Truyền thông thế giới: chiến dịch Mạng nhện của Ukraina- Cú sốc cho thế giới
TVN
“Chiều sâu chiến lược” trở thành điểm yếu của Nga
Về các chiến dịch thần tốc, táo bạo vừa qua của Ukraina, L’Express nhận xét, từ lâu người Nga vẫn tin vào « chiều sâu chiến lược », tức khoảng cách giữa tiền tuyến với các cơ sở kỹ nghệ và các thành phố lớn. Để đối phó với Đức quốc xã năm 1941, Liên Xô đã cho dời 1.500 nhà máy sang Xibêri, Trung Á và Ural. Nằm ngoài tầm oanh tạc, những nhà máy này còn sản xuất cả ngày lẫn đêm thép và vũ khí, cho đến chiến thắng cuối cùng bốn năm sau đó.
Khi bố trí các oanh tạc cơ chiến lược ở đông Xibêri hay Viễn Đông, bộ tham mưu Nga ngỡ rằng hỏa tiễn không với tới được. Nhưng cuộc không tập ly kỳ do tình báo Ukraina tổ chức : các drone giấu trong xe tải được điều khiển từ xa đã phá hủy nhiều phi cơ Nga, cho thấy « chiều sâu chiến lược » không còn là ưu thế của Matxcơva mà ngược lại.
Thâm nhập vào sâu lãnh thổ địch, Ukraina buộc đối thủ phải tự vệ trên chính đất mình. Nếu chỉ cần một ít drone giấu gần phi trường là đủ để tiêu diệt những vũ khí trị giá nhiều triệu đô la, quân đội Nga sẽ phải huy động đông đảo lính tráng để bảo vệ những địa điểm chiến lược về quân sự, năng lượng, kỹ nghệ. Với nguy cơ gây tâm lý sợ hãi trên toàn quốc, trong khi Vladimir Putin vốn muốn dân chúng ít biết đến « chiến dịch quân sự đặc biệt » bằng mọi giá.
Phiên bản Ukraina của vụ tấn công máy nhắn tin Israel
Le Point kể ra : Hàng trăm drone được bí mật đưa vào những vùng xa xôi của nước Nga cách hàng ngàn cây số từ một năm rưỡi qua. Chúng được xếp vào những xe tải với rờ-moọc có trần giả, giấu trong những két có nắp đậy điều khiển từ xa bởi những chiến sĩ hoạt động trong lòng địch nhưng dùng mạng điện thoại Nga, mở theo giờ đã định cho một đám mây drone bay ra. Và cả 41 mục tiêu đã được tình báo nghiên cứu kỹ lưỡng, cùng nổ tung một lượt, không gây thiệt hại cho thường dân…Phim khoa học giả tưởng hay kịch bản James Bond ? Nhưng không, đây chính là phiên bản Ukraina của vụ tấn công máy nhắn tin đã giúp Israel loại Hezbollah ra khỏi vòng chiến tháng 9/2024. Và là một chiến dịch thông minh, gan dạ chưa từng thấy, sẽ còn được giảng dạy lâu dài trong các trường quân sự.
Đây không phải là chiến tích đầu tiên. Soái hạm Moskva bị đánh chìm xuống đáy biển, hai cú đánh vào cầu Kerch, đẩy lùi Hạm đội Hắc Hải, cuộc đột kích bất ngờ vào Kursk…Trong khốn khó, quân đội Ukraina đã trở thành thiện chiến nhất châu Âu, và chiến dịch vừa qua là một bước tiến dần đến chiến thắng. Một bên là quân đội mất tinh thần, chỉ chiến đấu được với sự tăng viện của lính đánh thuê Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Ghana, Bangladesh, Iran. Bên kia là đội quân công dân yêu nước, biết rằng vì sao mình chiến đấu. Donald Trump nói rằng Volodymyr Zelensky « không có quân bài nào trong tay », nhưng lá bài này Kiev sẽ hạ xuống vào một lúc nào đó, để áp đặt một nền hòa bình công chính.
