Uyên Nguyên: Thơ Vương Từ: Buồn vui, một tiếng cười, xòa!
TVN
Vương Từ, nhà thơ, người tiên khởi phong trào thực dưỡng Ohsawa đầu thập niên 60, đã rời xa chúng ta…chấm dứt trải nghiệm thăng trầm nhân thế… bước vào cuộc hành trình mới.
Vương Từ, một con người sống Nhân Bản, yêu thương Người, yêu thương đất nước Việt Nam… luôn ước mơ một Việt Nam tốt đẹp, xã hội bình đẳng…mọi con dân Việt có cuộc sống tự do, công bằng, thịnh vượng.
Cỏi vô thường chúng ta đến rồi đi
Kiếp nhân sinh có bao năm đợi chờ
Trao nhân thế tình yêu cùng tha thứ
Thả lòng mình thong dong cõi hư vô.
(Lại Tôn Dũng)
Uyên Nguyên: Thơ Vương Từ: Buồn vui, một tiếng cười, xòa!
Há, Vương Từ làm thơ không vất vả chạy in như nhiều nhà thơ tôi đã từng quen biết! Thơ ông sẵn có bạn bè đem in thành tập, rồi từ trong nhà gởi ra, tặng lại cho tác giả. Sướng thật!
Vương Từ làm thơ như uống rượu, hoặc giả uống rượu rồi, có thơ. Nhưng uống rượu và làm thơ để làm gì? Mua vui chăng?
‘Văn chương dẫu tầm thánh giải
Cũng chẳng đủ mua vui’
(Lời tựa, tr. 10)
Cho nên, Vương Từ đã tiên liệu trước việc mần thơ là ‘bá láp’, ví như việc giành trăng dưới đáy sông với thi tiên Lý Bạch thời thịnh Ðường, Trung Quốc:
Cười mình ba láp làm sao
Khi say hụt đất vác sào quơ trăng
Dưới sông Lý Bạch la rằng
Ta ôm trăng những nghìn năm chớ đùa.
(Ba láp, tr. 16)
Vậy thì, Vương Từ làm thơ mà chẳng chủ đích trở thành nhà thơ, như lắm kẻ thường tự cho phép mình đem thơ múa vui ‘vài trống canh,’ bỡn cợt chữ nghĩa, lại chẳng ngờ tất cả chỉ là cuộc phong ba chịu trận, chớp mắt qua đêm! Ý này ta có thể thấy được ở ba bài thơ liên tục trong thi tập Vương Từ, trang 14, 15 và 16:
Làm
Mịt mù thành trụ hoại không
Tha hồ xẻ núi lấp dòng sông xưa
Thói văn minh dám ai chừa?
Núi xương sông máu còn lưa anh hùng!
(tr. 14)
Thơ
Một nguồn không trước không sau
Mà chồi nụ nẩy mà cầu sang sông
Trăng soi sáng đáy bùn trong
Tồn sinh kỳ diệu là không nên trò.
(tr. 15)
Ba Láp
Cười mình ba láp làm sao
Khi say hụt đất vác sào quơ trăng
Dưới sông Lý Bạch la rằng
Ta ôm trăng những nghìn năm chớ đùa.
(tr. 16)
Ðọc thơ Vương Từ, phải đọc từng bài suốt từ trước ra sau, rồi từ sau ra trước, mỗi khổ thơ tưởng ngắn cợt nhưng kết dệt lại thành một nguồn thơ bất tận, dẫu có lúc phải xếp lại trang cuối trong tập, nhưng ý thơ vẫn mãi ‘tràn lan mưa móc bốn bề ra hoa.’Như mầm dậy xanh sử, vàng đá chực tan đi mà dựng lại đất trời sau mỗi trận bất tương ưng phiền não. Người thơ trăm năm cứ ‘lang thang đi mãi mà không qua khỏi cái thương, cái nhớ, cái bóng của mình, trong niềm kinh dị rất đỗi dịu dàng’
‘Ta thấy bóng mình nhòa vách núi
Ðỉnh trời sông biển dịu dàng xa.’
(lời Bạt, tr. 51)
Cái dịu dàng trong niềm kinh dị, ngày xưa thi sĩ Bùi Giáng đã từng nói:
‘Xin chào nhau giữa con đường
Mùa Xuân phía trước miên trường phía sau.’
(Chào Nguyên Xuân)
Thì nay Vương Từ nói tiếp:
Chào nhau chưa kịp trọn lời
Nẻo về xuôi ngược tơi bời biển dâu
Cạn tàu ráo máng chi nhau…
(Chào Anh, tr. 40)
Bởi đã hiểu như vậy, mà Vương Từ bốn mùa có thơ, và có cả bạn. Có bạn hiền rồi, còn lo chi việc thiếu rượu. Rượu thiết đãi quanh năm cho dù ngày mai sức có tàn, mà vẫn nghiêng bầu cạn hủ với bạn như chơi. Sợ chăng chỉ có bọn người hôn mê trong hèm bã thị phi, tạo cuộc dâu biển đem phong thơ, phong thánh:
Có thánh đâu trong những tượng đài
Ðâu trong những xác thịt xương hoai
Thánh là sống động không thừa thiếu
Nhúc chích ngo ngoe có khóc cười.
