Truyện thơ Thạch Sanh Lý Thông, tác phẩm của lưu dân vào Nam chống lại sự sợ hãi thiên nhiên nơi vùng đất mới
Truyện Thạch Sanh Lý Thông lưu truyền trong dân gian dưới hình thức kể chuyện truyền miệng đã lâu. Phải có trước khi ông Duy Minh Thị đưa bản văn sáng tác của mình sang bên Quảng Đông khắc bản cùng với các bản Phật Trấn khác. Nhóm thực hiện các bản Nôm Phật Trấn hoạt động vài ba chục năm trước khi người Pháp đến Việt Nam. Vậy thì, ít nhứt chuyện Thạch Sanh có mặt cách nay hai thế kỷ. Ta không có chứng cớ gì về sự lưu truyền của truyện nầy trong dân gian ngoài sự suy đoán gián tiếp từ mấy nhóm chữ:
- Dương Minh Đức Thị soạn [楊明德氏撰] và
- Duy Minh Thị đính chánh [帷明氏訂正]
trên bản bản Nôm Phật Trấn.
Tôi hiểu nhóm chữ 1 theo nghĩa ông Dương Minh Đức – một người Minh Hương, sống ở vùng Xóm Dầu, Chợ Lớn ngày nay – nghe chuyện Thạch Sanh được kể trong dân gian và ông đã chấp bút viết lại thành thơ. Có thể ông thêm hay bớt chút đỉnh so với những gì được nghe nhưng chắc chắn là người kể đã kể bằng văn xuôi và dùng nhiều từ ngữ đương thời.
Cũng vậy, nhóm chữ 2 có thể được hiểu là ông Duy Minh Thị – cũng là một người Minh Hương sống ở cùng vùng với bạn họ Dương của ông – đã đính chánh lại câu văn của Duy Minh Thị cho có vẻ văn chương hơn. Cũng có thể ông nầy cắt xén một lần nữa bản văn trong trường hợp quá dài và sửa lại nầy nọ cho hợp lý hơn. Suy luận trên dựa trên giả thuyết Duy Minh Thị và Dương Minh Đức là hai người khác nhau. Trong trường hợp hai người là một thì kết quả sự suy luận trên không thay đổi bao nhiêu.
Trước Dương Minh Đức không có bản Nôm Thạch Sanh nào. Cũng không tài liệu nào ghi lại bản kể truyền miệng dầu là sơ lược chuyện Thạch Sanh. Vậy thì chúng ta giả thuyết rằng đây là bản chuyện Thạch Sanh sớm nhứt cho tới khi nào tìm được bản sớm hơn, đời Tây Sơn hay là đời Gia Long chẳng hạn.
Chúng tôi chọn bản Nôm Phật Trấn để phiên âm và giới thiệu ngoài sự ra đời sớm của nó còn có những lý do khác như:
- chưa từng được giới thiệu,
- mang bản sắc của văn chương Nam Kỳ Lục tỉnh ở chỗ câu văn đơn sơ mộc mạc – nhiều câu thất vận, không vần, đoạn văn chuyển tiếp thường được tác giả báo trước và
- mang nhiều từ ngữ Nam bộ không thể thấy ở sách vở các vùng ngoài.
- Bản Thạch Sanh nầy gồm 42 tờ hai mặt, chúng tôi theo truyền thống đánh số trang a, b. Mỗi trang thông thường gồm 10 cặp lục bát, trừ đi bài thơ và mấy dòng tên tác giả vv… còn lại 1166 câu. Về mặt hình thức thì bản khắc dễ đọc, rõ ràng. Thỉnh thoảng cũng có chữ sai nét, chữ không đúng vị trí, chữ khắc quá đơn giản khó đọc, tuy nhiên chuyện nầy không nhiều. Cái khó là phiên âm cho chính xác với giọng Nam kỳ vì có thể âm đặc biệt nầy và âm gọi là chuẩn hiện nay đều được viết bằng một ký hiệu.