Những bài học cho châu Âu
Tương tự, Le Point đặt câu hỏi, phải chăng Ukraina đã đánh thức châu Âu ? Chỉ có thể ngã nón ngưỡng mộ trước chiến dịch Mạng nhện tuyệt vời, đã phá hủy các oanh tạc cơ chiến lược Nga ở cách xa có khi hơn 5.000 kilomet. Một cuộc tấn công táo bạo và khôn ngoan chưa từng thấy, đó chính là tinh thần mà châu Âu phải học hỏi.Vào sáng sớm ngày 24/02/2022, khi Vladimir Putin tung ra đoàn xe tăng rầm rộ hướng về Kiev, không ai tin rằng quốc gia mỏng manh do Volodymyr Zelensky lãnh đạo sẽ tồn tại. Nhưng vị tổng thống trẻ mà ít quan sát viên nào coi trọng đã từ chối lưu vong. « Tôi cần đạn dược chứ không phải một chuyến taxi » – câu nói đã đi vào lịch sử. Chính Ukraina đã tạo ra sức mạnh khiến châu Âu phải hỗ trợ chứ không phải ngược lại.
Viện trợ ban đầu rất ít để tránh « leo thang », phi cơ và hỏa tiễn tầm xa phải rất lâu sau mới được cung cấp, và một số còn đòi giới hạn tầm bắn. Bài học đầu tiên của Ukraina dành cho châu Âu là : Không xuất phát với tinh thần chủ bại. Ukraina chiến đấu cũng vì châu Âu : Chính vì Kiev muốn xích lại gần Liên Hiệp Châu Âu (EU) năm 2014 nên phải nhận lãnh cơn cuồng nộ của Matxcơva. Nhưng chỉ lòng can đảm thôi không thể đủ. Đây là bài học thứ hai của Ukraina, được chứng minh bằng chiến dịch Mạng nhện : cần phải sáng tạo.
Việc phát triển thường xuyên các drone mới, hệ thống gây nhiễu, robot tiếp tế cho chiến hào và nhiều thứ khác đã giúp bù đắp phần nào sự mất cân bằng về quân số và đạn dược. Hàng trăm công ty khởi nghiệp đã nổi lên chỉ trong vài tháng, hàng loạt kỹ nghệ được khai sinh từ lòng ái quốc và tự do hóa từng bước lãnh vực quốc phòng. Tư lệnh lục quân Pháp, tướng Schill nhận xét : « Đó là một quân đội rất phi tập trung, đã cho thấy tác động từ đầu cuộc chiến, với các đơn vị hết sức nhỏ có thể xâm nhập được từ phía sau và phát huy sáng kiến ».
Cách đánh mới khiến các đại cường phải xem lại chiến lược cũ
Trong tác phẩm « Ukraina : Sức mạnh của kẻ yếu », nhà xã hội học Anna Colin Lebedev giải thích, sự chuyển đổi của xã hội và chính quyền Ukraina – vốn kém hiệu quả và tham nhũng – đã bắt đầu từ 2014, khi Kremlin tấn công Donbass và chiếm Crimée. Mỗi người dân trong khả năng của mình đã chung tay giúp Nhà nước mạnh lên từ bên trong. Theo Le Point, châu Âu có lý do để không bao giờ bỏ rơi Ukraina, vì tính nguyên tắc, và vì an ninh châu lục bị đe dọa.
Đối với The Economist, bài học lớn nhất từ cuộc đột kích ngoạn mục của Ukraina, là phương Tây phải suy nghĩ lại về cách tiến hành chiến tranh. Các quân đội châu Âu học hỏi được nhiều điều về vụ tập kích bằng drone lớn nhất trong lịch sử.
Chiến dịch phối hợp giữa phá hoại kiểu cổ điển và loại vũ khí biểu tượng cho cuộc chiến ở Ukraina đã chứng tỏ hai điều. Thứ nhất, công nghệ mới được vận dụng với óc sáng tạo, là vô cùng nguy hiểm cho địch. Thứ hai, ngay cả các đại cường cũng dễ tổn thương trước các vụ tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng trên lãnh thổ mình. Công nghệ mới đã thay đổi sâu sắc bản chất chiến tranh, nhưng phương Tây đã chậm thích nghi.
Nguồn RFI