Vua Minh Mạng và Tả quân Lê Văn Duyệt: từ mâu thuẫn ngấm ngầm đến công khai hạch tội

TVN

0 847

Năm 1820, vua Minh Mạng đã cử Lê Văn Duyệt giữ chức Tổng trấn Gia Định thành lần thứ hai và ông đã giữ chức này cho đến khi qua đời vào năm 1832. Trong 12 năm làm Tổng trấn Gia Định thành, Lê Văn Duyệt đã có công làm cho kinh tế ở vùng đất phương Nam phát triển mạnh mẽ, Gia Định thành trở thành một trung tâm thương mại sầm uất.

Sau khi Lê Văn Duyệt từ trần, vua Minh Mạng cho bãi chức Tổng trấn Gia Định thành và chia 5 trấn ở Nam bộ thành 6 tỉnh gồm: Gia Định, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên, thường gọi là Lục tỉnh Nam Kỳ, đặt các chức quan tổng đốc, tuần phủ, bố chánh, án sát, đề đốc, lãnh binh như các tỉnh ở Đàng Ngoài.

Chân dung vua Minh Mạng

Vua Minh Mạng đã chờ đến khi Lê Văn Duyệt từ trần mới thực hiện rốt ráo chủ trương trung ương tập quyền của ông.

GS K. W. Taylor của Đại học Cornell, Hoa Kỳ, đã viết về vua Minh Mạng và chủ trương trung ương tập quyền của ông:
“Niềm tin vua Gia Long đặt ở người con trai thứ tư của ông như là một người quyết đoán đã tỏ ra đúng đắn. Minh Mạng là một vị vua thông minh và năng động, có quan điểm rõ ràng về cách thức lãnh đạo. Các nhà sử học cho rằng Minh Mạng không giống những vị vua trước đây, không bao giờ bị người khác điều khiển. Mặt khác, Mỹ Đường, con trai hoàng tử Cảnh, cháu nội vua Gia Long, được Nguyễn Văn Thành hậu thuẫn vào năm 1815, đã gây phiền toái, không rõ vì hành động của mình hay do mưu mô của người khác. Vào năm 1824, Mỹ Đường và mẹ anh bị kết tội gian dâm; mẹ anh bị xử tử, còn anh bị giáng làm thứ dân.

Minh Mạng hãy còn là một đứa trẻ trong những năm cuối cùng của cuộc chiến chống Tây Sơn của cha ông, trưởng thành vào lúc Huế đã được xây dựng thành kinh đô của triều đại, rồi làm vua vào năm 30 tuổi. Ông đã được hấp thụ một nền giáo dục tuyệt hảo với những người thầy uyên bác nhất. Ông là người tương đối có kỷ luật, rất quan tâm tới chính quyền và có ý thức sâu sắc về việc lãnh đạo đất nước. Nhưng mặt khác, ông lại thiếu kinh nghiệm thực tiễn của cha ông. Ông cũng không có được sự khoan dung đối với sự đa dạng về hành chánh và sự khác biệt văn hóa. Vua Gia Long có được sự trợ giúp của những cận thần có những điểm mạnh và những điểm yếu đã quá quen thuộc với ông suốt những năm chiến đấu bên nhau. Ông đã lập ra triều đình của mình với những người bạn chiến đấu và triều đình này giống như sự mở rộng cá tính của ông. Minh Mạng đã bước vào một cơ cấu quyền lực có sẵn và có xu hướng coi những người đã phục vụ cha ông như những người cản trở phong cách lãnh đạo quan liêu của mình. Minh Mạng là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và quyết đoán. Nhưng ông cũng không có lòng khoan thứ đối với sự dị biệt về văn hóa và chủng tộc, và điều này đã ngăn trở ông đưa ra những quyết sách thành công ở đồng bằng sông Cửu Long. Các sử gia có xu hướng xem Minh Mạng như một người thực hiện chủ trương trung ương tập quyền vì ông đã loại bỏ các chức phó vương ở Đàng Ngoài và Đàng Trong để lập ra một bộ máy hành chánh duy nhất cho cả nước. Các chính sách của ông thể hiện khát vọng hợp nhất trong chính quyền, trong tôn giáo, trong văn hóa và cả trong trang sức…

Một trong những mối quan tâm hàng đầu của Minh Mạng là dùng những người mới chưa từng phục vụ cha ông và dễ tuân theo cách thức lãnh đạo riêng của chính ông. Giống như các vị vua Việt Nam từ bao thế kỷ qua, ông tổ chức những kỳ thi để lựa chọn những người có tài. Ông lập ra kỳ thi đình vào năm 1822, gọi những người thi đậu là tiến sĩ lần đầu tiên kể từ kỳ thi đình cuối cùng dưới triều Lê, 35 năm về trước, vào năm 1787. Kỳ thi đình không có được nhiều tiến sĩ nên ông lấy thêm các phó bảng vào năm 1829 để chọn những người có học vấn vào các chức vụ trong bộ máy chính quyền. Không rõ do có dụng ý hay do sự tình cờ mà 35 người trong số 38 tiến sĩ trong 4 kỳ thi đình đầu tiên (1822, 1826, 1829 và 1832) đều là người ở Đàng Ngoài. 6 trong 8 phó bảng cũng là người ở Đàng Ngoài. Trong 2 kỳ thi sau đó vào thời Minh Mạng vào năm 1835 và 1838, 13 người trong 21 tiến sĩ và 6 người trong 12 phó bảng cũng đều là người ở Đàng Ngoài…

