Amaury Lorin và “Paul Doumer, Toàn quyền Đông Dương 1897-1902″

Huỳnh Duy Lộc

0 418

Amaury Lorin sinh năm 1972 tại Angers, miền Tây nước Pháp, học cao học Sử học ở Institut d’études politiques, Paris, đã có nhiều chuyến đi khảo cứu ở các nước Đông Dương thuộc Pháp trước đây là Việt Nam và Cambodia. Sau 6 năm hoạt động trong ngành tài chánh, anh trình luận án tiến sĩ Sử học tại Institut d’études politiques, Paris.

Các công trình nghiên cứu gần đây của anh là chủ biên “Nouvelle histoire des colonisations européennes (XIXe-XXe siècles) : sociétés, cultures, politiques” (Lịch sử mới về thực dân châu Âu thế kỷ 19 – thế kỷ 20: xã hội, văn hóa, chính trị, 2013- ảnh bìa) và “L’Europe coloniale et le grand tournant de la Conférence de Berlin (1884-1885)” (Châu Âu thực dân và bước ngoặt lớn của Hội nghị Berlin 1884-1885, 2013).

Anh đã đoạt những giải thưởng như Giải thưởng các nhà văn đấu tranh 2006, Giải thưởng Auguste Pavie của Viện Hàn lâm khoa học hải ngoại 2006 và Giải thưởng luận đề của Thượng viện 2012.

Tác phẩm thứ nhất của Amaury Lorin về Paul Doumer trong thời gian làm Toàn quyền Đông Dương có nhan đề “Paul Doumer, Gouverneur général de l’Indochine (1897-1902)” ra mắt vào năm 2004.

Amaury Lorin đã viết trong “Paul Doumer, Gouverneur général de l’Indochine (1897-1902)” (Paul Doumer, Toàn quyền Đông Dương (1897-1902): “Người Việt nói chung nhớ tới Paul Doumer với 2 đóng góp chính: tên của ông thường được nhắc tới với niềm kính phục khi nó gắn với những công trình cơ sở hạ tầng lớn, nhất là đường sắt (hệ thống đường sắt xuyên Đông Dương, đường sắt Vân Nam, đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt) mà ông cho triển khai ở Việt Nam; thứ hai, ông đóng vai trò quan trọng đối với văn hóa và khoa học, ngoài khu nghỉ dưỡng trên cao ở Đà Lạt, ông đã lập ra nhiều học viện nghiên cứu: Trường Viễn Đông bác cổ (EFEO), Đại học Y Hà Nội, Viện Pasteur Nha Trang… “ (Paul Doumer, Gouverneur général de l’ Indochine (1897-1902), Lời nói đầu)

Amaury Lorin đã viết về dự án thành lập khu nghỉ dưỡng trên cao nguyên Lang Bian của Paul Doumer: “Cuối cùng, một chương mới của lịch sử Đông Dương mở ra khi Đà Lạt được xây dựng từ con số 0, từ đủ loại miếng ghép rời rạc, ở độ cao 1.475 mét của cao nguyên đất đỏ phía Nam Trung kỳ. Thật vậy, theo Philippe Devillers, “giữ gìn sức khỏe cho những người Tây Âu làm việc tại Đông Dương ngày càng đông trong các cơ quan hành chánh và công ty trở thành một đòi hỏi cấp bách.

Tính đến thời điểm đó, người Anh khánh thành “trạm nghỉ dưỡng trên núi” (hill stations) đã lâu rồi, nơi cho phép họ duy trì sức khỏe thể chất. Người Hà Lan bắt chước mô hình này tại Java và quy hoạch Bandung để tận hưởng nghỉ dưỡng một cách thoải mái. “Chẳng lẽ ta không thể làm gì giống họ tại Đông Dương để khỏi phải chịu đựng khí hậu chẳng hề dễ chịu khiến suy kiệt sức khỏe này sao?”, Paul Doumer đã thắc mắc như vậy ngay từ tháng 6 năm 1897. Thông qua một bức thông tri gởi tới các vị đứng đầu các tỉnh, ông yêu cầu được cung cấp thông tin về tất cả các cao nguyên tỏ ra thích hợp nhất để xây dựng một trạm nghỉ dưỡng trên cao và “những gợi ý quý báu nhất để giúp tìm được trên toàn lãnh thổ Đông Dương những vị trí có điều kiện sống đủ yêu cầu vệ sinh có tiềm năng trở thành những trạm nghỉ dưỡng”.

