Chủ tịch nước mất chức : Sự kiện hiếm hoi ở Việt Nam

TVN

0 186

Tại châu Á, The Economist có bài viết mang tựa đề « Tham nhũng và Covid : Chiến dịch bài trừ tham nhũng làm chủ tịch nước Việt Nam mất chức ».

Khi bị Covid tấn công năm 2020, Việt Nam nhanh chóng đóng cửa biên giới. Hàng mấy chục ngàn công dân bị kẹt ở nước ngoài, được tổ chức hồi hương trên 800 chuyến bay.

Nhưng sau đó được biết nhiều người phải trả cái giá cắt cổ để trở về, từ đầu năm 2022 các nhà điều tra bắt đầu thẩm vấn những viên chức đòi hối lộ, khoảng mấy chục người bị khởi tố trong đó có hai cựu bộ trưởng. Đến 17/01, chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từ chức vì trách nhiệm trong xì-căng-đan này. Tuần báo Anh nhận xét nếu tham nhũng là phổ biến ở Việt Nam, thì việc chủ tịch nước từ chức là hết sức hiếm hoi.

Trường hợp ông Phúc cho thấy đại dịch đã đẩy mạnh tầm mức chiến dịch « đốt lò » của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng như thế nào. Cũng như Tập Cận Bình bên Trung Quốc, ông Trọng dùng chiến dịch chống tham nhũng để tích lũy thêm quyền lực cho bản thân và cho đảng cộng sản. Theo ông Nguyễn Khắc Giang, Trung tâm Kinh tế Chiến lược Việt Nam ở Hà Nội, trước đó có sự cân bằng giữa đảng và nhà nước, các quan chức tham nhũng hầu hết do các cơ quan chính phủ xử lý, nay đảng nhiều quyền hành hơn.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, 78 tuổi, đang trong nhiệm kỳ thứ ba, thuộc lớp thế hệ lãnh đạo cuối cùng thời chống Mỹ. Ông được cho là người có lòng tin thực sự, muốn quét sạch nạn tham nhũng đang hoành hành kể từ khi Việt Nam áp dụng kinh tế thị trường trong thập niên 90. Những kẻ lợi dụng Covid để làm giàu lần lượt vào tù.

Việt Nam thăng hạng chống tham nhũng, nhưng nhiều dự án đình trệ
Tháng 12/2021, tổng giám đốc công ty trang thiết bị y tế Việt Á bị buộc tội hối lộ để bán bộ xét nghiệm Covid, các quan chức đồng lõa bị bắt trong đó có cả bộ trưởng y tế và bộ trưởng khoa học-công nghệ. Nhân viên các đại sứ quán từ Angola cho đến Nhật Bản bị trừng phạt vì nhũng nhiễu, làm tiền trong các chuyến bay hồi hương. Ngày 05/01, hai phó thủ tướng mất chức trong đó có ngoại trưởng, được cho là có thể trở thành thủ tướng tương lai. Lãnh vực tài chánh cũng bị tấn công. Tháng Tư, các nhà quản lý một tập đoàn địa ốc lớn bị bắt, tháng Mười đến lượt giám đốc một công ty bất động sản khác.

Chiến dịch tương đối thành công, thứ hạng về chỉ số tham nhũng của Việt Nam trong bảng xếp hạng của Minh bạch Quốc tế từ hạng 111 đã lên 87. Quốc gia này đang áp dụng các tiêu chuẩn kế toán theo các thỏa thuận bảo vệ nhà đầu tư với Mỹ và châu Âu. Về mặt tiêu cực, tiến sĩ Oliver Massmann cho biết với việc hạch toán chặt chẽ hơn, các quan chức tham nhũng không có lợi lộc gì trong việc thực hiện các dự án đầu tư vì không « ăn » được, còn người đàng hoàng thì sợ tai tiếng không dám phê duyệt. Hệ quả là tỉ lệ giải ngân vốn nhà nước sụt giảm, các dự án hạ tầng thiết yếu bị chậm lại. Cao tốc Bắc-Nam vẫn đang là những mảng chắp vá, métro ở Sài Gòn vẫn chưa hoạt động sau 10 năm xây dựng.

Trước mắt, tăng trưởng của Việt Nam chưa bị ảnh hưởng, đạt tỉ lệ 7,5 % trong năm 2022 và dự báo năm nay 6 %. Với xu hướng tách khỏi Trung Quốc, các nhà sản xuất Mỹ và châu Âu đang gia tăng chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam. Ông Trọng muốn đất nước trở thành quốc gia có thu nhập trung bình vào năm 2030, và để khả thi, các viên chức trung thực cần có khả năng phê duyệt dự án mà không sợ bị bắt.

Nguồn RFI

Leave A Reply

Your email address will not be published.