Chủ trương trung ương tập quyền của Minh Mạng đã gây khó khăn cho Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt và mâu thuẫn giữa hai người là điều không thể tránh khỏi. GS K.W.Taylor đã nói về quan hệ khó khăn giữa Tả quân Lê Văn Duyệt với vua Minh Mạng: “Các sử gia có xu hướng xem hoàng đế Minh Mạng như một người thực hiện chủ trương trung ương tập quyền vì ông đã loại bỏ các chức phó vương ở Đàng Ngoài và Đàng Trong để lập ra một bộ máy hành chánh duy nhất cho cả nước. Một trong những mối quan tâm hàng đầu của Minh Mạng là dùng những người mới chưa từng phục vụ cha ông và dễ tuân theo cách thức lãnh đạo riêng của chính ông… Suốt thập niên 1820, Lê Văn Duyệt, tổng trấn Gia Định thành, lãnh đạo đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm cả Chân Lạp dưới sự bảo hộ của triều Nguyễn, như thể đó là lãnh địa riêng của ông. Ông không hề có dấu hiệu tỏ ra bất trung, nhưng cách thức lãnh đạo của ông, dù rất tương thích với những điều kiện của vùng đất sở tại, lại trái ngược với mục tiêu tập quyền của hoàng đế Minh Mạng. Lê Văn Duyệt tiếp nối chính sách của vua Gia Long là giữ các cộng đồng sắc tộc, tôn giáo và xã hội của Đàng Trong tách biệt với nhau và cho phép mỗi cộng đồng theo lối sống riêng của mình, miễn là điều này không gây nguy hại cho trật tự, trị an. Các cộng đồng này là cộng đồng người Khmer, người Chăm, người Hoa, người dân tộc thiểu số và những người Việt thuộc những giới khác nhau như những người theo đạo Thiên Chúa, những kẻ phản nghịch trước kia và những tù nhân ở Đàng Ngoài.

Chân dung Lê Văn Duyệt

Lê Văn Duyệt có được sự tin cậy và sự trung thành của tất cả những cộng đồng này. Ông còn bảo vệ một nhà truyền giáo đã đến Đàng Trong một cách bất hợp pháp, khuyến khích những kẻ tội phạm hòa nhập vào xã hội, ngăn cấm các cộng đồng người Chăm và người Khmer cản trở sinh hoạt của người Việt, cho phép các thương nhân người Hoa và người Việt kinh doanh để làm giàu, giám sát vua của Chân Lạp và bảo vệ nghiêm ngặt biên cương Đại Việt – Chân Lạp. Nhưng đến cuối thập niên 1820, ông đã hơn 60 tuổi và đã cảm thấy mệt mỏi. Ông rất được lòng dân ở Đàng Trong nên vua Minh Mạng vẫn để ông làm tổng trấn, nhưng đã tìm cách làm giảm quyền lực của ông bằng cách thay người của ông bằng người cử từ Huế vào.

Năm 1828, một trong những nhà lãnh đạo dưới quyền Lê Văn Duyệt được bổ làm quan ở Đàng Ngoài và nhanh chóng bị kết tội tham nhũng và bị bắt giam. Ông ta được thay thế bởi một người tín cẩn của hoàng đế Minh Mạng. Sự bất lực của Lê Văn Duyệt trong việc can thiệp vào việc bổ dụng những viên chức trong bộ máy chính quyền của ông và trong việc bảo vệ thuộc hạ, điều ông có thể làm được những năm về trước, là dấu hiệu cho thấy sự khởi đầu của rạn nứt trong mối quan hệ giữa ông và hoàng đế Minh Mạng. Người bảo hộ trong triều đình Chân Lạp vốn là người của Lê Văn Duyệt, và khi ông này mất vào năm 1829, Minh Mạng đã bất chấp lời khuyến cáo của Lê Văn Duyệt, cử một viên quan ở Huế sang Chân Lạp giám sát chế độ bảo hộ. Năm 1831, Minh Mạng cho thay người chỉ huy quân lính ở Gia Định thành bằng người của ông và binh lính của Lê Văn Duyệt bị điều ra các tỉnh ở Đàng Ngoài.

Đến khi Lê Văn Duyệt từ trần vào năm 1832, những viên chức được cử từ Huế vào, không quen và cũng không dung thứ những tập tục của địa phương, đã gây ra sự bất mãn và khởi loạn ở đồng bằng sông Cửu Long. Ngay sau khi Lê Văn Duyệt từ trần, chức tổng trấn Gia Định thành bị bãi bỏ và được thay thế bằng một cơ chế giống như chế độ lập ra ở Đàng Ngoài năm trước đó. Minh Mạng không chần chừ trong việc dành cho cộng đồng người Việt nhiều đặc quyền hơn những cộng đồng cư dân khác, cấm đạo Thiên Chúa, thực hiện chính sách khắt khe hơn đối với những kẻ tội phạm, kiểm soát chặt chẽ hơn công việc kinh doanh của người Hoa, rồi gọi Lê Văn Duyệt là một “quyền yêm” phản nghịch…” (A history of the Vietnamese, K. W. Taylor, tr. 291, 292)

HUỲNH DUY LỘC giới thiệu

Leave A Reply

Your email address will not be published.