Như đã thực hiện ở nhiều bản phiên âm khác, chúng tôi không dùng lại cái tựa cũ của tác phẩm Nôm mà đặt cho nó cái tựa mới để tạo một ấn tượng đối với người đọc đã đành, mà còn nói thêm được điều gì đó, phần chánh của truyện như Kể Chuyện Tình Buồn (U Tình Lục của Hồ Văn Trung), Mà Lòng Tôi Thương (Nam Kinh Bắc Kinh), Tội Vợ Vợ Chịu (Trương Thiện Hữu) hay phần chánh của nhân vật (Người hùng Bình Định nổi loạn Truông Mây (Văn Doan Diễn Ca), Trương Ngáo, người đi đòi nợ Phật (Trương Ngáo truyện)…
Truyện Nôm Thạch Sanh Lý Thông thư chúng tôi muốn đặt cho cái tên mới là Thạch Sanh Thì Ít… theo câu ca dao thời đại Bạn rượu mỗi lúc mỗi đông /Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều.
Bạn hiền là Thạch Sanh đời nào cũng ít, ít nên tên được nhắc đi nhắc lại qua thời gian như Dương Lễ trong chuyện Lưu Bình Dương Lễ, như người bạn chia vàng trong một chuyện bên Tàu xưa… nếu có được ai quá tốt thì người đời trân trọng và viết đi viết lại trong các tiểu phẩm để làm bài học cho người đời.
Bạn xấu như Lý Thông đời nào cũng nhan nhản. Không cần nhìn đâu xa, liếc mắt vô các tin tức hằng ngày thì thấy, nào là giết bạn đoạt xe máy và điện thoại, nào là giết bạn vì một câu nói chạm tự ái, nào là đâm bạn vì giành nhau trả tiền, chặt khúc bạn vì muốn đoạt vợ bạn… Ối thôi, trăm ngàn vẻ, triệu ức cảnh, người viết tiểu thuyết không cần động não tìm cốt truyện đâu xa.
Thạch Sanh nghèo kết bạn với Lý Thông theo lời yêu cầu. Khi Lý Thông có chuyện ngặt là tới phiên phải phải đi nạp mình cho chằn tinh theo lệ xưa do triều đình đặt ra thì đã lừa cho Thạch Sanh đi thế mạng. May mà Thạch Sanh có tài nên giết được chằn. Thấy vậy Lý Thông bèn gạt bạn nói là chằn của vua giết là bị tội, nên trốn đi. Trong lúc đó Lý Thông báo cáo với triều đình rằng mình lập được kỳ công nầy để được phong chức… Những cuộc gạt gẫm như vậy xảy ra trong suốt cuốn truyện: Thạch Sanh giết Mãng Xà vương, Thạch Sanh trừ Đại bàng cứu công chúa vv… đều được Lý Thông mạo nhận là công cán của mình.
Trời không phụ người ngay. Lần kia Thạch Sanh bị cáo gian ăn cắp vàng vua, sắp bị Lý Thông đem ra hành hình thì được công chúa giải oan. Cuối cùng thì người ngay mắc nạn còn có thể thoát, người gian mắc nạn như Lý Thông thoát được lưới nhân gian – do lòng nhân ái và tình bạn của người mình đã đối xử xấu – không thoát được lưới thiêng của Trời Đất.
Thạch Sanh có tài, đã cứu được Công chúa mắc nạn đại bàng, về sau lại còn cứu được nước nhà khi liên quân 18 nước kéo sang vây hãm thì được vua nhường ngôi là chuyện phải đến thôi.
Người ngay mắc nạn, khổ sở sau đó lên ngôi truyện thơ Việt Nam kể không hết. Anh hùng trừ gian đảng, trừ nịnh thần, trừ giặc ngoài… hầu như truyện nào cũng có. Tuy nhiên anh hùng trừ chằn tinh, trừ mãng xà vương, trừ chim lớn đại bàng, trừ giặc bằng tiếng đờn chỉ có độc nhứt trong truyện Thạch Sanh. Trương Tửu trước đây nói là truyện Thạch Sanh chịu ảnh hưởng từ văn hóa Campuchia với hình ảnh Mãng Xà. Tôi nghĩ lý thuyết nầy cần phải xét lại vì con rắn lớn trong truyện tích nước bạn là con rắn thần, rắn tốt cho người, rắn giúp người, đó là con vật huyền thoại như rồng, nó nhiều đầu, thân dài được coi là linh vật mà người Campuchia thường dịch là con rồng. Con rắn lớn trong truyện Thạch Sanh thì là rắn xấu hại người, chết rồi hồn nó còn quậy phá người hiền Thạch Sanh. Đại bàng là một hình ảnh khác, một trường hợp khác thể nhưng đồng tính với mãng xà. Chằn tinh là hình tượng xấu nhứt mà người ta có thể tưởng tượng về con người hoá thú – hay thú hóa người – để làm hại người yếu đuối.
