Rằm Trung Nguyên năm này ở Đồng Tập Trận

Huỳnh Ngọc Trảng

0 178

Đồng Tập Trận là tục danh của một khu đất hoang rộng 50 dặm mà từ cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 được sách sử gọi là Diễn Vũ Trường, cách 10 dặm về phía tây nam thành Gia Định (nay thuộc khu vực từ đường Cách Mạng Tháng Tám chạy dài đến trường đua Phú Thọ cặp theo đường Điện Biên Phủ và đường Ba Tháng Hai).

Đây là nơi xưa kia vào tháng giêng tổ chức lễ Tế Mạ (cúng các tổ sư về binh pháp), tế cờ và tập trận. Đông Tập Trận được đổi thành Đồng Mã Ngụy sau biến cố Lê Văn Khôi (1835), Tây gọi là Plaine des Tombeaux. Dưới thời thuộc địa, đây là pháp trường xử tử những người yêu nước… Mọi dấu tích đã nhòa đi theo năm tháng, lịch sử của vùng đất chỉ còn gói gọn trong ngôi miếu được gọi không chính danh lắm là “Miếu Thành hoàng bổn cảnh” nằm trong hẻm 528 đường Điện Biên Phủ, Phường 11, Quận 10.

Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt,
Lọt hơi sương lạnh ngắt xương khô
Não nùng thay bấy chiều thu,
Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng.
(Nguyễn Du: Văn tế thập loại chúng sinh)

Tôi đến miếu dự lễ Trung nguyên được tổ chức dưới danh nghĩa lễ húy kỵ đức Thành Hoàng bổn cảnh vào ngày 22-7 âm lịch trong cái tâm thức văn hóa của mùa lễ cúng cô hồn… Nhưng trong khói hương chiêng trống của nghi lễ giống như lễ tế truyền thống ở các đình làng Nam bộ, tôi vẫn mường tượng rằng đối tượng được thờ cúng ở đây là các lớp người xưa khuất mặt – những vong hồn cô độc, oan khiên.

Chính điện, nơi bàn thờ trung tâm là bài vị đề bốn chữ Hán: Thành Hoàng bổn cảnh, nhưng hai bên lại là Tả ban chiến sĩ và Hữu ban chiến sĩ, khác với bài vị Tả ban liệt vị, Hữu ban liệt vị ở đình làng. Lại nữa, hai bên hông là bài vị Nữ kỳ cô hồn và Nam kỳ cô hồn (kỳ: cầu), những dấu tích chỉ ra cái nguyên ủy của ngôi miếu.

Theo văn tự còn lại ở đây, ngôi miếu này được thành lập theo giấy phép số 01, cấp ngày 1-7-1949 cho tám hội viên sáng lập, đứng đầu là ông Nguyễn Văn Mông. Nhưng trên bộ lư đồng đặt nơi tiền án lại ghi rõ ràng: “Anh em xe ngựa phụng cúng cô hồn miếu – 1951”. Điều này chỉ ra rằng đây là ngôi miếu thờ cô hồn mặc dù năm 1949 phải cải danh cho hợp pháp, còn trong tâm thức dân chúng, mà “anh em xe ngựa” (thuở ấy bến xe ngựa ở đường Lê Hồng Phong bây giờ) là đại diện, vẫn coi đó là “Cô hồn miếu, mà nguồn gốc khởi phát từ sau ngày 16-7 năm Ất Vị (1835): quân triều đình đánh hạ thành Phiên An, bắt chém không sót một ai, tất cả 1.250 người chôn ở Đồng Tập Trận và dựng bia – có tài liệu gọi là Mã Ngụy, hay Mã Biền Tru (biền tru: diệt ngay, giết gấp).

