Căn cứ hải quân Ream: Mối đe dọa cho Việt Nam, điểm tựa của Bắc Kinh

TVN

0 225

Trong chuyên mục về Đông Nam Á, tờ báo Pháp Libération cuối tuần có bài viết « Ream, căn cứ nhỏ ở Cam Bốt và căng thẳng lớn ». Trung Quốc tài trợ và giám sát việc mở rộng căn cứ quân sự Cam Bốt ở vịnh Thái Lan, mà một phần được Bắc Kinh dùng để đóng quân, với nguy cơ làm đảo lộn tương quan lực lượng trong khu vực.

Chuyên gia Gregory B. Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải nhận thấy việc xây dựng đã tăng tốc rất nhanh trong năm qua. Những hình ảnh vệ tinh mà Libération tham khảo cũng chứng tỏ những công trình lớn đang hình thành như đường sá, các tòa nhà… và căn cứ rõ ràng đã được chia đôi để dành cho Trung Quốc nửa phía bắc.

Từ tháng 7/2019 Wall Street Journal đã tiết lộ một thỏa thuận bí mật, theo đó Cam Bốt cho Trung Quốc sử dụng căn cứ Ream trong 30 năm. Cả Bắc Kinh lẫn Phnom Penh đều chối cãi, nhưng không ai lạ gì về mối quan hệ chư hầu này. Sau lễ khai mạc chính thức được tưng bừng tố chức ngày 08/06/2022, bộ trưởng quốc phòng Cam Bốt Tea Banh và đại sứ Trung Quốc Vương Văn Thiên (Wang Wentian) đã cùng bơi trong vịnh biển.

Nhà phân tích quân sự Tom Shugart phát hiện một con đường ở đầu mút phía đông căn cứ có những khoảng đã được dọn sạch, dùng cho những giàn phóng hỏa tiễn địa-không SAM HQ-9. Chuyên gia Phương Nguyễn ở Úc dự đoán Trung Quốc sắp tới có thể triển khai tại Ream các radar và những phương tiện C4ISR (chỉ huy, kiểm soát, liên lạc, tin học, tình báo, giám sát, trinh sát).

Mối đe dọa cho Việt Nam, và điểm tựa của Bắc Kinh trên Biển Đông

Cuối 2018, phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã gởi thư cho ông Hun Sen bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc lập căn cứ quân sự tại đây. Phía Cam Bốt nói rằng Bắc Kinh chỉ giúp nạo vét mở rộng cảng, nhưng sau đó bất ngờ cho phá hủy những công trình do Mỹ xây dựng, và cho di dời Nhà hữu nghị – kỷ niệm Việt Nam giúp giải phóng Ream khỏi quân Khmer Đỏ năm 1979.

Theo Phương Nguyễn, đây là mối đe dọa cho Việt Nam ở sườn phía tây nam cũng như những nước khác. Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ khẳng định Ream sẽ là căn cứ quân sự đầu tiên của Bắc Kinh ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, giúp quân Trung Quốc tiếp cận eo biển Malacca, đe dọa căn cứ Mỹ ở Singapore, và là điểm tựa quý giá ở phía nam Biển Đông. Không ai quên câu nói của Tập Cận Bình hồi tháng 9/2015 tại Nhà Trắng trước Barack Obama, rằng Trung Quốc không có ý định quân sự hóa các đảo trên Biển Đông. Một sự dối trá trắng trợn, vì ngay sau đó Bắc Kinh đã ồ ạt xây dựng các cơ sở quân sự tại Trường Sa và Hoàng Sa.

Một điểm đáng lo ngại nữa là công ty Trung Quốc Union Development Group có liên hệ mật thiết với quân đội đã được nhượng quyền trong 99 năm để xây dựng một phức hợp du lịch, trong đó có phi trường quốc tế Dara Sakor với phi đạo dài 3.400 mét có thể tiếp nhận những phi cơ vận tải lớn, và cả tiêm kích. Phương Nguyễn cảnh báo phi trường này có thể được không quân Trung Quốc dùng làm nơi xuất phát các phi vụ tuần tra trên toàn bộ vịnh Thái Lan. Gregory B. Poling nói thêm, Dara Sakor cũng có khả năng thành nơi trung chuyển cho các phi cơ tiêm kích trên hàng không mẫu hạm Trung Quốc. Việc xây dựng bị chậm trễ do Covid và khó khăn kinh tế, sẽ tiếp tục từ tháng Sáu. Chuyện dài Ream còn tiếp diễn.

Theo RFI

Leave A Reply

Your email address will not be published.