Tôi giải thích mấy việc trừ Chằn, trừ Mãng xà, trừ Đại Bàng, phá cũi cứu người bị giam giữ là những ước vọng trừ khử những thú dữ khi người lưu dân tiến vô rừng lạ của vùng đất mới phải đối phó với những khó khăn ban đầu, với hùm beo rắn rít, voi tượng hữu hình và sự cô đơn sợ hãi khi đêm tối hoặc giông bão, bịnh tật là những thứ dữ vô hình…
Người lưu dân phải sống còn, họ đến vùng đất mới, họ phải đối đầu với những khó khăn, họ cầu mong cho có được một anh hùng Thạch Sanh bên cạnh, từ đó câu chuyện Thạch Sanh dần dần được kể lại như là chuyện có thiệt để người ta lấy đấy làm điểm tựa cho lòng can đảm bật dậy mà sống trong hoàn cảnh nghiệt ngã của vùng đất mới.
Thập niên năm mươi miền Bắc lý giải người hùng Thạch Sanh là hình tượng người lao động cần cù rộng lượng vị tha, là người tốt vì sống bằng sức làm việc của mình. Sự tổng quát hóa một nhân vật thành biểu tượng của một giới không thể nào có giá trị khoa học. Nó chỉ được dùng để đáp ứng một nhu cầu giai đoạn, giai đoạn đó đã qua, lý giải đó chẳng đáng bàn tới.
Tiếng đàn thần và nồi cơm thần. Hai thứ nầy là nhu cầu cần có của người di dân Việt khi đi vào vùng đất Thuỷ Chân Lạp của thế kỷ 17, 18. Tiếng đàn giải tỏa những buồn bực, kết tình anh em, xoa dịu khổ đau, tiếng đàn là một nhu cầu giải trí cần thiết của người xa xứ. Từ tấm lòng mơ ước có được tiếng đờn hay ho để nhẹ đi những cực nhọc của thực tế, người kể chuyện đã thăng hoa nó thành tiếng đờn thần tạo được sự thông cảm giữa người đờn và người nghe, giữa người đờn và địch thủ.
Nồi cơm Thạch Sanh mà Tạ Hầu Đôn khổ sở ăn hoài không hết rõ ràng là ước mơ dư ăn dư để ngàn đời của dân ta nói chung và lưu dân vào Nam nói riêng đứng trước sự khó nhọc phải có đủ thực phẩm để sanh tồn. Ta nên nhớ rằng thời lưu dân đường giao thông không tiện lợi, do đó việc trao đổi hàng hóa chỉ ở mức tối thiểu, người dân sống trong trạng thái tự cung tự cầu. Thiếu thốn do đó mà ra.
Văn chương trong Thạch Sanh Thì Ít đơn giản mộc mạc, không có chữ khó, không có điển tích Tàu, có thể mất vần, có thể cà kê… Đó không là khuyết điểm. Đó là đặc điểm của văn chương Nam Kỳ. Nó không lóng lánh, chẳng đài các kiêu sa tới khó hiểu như Kiều. Cũng chẳng ai oán não nùng như Cung Oán, Chinh Phụ. Thạch Sanh Thì Ít có chỗ đứng riêng của nó: đơn giản mộc mạc để đáp ứng nhu cầu giải trí cấp bách cho người ít học lại ở gần như cô độc trong vùng đất ít người của rừng thiêng, của đầm lầy chưa được khai phá. Với những người nầy truyện Kiều là cô gái đẹp quá thông minh, họ với tay không tới. Cung Oán, Chinh Phụ là những cô gái buồn vương đến cả cỏ cây họ không muốn tiếp xúc. Thạch Sanh là người hùng họ mong được có bên cạnh nền văn chương viết thế nào cho họ hiểu ngay. Câu văn càng gần với lời nói bên ngoài càng tốt, lập lại nhiều lần cũng chẳng sao. Tôi cho rằng nhu cầu sống còn của người dân cần thiết phải có những bản văn đơn giản và những truyện thơ Nôm Phật Trấn đã được sinh thành theo nhu cầu đó.