Phía sau đất rộng mênh mông,
Xưa Đồng Tập Trận rộng thông tứ bề.
Mô súng dượt súng thường lề,
Trường đua thì để dấu về ngựa hay
Kề bên gò đất cao dày,
Kêu rằng Mả Ngụy thuở nay tiếng cùng
Minh Mạng thập lục niên trung,
Phan An thành hãm người trong hơn ngàn.
Nam phụ lão ấu cả đoàn,
Tội lây vạ tràn vua chẳng thứ dung.
Biền tru hạ chiếu ngai rồng
Thành trung tặc đảng chôn chung một hầm.
Giặc oan chết đã cam tâm,
Rủi ro xích tử lỗi lầm vì đâu!
Oan hồn ăn thảm uống sầu,
Suối vàng lạnh lẽo ai cầu cho siêu…
(Nguyễn Liên Phong:
Nam kỳ nhơn vật phong tục diễn ca, Sài Gòn, 1909, tr 39)

Thờ cúng cô hồn là một tập tục có từ lâu đời và được định hình hoàn chỉnh theo tín lý pha trộn của lễ Địa quan giải ách của Đạo giáo cùng với lễ Vu lan, rằm tháng bảy âm lịch của nhà Phật. Ở đây cần lưuý đến ngày “hạ thành Phiên An”: 16-7 năm Ất Vị (1835) và lễ húy kỵ Thành hoàng bổn cảnh: ngày chủ nhật đầu tiên sau rằm tháng bảy âm lịch hằng năm. Sự trùng hợp này khiến chúng ta đồ rằng cái gọi là lễ Trung nguyên – húy kỵ Thành hoàng bổn cảnh có lẽ bắt nguồn từ lệ giỗ hội – giỗ chung cho những người chết cùng ngày sau khi thành Phiên An bị quân triều đình đánh hạ.

Trong câu chuyện bên lề lễ hội, các vị trong ban quí tế cho biết khu vực này vào đầu thế kỷ 20 là pháp trường của nhà nước thuộc địa. Các anh hùng kháng Pháp bị giặc kết án đều đưa về xử tử tại đây… và anh linh của các liệt sĩ đó đã được thờ tự ở ngôi miếu này. Lục lại những tài liệu liên quan đến phong trào Thiên Địa hội, đến cuộc nổi dậy của Phan Xích Long của Nguyễn Hữu Trí… thì thấy những gì các vị trong ban quí tế kể cho tôi nghe đều là sự thật.

Tập Về thập tam bát tú thọ tử hình cho ta biết cuộc khởi nghĩa đánh vào khám lớn Sài Gòn ngày 15-2-1916) 40 người: trong đó 38 người bị xử tử vào chiều 22-2-1916 tại Đổng Tập Trận.

(…) Muốn cho hãn rày,
Tới xem cho biết.
Coi người oanh liệt,
Dưỡng sức thế nào.
Làm phản Tân Trào,
Ngày nay thọ tử.
Quan trên định xử,
Mô Súng dợt bia (Kế trường đua ngựa Sài Gòn / nguyên chú)
Mộ cũ bên kia,
Người leo đứng chật…

Hai tập: 1/ Vè 13 người bị xử bắn tại Đồng Tập Trận (S. Impr. de PUnion, 1916) và 2/ Thập tam tú thọ tử hình (Sài Gòn, Impr. J. Viết, 1916) kể lại đợt xử lần hai 13 người bị giặc đưa ra hành quyết tại pháp trường Mô Súng vào sáng 16-3-1916.

Đọc các tập thơ vè này, đằng sau những câu chữ nặng mùi bồi bút là danh tánh những người vì nghĩa lớn, các bậc dũng liệt vì nước quên mình, là hình ảnh của pháp trường rải cát trắng thấm máu đỏ, là lời nói than thiết trước khi lìa trần: “Bà con ở lại mạnh giỏi” … và hình ảnh của những người lấy nón che mặt khóc…

Tôi hỏi các vị trong ban quí tế: Ngày xưa ở đây thuộc làng nào? Đáp: Làng Hòa Hưng của Võ Trường Toản. Xưa nơi đây là đồng trống, phía kia là đại đồn Chí Hòa. Tôi hỏi: Đồng Mã Ngụy ở đâu? Đáp: Từ bùng binh ngã sáu Cách Mạng Tháng Tám, dọc theo đường Ba Tháng Hai… đến Phú Thọ. Hồi Đại Hàn làm đường, đào lên thấy xương không là xương!

Rằm Trung nguyên đã qua, qua đi như mọi việc hàng trăm năm nay, nhưng nơi ngôi miếu nhỏ, sâu trong con hẻm đông đúc, phố xá bao quanh ổn ã, ký ức lịch sử vẫn trường tồn.

Nguồn: Huỳnh Ngọc Trảng, Sài Gòn – Gia Định, ký ức – lịch sử văn hóa. Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2018.

Leave A Reply

Your email address will not be published.