minh chứng.
Đặc biệt, giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương do ông lập ra đã có ảnh hưởng lớn đến lịch sử và chính trị tại Nam Kỳ từ giữa thế kỷ 19. Ngày nay, giáo phái có nhiều ưu điểm này, vẫn tiếp tục tồn tại.
Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu
Chú thích:
[1] Sơn Nam, Cá tính miền Nam (tr. 31 và 33), Sau, thuyết này còn được người mở đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa và đạo Hòa Hảo nhắc lại nhiều lần.
[2] Đạo Hòa Hảo và Tứ Ân Hiếu Nghĩa cũng rao truyền quan điểm này. Tuy nhiên, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa lại đề cao việc tu nhân hơn (tu nhân – học Phật).
[3] Sinh thời, Phật Thầy Tây An và các đệ tử của ông đi đến đâu cũng dựng lên những cái cốc (am) để làm nơi thờ cúng và phát phù trị bịnh. Đến khi đề xướng việc khẩn hoang, để có chỗ hành đạo và sinh hoạt, ông cho lập trại ruộng. Sau này, những am cốc và trại ruộng khi xưa, mới được tín đồ lớp sau kiến tạo lại thành chùa.
Sách tham khảo:
–Nguyễn Q. Thắng – Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992.
-Nhiều người soạn, Địa chí An Giang (Tập 2), do UBND tỉnh An Giang tổ chức biên soạn và ấn hành, 2007.
-Sơn Nam, Lịch sử An Giang, Nhà xuất bản Tổng hợp An Giang, 1988.
-Sơn Nam, Cá tính miền Nam. Nhà xuất bản Trẻ, 1997.
GS. Trịnh Vân Thanh, Thành ngữ điển tích danh nhân từ điển (Quyển 2). Nhà xuất bản Hồn Thiêng, Sài Gòn, mục từ Phật Thầy Tây An.
Theo NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