Xin trích mấy dòng đầu về sự mộc mạc của bản văn:
Con thời chẳng có nối truyền
Vợ chồng khấn nguyện nó mà không con
Nào là quan bộ chép biên
Xét tra số nó có con chăng là
Thôi bà Vương mẫu tâu qua
Nó đà khấn nguyện, số mà không con.
Ngọc Hoàng nghe nói héo don
Tấm lòng phới động tư lương cho người
Ta thấy văn chút nào đó không thỏa sự kỳ vọng của ta:
- chữ dùng thường quá (nó mà, nào là, nó đà, số mà…),
- không vần ở nhiều chỗ, khi có vần lại là vần lưng,
- lời văn và ý lập đi lập lại…
- Biết sao! Văn chương bình dân, văn chương dùng làm nhu cầu tinh thần cho vùng đất mới với người lưu xứ sống trong sự cực nhọc tranh sống với thiên nhiên chưa thuần hóa, không có trường học, lương thực phải tự túc, phải đối phó với sự khắc nghiệt của hoàn cảnh.
Tuy nhiên bản văn có giá trị ở chỗ có nhiều từ ngữ của thế kỷ 18, 19 không phải dễ tìm. Cách diễn tả cũng vậy, nhiều lúc phù hợp với lời nói thường ngày, với văn xuôi hơn là văn vần.
Xin trích ra một vài từ phần đầu:
Kính nắm, héo don, cả tài, nhuốm nên nhâm thần, chửa nghén, nước mắt ngùi ngùi, mãn tháng đủ no, những mãng, bỏ cưng, khóc chuyển vang dậy trời, cận ngày sanh đẻ, những mãng tư lương, nằm đất ăn chay, nhẫn từ trong bụng mồ côi, nhúm rau mớ ốc, châu lệ đượm đầy chứa chan, mặt nhìn lơ láo trợn tròng con ngươi, sao mà đi đứt, làm thầy âm tang, mồ cha mả mẹ, nhúm rau mớ ốc, đói no đỡ dạ, xâm xâm bước tới, cất tiếng hỏi rày, dạy thí công, ngồi thời xếp bằng, bù nhìn, búa sắt lao xao, hỉ hả hi ha, hóa phép rầm trời, khả khả vổ tay, nước kia muốn chảy mà mương chưa đào, hề chi, cái giải, chếch bóng, suối đờn líu lo, lai láng tợ sông giang hà, đầu chằn bèn bỏ trước sân đùng đùng, (hồn về) nhát anh, giấy tiền vàng bạc, mất vía, nói nhát, tâu dộng, có phép ngoan, dưỡng lưng cho lớn, quở, tốt nên là tốt, vào nhắp hàng da…
Tóm lại: Truyện Thơ Thạch Sanh Thì Ít, xuất phát từ nhu cầu thực tế của lưu dân từ Trung vào Nam trong giai đoạn Nam tiến tới vùng Đồng Nai đất đỏ, nơi có nhiều rừng rậm, nơi sấu cọp, voi còn lởn vởn quanh nhà (xem Đại Nam Thống Nhứt Chí, Lục Tỉnh Nam Việt). Người ta sợ hãi thú rừng, người ta cần giải trí để vui sống, người ta ước ao sống không thiếu ăn; từ đó có người hùng Thạch Sanh, từ đó có tiếng đàn thần, từ đó có truyện huyền thoại nồi cơm Thạch Sanh ăn không bao giờ hết.
Chưa có tác phẩm nào được sinh ra từ ước vọng của số đông bằng truyện Thạch Sanh. Được đón nhận nồng hậu nên Thạch Sanh có nhiều bản Nôm, nhiều bản quốc ngữ và có cả bản chèo… những phó phẩm chỉ có ở những sáng tác được đông đảo dân chúng ưa thích mà thôi.
Nguyễn Văn Sâm
Nguồn: NAM KỲ LỤC TỈNH