Trung Quốc cam kết sẽ “chiến đấu đến cùng” trong cuộc chiến thương mại với Mỹ

TVN

0 95

Trung Quốc đã cứng rắn hơn trong lời lẽ của mình giữa lúc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tăng thuế. Tuần trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lin Jian cho biết nếu Hoa Kỳ “kiên quyết tiến hành chiến tranh thuế quan, chiến tranh thương mại hoặc bất kỳ cuộc chiến nào khác, Trung Quốc sẽ chiến đấu đến cùng” – một tuyên bố được nhắc lại bởi các phương tiện truyền thông nhà nước và các tài khoản mạng xã hội của đại sứ quán.

Với việc Trump liên tục thay đổi quan điểm về các mối đe dọa thương mại đối với Canada, Mexico và các quốc gia khác , Trung Quốc vẫn là mục tiêu duy nhất liên tục của việc tăng thuế quan, hiện ở mức trung bình 33 phần trăm đối với hàng hóa Trung Quốc.

Trung Quốc hiện đang gây sức ép, với các mức thuế mới đối với Canada nhằm mục đích ngăn cản nước này nhượng bộ trước yêu cầu của Hoa Kỳ về việc áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc. Động thái này có vẻ không đúng chỗ: Mặc dù Canada đã hợp tác với Hoa Kỳ về thuế xe điện đối với Trung Quốc trong nhiệm kỳ của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, nhưng Ottawa không mấy mặn mà trong việc đối phó với Trump.

Dù vậy, Trung Quốc vẫn có nhiều bất mãn với Canada do lập trường thẳng thắn của nước này về vấn đề can thiệp bầu cử và vi phạm nhân quyền của Trung Quốc. Cách tiếp cận của Trung Quốc với Ottawa đối lập với thái độ thận trọng của Bắc Kinh đối với châu Âu, nơi Trung Quốc đang cố khai thác rạn nứt trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương – dù có một số trở ngại bởi mối quan hệ thân thiết với Nga.

Khi cuộc chiến thương mại của Trump vẫn chưa có hồi kết, chính phủ Trung Quốc có thể sẵn sàng chiến đấu đến cùng, nhưng không rõ công chúng có chung quan điểm hay không. Những cuộc chiến thương mại quan trọng phần nào phản ánh niềm tin của chính phủ vào khả năng chịu đựng của người dân trước những hệ luỵ như giá cả tăng cao, hàng hoá khan hiếm, mất việc làm hay thị trường chứng khoán lao dốc.

Trung Quốc lâu nay vẫn tự hào về tinh thần “ăn đắng” của người dân – chịu đựng gian khó vì mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, dù vẫn còn hàng trăm triệu người Trung Quốc đang sống trong cảnh nghèo đói, tầng lớp trung lưu thành thị – nhóm người quan trọng nhất đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) – lại có khả năng chịu đựng thấp hơn, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Cần lưu ý rằng trước năm 2020, Trung Quốc đã trải qua bốn thập kỷ kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó những thời điểm khó khăn chủ yếu chỉ xảy ra ở một số khu vực cụ thể. Người dân xây dựng cuộc sống dựa trên lời hứa năm sau sẽ tốt hơn năm nay. Khẩu hiệu của chính phủ xoay quanh viễn cảnh thịnh vượng được đảm bảo dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ; Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trương tư tưởng “tiểu khang” (tương đối thịnh vượng).

Nhưng mọi thứ kết thúc một cách cay đắng trong đợt phong tỏa vì COVID-19, khi sự chịu đựng của công chúng đạt đến giới hạn. Những nỗ lực của chính phủ nhằm khôi phục tinh thần “vượt khó kiểu Mao” không đem lại hiệu quả. Tập từng ban hành lại chỉ thị “ăn đắng chịu khổ” để đối phó với tỷ lệ thất nghiệp. Một năm sau đó, ông lại chuyển sang nói về “việc làm chất lượng cao”.

Dù Tập đã nỗ lực thúc đẩy một nền kinh tế tự chủ, nhưng Trung Quốc lại thất bại trong việc xây dựng một thị trường tiêu dùng nội địa bền vững. Điều này khiến nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc vào xuất khẩu hơn bao giờ hết.

Trung Quốc đang trải qua thời kỳ khó khăn. Nhưng những lời đe dọa của Trump không kích động được làn sóng tự hào dân tộc và phản kháng như ở Canada hay Mexico. Một phần là vì hai nước này dựa vào câu chuyện “David đấu với gã khổng lồ Goliath” khi đối đầu với Mỹ; Nhưng câu chuyện này không thể áp dụng với Trung Quốc, nơi chủ nghĩa dân tộc gắn liền với ý tưởng không gì có thể ngăn cản được đất nước này.

Tuy nhiên, giới lãnh đạo Trung Quốc lâu nay vẫn còn tin rằng người Mỹ không chịu được gian khổ và nước Mỹ đang trên đà suy tàn. Nhận định đó có thể đúng – hoặc có thể dẫn đến sự tự tin thái quá rằng Trung Quốc sẽ trụ lâu hơn Mỹ trong một cuộc đối đầu kinh tế.

Bế mạc kỳ họp Lưỡng hội (Chính Hiệp và Nhân Đại). Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Nhân Đại – tức Quốc hội Trung Quốc), cơ quan lập pháp mang tính hình thức của Trung Quốc, và Uỷ ban Toàn quốc Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp) đã hoàn thành các phiên họp toàn thể hàng năm tại Bắc Kinh, kéo dài trong bảy ngày. Như mọi khi, kỳ họp Lưỡng hội chủ yếu gồm những tràng vỗ tay dài sau khi các lãnh đạo ĐCSTQ phát biểu hoặc trình bày báo cáo thường niên.

Kỳ họp Lưỡng hội năm nay chủ yếu xoay quanh các cam kết kinh tế, mặc dù gói kích thích vẫn còn khiêm tốn so với các nỗ lực sau khủng hoảng tài chính năm 2009, trong khi mục tiêu tăng trưởng vẫn giữ ở mức 5% như năm ngoái. Trong bối cảnh giá tiêu dùng của Trung Quốc chạm đáy giảm phát, các phiên họp nhấn mạnh việc thúc đẩy tiêu dùng, đồng thời nhấn mạnh kỳ vọng về sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo sau những đột phá của công ty DeepSeek.

Nguồn: James Palmer, “China Leans Into Trade War”,  Foreign Policy

Leave A Reply

Your email address will not be published.