Chính trong bối cảnh này mà Alexandre Yersin đã đề xuất cao nguyên Lang Bian cách Saigon 250 km theo đường chim bay ở phía Đông Bắc (dịch giả Nguyễn Văn Trường đã dịch sai thành “cao nguyên Lang Bian ở độ cao 250 mét đường chim bay phía Đông Bắc Saigon”), nơi mà ngay từ năm 1897, vị bác sĩ này đã lưu ý sau nhiều chuyến thăm dò thực địa ở miền cao nguyên. Mật độ rừng thưa, không khí trong lành, không có muỗi, nhiệt độ dễ chịu (trung bình hàng năm là 18,3 độ): quyết định thành lập Đà Lạt được đưa ra vào năm 1898… Sự lựa chọn trên cao nguyên này vị trí thích hợp nhất để xây dựng thành phố nghỉ dưỡng khi đó thuộc về Léon Garnier, Tổng ủy viên cai quản Lang Bian. Việc xây dựng bắt đầu vào năm 1900, đúng thời điểm lập ra tỉnh mới thuộc Đồng Nai Thượng (Haut Donai) mà thủ phủ được chuyển dịch từ Di Linh (Djiring) về Đà Lạt.

Amaury Lorin

Sau chuyến đi Lang Bian trở về, ngày 24 tháng 1 năm 1901, Paul Doumer thuật lại chi tiết cho Albert Decrais, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa, như sau: “Cao nguyên Lang Bian chứng kiến một cao trào xây dựng mới và nhiều dự án quan trọng đã được thông qua. Làng Đà Lạt ở một địa điểm tuyệt vời và hưởng điều kiện khí hậu trong lành không thể chối cãi, cuối cùng đã được chọn làm địa điểm xây dựng trạm nghỉ dưỡng tương lai. 4 ngôi nhà gỗ, một ngôi nhà tầng và một công trình bằng gỗ lớn dài 52 mét sẽ được sử dụng như một nhà khách đã được xây. Trên phần đất dành cho các cơ sở quân sự cũng đã xây một ngôi nhà bằng gỗ dành cho các sĩ quan để dựng lán trại khi cần. Ngoài ra, đã có kế hoạch xây một công viên và một khu nông trại kiểu mẫu ở Đà Lạt”.

Một con đường nối Đà Lạt với Saigon đã được vạch ra (320 km) và được làm để xe cộ có thể đi lại được. Đà Lạt cho phép người Tây Âu “nghỉ dưỡng ngay tại chính thuộc địa và đổi gió mà không phải quay trở về Pháp”… (Paul Doumer, Gouverneur général de l’ Indochine (1897-1902), tr. 102, 103, 104)

“Paul Doumer, Toàn Quyền Đông Dương 1897-1902″

Năm 1901, Paul Doumer ký sắc lệnh lập tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt. Tuy nhiên, năm 1902, ông trở về Pháp, kế hoạch xây dựng đường sắt cũng như khu nghỉ dưỡng Đà Lạt bị ngưng trệ. Mãi tới 10 năm sau, dự án mới được tái khởi động dưới thời của Toàn quyền Albert Sarraut.

Để xây dựng đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt, người Pháp đã tuyển hàng chục ngàn phu trong cả nước. Từ năm 1912 đến 1920 mới chỉ hoàn thành được 38km từ Phan Rang đến Krông Pha dưới chân đèo Ngoạn Mục. Năm 1922, Công ty Thầu khoán Châu Á đảm nhiệm thi công từ Krông Pha lên Đà Lạt.

Đến năm 1932, tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt chính thức hoàn thành với tổng chi phí hơn 200 triệu franc. Tổng chiều dài 84km, qua 9 nhà ga, 5 đường hầm xuyên núi, 2 cầu lớn, 2 đèo cao là Ngoạn Mục và Đran; có 3 đoạn phải chạy trên đường sắt răng cưa với độ dốc 12% gồm: Sông Pha – Eo Gió, độ cao từ 186m đến 991m, Đơn Dương – Trạm Hành độ cao từ 1.016m đến 1.515m, Đa Thọ – Trại Mát độ cao từ 1.402m đến 1.550m. Mỗi ngày trung bình có 2 đôi tàu chạy tuyến Đà Lạt – Nha Trang và Đà Lạt – Saigon. Các tàu được vận hành bởi 11 đầu máy hơi nước nhãn hiệu HG 3/3 và HG 4/4, loại đầu máy chuyên để vượt núi và chạy trên đường sắt răng cưa do Đức chế tạo. Nhờ có tuyến đường sắt này mà vật liệu xây dựng được chở lên Đà Lạt thuận lợi với khối lượng lớn, tạo ra sự bùng nổ về xây dựng tại Đà Lạt giai đoạn 1935 – 1945. Từ đây, các sản phẩm nông sản của xứ lạnh cũng tỏa đi khắp cả nước, du khách đến với Đà Lạt cũng nhiều hơn. Đà Lạt ngày càng sầm uất, hưng thịnh.

Ngày 16 tháng 1 năm 2022, nhà xuất bản Champ Vallon lại cho ra mắt một tác phẩm nữa về Paul Doumer của Amaury Lorin có nhan đề “La république audacieuse” (Nền cộng hòa táo bạo) về thời gian ông làm tổng thống Cộng hòa Pháp.

HUỲNH DUY LỘC giới thiệu

Leave A Reply

Your email address will not be published.