(Thánh, tr. 68)
Mỗi ngày Vương Từ vẫn cứ ngầy ngật say, không phải say sướt mướt với rượu, mà say hương nồng của tình bạn hữu xông thơm cả căn phòng nơi ông đang trú ngụ. Thơ chỉ là tạm, đời người cũng chỉ ‘chớp mắt một đêm,’ và bốn phương bè bạn dẫu đang có đó, cũng ‘tang tình một giây.’ Nhưng không phải vì vậy mà ông không trân quý! Cái vốn quý không phải là Vương Từ có rất nhiều bạn, mà quý ở chỗ ông đã giữ được bạn ở lại lâu với mình. Bởi với Vương Từ, thơ là Ðạo, uống rượu là Ðạo và đối đãi với bạn cũng là Ðạo.
Vương Từ lấy thơ làm vốn liếng chơi với bằng hữu tâm giao, và uống rượu cũng là cách ông mong giữ bạn với mình. Mọi lời xưng tụng, tấn phong, chẳng để tâm ưng bụng:
‘Ngôi lời từ được tấn phong
Ðã thành cá chậu chim lồng mua vui
Nghiến răng hay méo môi cười
Chắc chi khỏa lấp được vài âm u.’
(Vang, tr. 38)
Thế thì hôm nay đọc thơ Vương Từ, ai bảo say, ai biết tỉnh. Tỉnh say trong cuộc tồn sinh hoa cỏ bốn mùa tiếp nối; mà đời người ngọng nghịu trước những thiên tai chiến tranh rồi hoà hòa bình, thành bại và nhục vinh. Thơ nói lên điều gì giữa trận ảo ảnh đã thành hiện thực như in.
‘Chạc chìu rú dại trắng bông
Lúa đòng đòng cháy mẹ trồng thêm khoai
Qua thời chống Mỹ bài Tây
Thái bình trâu trắng kéo cày đồng xa
Nước non hóa máu thịt da…’
(Trên cầu Hiền Lương, tr. 90)
Thơ Vương Từ không chỉ chắt lại trong một bầu rượu khi uống để mua vui có bạn. Ðể sướt mướt ca tụng, vái lạy nhau mỗi khi đàn đúm, mà vì lẽ ông hiểu thấu giữa trận đồ đảo điên kiếp người, ‘dù da vàng trắng đỏ đen, cũng chung cơm áo bên miền tồn sinh.’ (Khuyên con, tr. 94). Hiểu rốt ráo là thế, nên lúc sống mà đã được tiêu diêu rồi vậy, và chẳng ngại gieo vần tế nhau ở những ngày còn trơ hai mắt, một con nhắm lại, khóc người:
‘Trí tuệ tài hoa ta bái ông
nghề chơi ngài quá những cuồng ngông
Lấy ni cô trọc ve tiên nữ
Gái góa chắc chi chửa có chồng
Líu lo ngọng ngịu lái Tàu Tây
Bát nháo rừng sim tím ruột người
Lẽo đẽo theo đuôi nòng nọc đứt
Ðón đầu rồng lộn toác toang cười
Vo tròn bóp méo chơi như giỡn
Gỡ rối tơ vò ai biết ai
Sức thừa ông nhảy tôi say tuốt
Rượu đế Vương Từ tặng tế chơi.’
(Tế sống Bùi Giáng, tr. 59)
Vương Từ làm thơ là nửa mắt kia nhắm lại, với bạn; và uống rượu là nửa mắt còn lại mở sáng soi ngược vào cái khoảng trống của tâm mình, thấy cuộc đời là mộng, thơ vì vậy cũng là ngấn tích trong mộng, là hư không nhưng dung chứa đầy ắp tình người, là chỗ dụng của Ðạo.
‘Thấm sâu thơm thơ khoảng trống
bạn ta khoảng trống đơm đầy.’
(Khoảng trống, tr. 69)
Bấy giờ, ngày ngày Vương Từ vẫn ngồi ôm bầu rượu với bạn hữu vây quanh, mà chừng đã tiêu diêu. Sống một đời như thế, hôm nay có thể cười và nhìn sinh tử như bóng trưa lung linh bên bẹ chuối xanh trước hiên nhà. Con nhền nhện giăng tơ chẳng buồn xua đuổi. Chúng sanh bình đẳng trong tâm Phật. Thế sự buồn vui, khanh khách một tiếng cười, xòa!
Thượng tuần tháng 10, 2012.
Uyên Nguyên
Nguồn: https://uyennguyen.net/2012/10/01/th%C6%A1-v%C6%B0%C6%A1ng-t%E1%BB%AB-bu%E1%BB%93n-vui-m%E1%BB%99t-ti%E1%BA%BFng-c%C6%B0%E1%BB%9Di-xoa/