G7 cung cấp khoản vay 50 tỷ USD cho Ukraine dựa trên tài sản bị đóng băng của Nga
TVN
Các nhà lãnh đạo của nhóm bảy nền dân chủ giàu có (G7) đã đạt được sự đồng thuận vào thứ Sáu (25/10) về việc cung cấp khoản vay khoảng 50 tỷ USD cho Ukraine được bảo đảm bằng thu nhập từ các tài sản có chủ quyền của Nga bị đóng băng bắt đầu từ tháng 12 năm nay.
“Các khoản vay này sẽ được trả lãi và hoàn trả bằng các luồng thu nhập bất thường trong tương lai, phát sinh từ việc thu hồi các Tài sản Quốc gia của Nga“, tuyên bố của G7 nêu rõ.
“Mục tiêu của chúng tôi là bắt đầu giải ngân các khoản tiền vào cuối năm nay“, tuyên bố được đưa ra khi các giám đốc tài chính toàn cầu đang có mặti Washington, Hoa Kỳ để tham dự các cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Một tuyên bố kèm theo từ các bộ trưởng tài chính G7 cho biết các khoản vay sẽ được giải ngân thông qua một loạt các khoản vay song phương, bắt đầu sớm nhất là vào ngày 1 tháng 12 và tiếp tục đến hết năm 2027 “theo từng đợt phản ánh nhu cầu tài chính cấp bách của Ukraine“.
Mỗi khoản vay song phương sẽ có hiệu lực chậm nhất vào ngày 30 tháng 6 năm 2025, điều này mang lại một số sự linh hoạt về thời gian cho các thành viên G7 để sắp xếp chi tiết các khoản cho vay.
Tuyên bố công bố các nguyên tắc và một số chi tiết kỹ thuật, không nêu rõ các số tiền cụ thể cho các khoản vay song phương, nhưng cho biết các chi tiết bổ sung sẽ được ban hành trong một bảng điều khoản, sẽ được thông báo trong những ngày tới.
Phân bổ các khoản cho vay
Hôm thứ Tư (23/10), Hoa Kỳ đã thông báo sẽ cấp cho Ukraine khoản vay 20 tỷ USD trong tháng Mười Hai, thời gian này nhằm bảo vệ khoản tiền vay khỏi khả năng bị thu hồi nếu đề cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hoa Kỳ vào tháng Mười Một.
Ông Trump đã tuyên bố sẽ “thoát khỏi” cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Tổng thống Hoa Kỳ tiếp theo sẽ chưa nhậm chức cho đến tháng 1/2025.
Một khoản vay 20 tỷ USD khác dự kiến sẽ đến từ Liên minh châu Âu (EU), nơi có các thành viên G7 là Đức, Pháp và Ý, và khoản 10 tỷ USD còn lại được chia cho Canada, Anh và Nhật Bản.
“Chúng tôi sẽ sát cánh cùng Ukraine cho đến cùng“, tuyên bố của các bộ trưởng tài chính G7 nêu rõ.
Tuyên bố cũng cho biết các khoản vay sẽ được giải ngân thông qua nhiều kênh, bao gồm Quỹ hỗ trợ tài chính vĩ mô từ EU. Đây là quỹ do nhiều nhà tài trợ đóng góp, được IMF quản lý, dành cho Ukraine và Quỹ trung gian tài chính mới thành lập cho Ukraine tại WB.
Cam kết của G7
Thông báo hôm thứ Sáu (25/10) về “các khoản vay được đẩy nhanh khoản thu bất thường” thực hiện một thỏa thuận khai thác thu nhập từ các tài sản bị đóng băng của Nga để hỗ trợ Ukraine, đã đạt được vào tháng Sáu giữa các nhà lãnh đạo G7 trong hội nghị thượng đỉnh thường niên của nhóm này diễn ra ở miền Nam nước Ý. Tuy nhiên, đó là một thỏa thuận còn thiếu nhiều chi tiết kỹ thuật, phải được giải quyết.
Khoảng 260 tỷ Euro (280,62 tỷ USD) tài sản của Nga như dự trữ của ngân hàng trung ương, đã bị đóng băng theo lệnh trừng phạt áp đặt sau khi chiến tranh Nga-Ukraine bùng phát vào tháng 2 năm 2022.
Phần lớn các tài sản đó được nắm giữ tại Euroclear, một trung tâm lưu ký chứng khoán trung ương có trụ sở tại Bỉ, khiến EU trở thành một bên chủ chốt trong bất kỳ kế hoạch nào nhằm sử dụng các tài sản này.
Tuyên bố của các nhà lãnh đạo G7 khẳng định: “G7 vẫn kiên định trong việc đoàn kết ủng hộ cuộc đấu tranh giành tự do, cũng như quá trình phục hồi và tái thiết của Ukraine”, đồng thời nói thêm rằng “thời gian không đứng về phía Tổng thống (Nga) Putin“.
Theo Reuters