Đầy Tớ Của Nhân Dân: Tại Sao Zelensky Không Nhượng Gì Cho Nga?

TVN

0 743

Những ai kêu gọi Kyiv lấy lãnh thổ của mình ra đàm phán là người không hiểu lịch sử cũng như thực tế hiện nay của nền dân chủ Ukraina.

Trong các nền dân chủ, các chính trị gia phụ thuộc vào ý chí của người dân. Lựa chọn bất chấp mong muốn của số đông ít nhất cũng khiến họ thua cuộc trong cuộc bầu cử tiếp theo. Nhưng ở các nền dân chủ chuyển tiếp như Ukraina, khi số đông không đồng ý với một nhà lãnh đạo đột nhiên đi quá xa theo hướng của chính mình, thì ông ta có thể phải trả giá đắt hơn thất cử rất nhiều. Một sự nghiệp đang lên nhanh chóng có thể đột ngột sụp đổ giữa làn sóng phản đối vốn thường buộc kẻ bị truất quyền phải sống những ngày còn lại của mình trong tình trạng lưu vong, không có công danh lẫn vị trí trong xã hội.

Đây là những gì đã xảy ra với Tổng thống Ukraina Viktor Yanukovich, người đã không tuân theo mong muốn của công chúng để Kyiv tiến lại gần hơn với Liên hiệp Châu Âu. Bốn năm sau chiến thắng hợp pháp trong cuộc bầu cử năm 2010, khi cố gắng dập tắt các cuộc biểu tình của sinh viên ở Quảng trường Maiden, ông buộc phải trốn sang Nga.

Yanukovich chỉ là một chính trị gia thời hậu Xô Viết đã bị người dân Ukraine loại bỏ, thể hiện rằng họ hoàn toàn cự tuyệt quay trở lại chế độ độc tài và chịu khuất phục. Tôi đã viết về điều này vào đêm trước chiến tranh: Để chiếm được Ukraina, trước tiên Putin sẽ phải dìm đất nước này trong bể máu. Hãy nhìn vào các thành phố mà quân đội Nga đã chiếm được – Bucha, Kherson, Mariupol – và sự hy sinh mà người Ukraina đã phải sẵn sàng gánh chịu.

Điều mà Kissinger không hiểu

Tổng thống hiện tại của Ukraina, Volodymyr Zelensky, nhận được sự ủng hộ chưa từng có, trong và ngoài nước. Và ông ta hoàn toàn hiểu rằng mức độ ủng hộ này phụ thuộc vào ý chí không suy chuyển của ông nhằm bảo vệ công lý và danh dự cho người dân Ukraina. Sự ủng hộ của quốc tế cũng như áp lực của quốc tế sẽ không giữ được Zelensky trên ghế tổng thống; chỉ có ý chí của người Ukraina mới có thể làm được điều đó.

Và khi ngày càng có nhiều người từ nước ngoài lớn tiếng nhắc đến việc cần đàm phán bằng một thỏa hiệp về lãnh thổ, Zelensky phải đối mặt với câu hỏi rằng người dân Ukraina muốn gì. Theo dữ liệu mới nhất, 78% người Ukraina (ở những khu vực có thể tiến hành thăm dò) phản đối việc nhượng bộ bất kỳ điều gì cho Nga – thay vào đó, họ kêu gọi chiến thắng toàn diện. Chỉ 2% số người được hỏi kêu gọi Kyiv nhượng bộ trên bàn đàm phán.

Sự biết ơn chân thành của người Ukraina đối với sự giúp đỡ và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế không có nghĩa là họ sẽ đồng ý với một nền hòa bình tệ hại với Nga vì mục tiêu giảm giá khí đốt ở Berlin hay Paris.

Với những lời kêu gọi ngày càng tăng về “đàm phán hòa bình” đến từ không chỉ các chuyên gia đã nghỉ hưu như Henry Kissinger mà còn một số người quyền lực trong một số chính phủ phương Tây, lập trường kiên định của người dân Ukraina đối với chuyện nhượng bộ nên được hiểu rõ trong mối tương quan trực tiếp với những gì Tổng thống Ukraina có thể làm. Tuy chỉ là hư cấu, nhưng chúng ta hãy nhớ tên của bộ phim truyền hình đã làm cho Zelensky nổi tiếng trước khi ông thực sự tham gia chính trị: “Đầy tớ của nhân dân”.

“Hòa bình” không phải là hòa bình

Zelensky biết rằng đàm phán mà dính líu đến việc nhượng lại lãnh thổ sẽ phản bội lòng tin của người dân Ukraina: cái chiến thắng mà người dân đang đòi hỏi không chỉ là thu hồi tất cả các lãnh thổ, mà còn là sự chắc chắn rằng trong tương lai khả kiến sẽ không có nhà lãnh đạo Nga nào – Putin hay ai khác – sẽ lại dám đánh giá thấp Ukraina.

Ukraina buộc phải có lập trường không khoan nhượng trong cuộc chiến này vì những lý do bắt nguồn từ mối quan hệ hàng trăm năm với Nga, và đơn giản là vị trí địa lý của nước này. Chúng tôi có một người hàng xóm vĩnh cửu, người đã khiến chúng tôi mất hàng triệu sinh mạng và hàng trăm năm nô lệ.

Hòa bình với Nga từ lâu đã là điều bất khả thi, và không chỉ là cuộc chiến bắt đầu vào ngày 24/2 hay thậm chí là tháng 1/2014. Hòa bình với Nga là bất khả thi chẳng những vì hơn 70 năm giải trừ chủ nghĩa dân tộc của Liên Xô và nạn đói những năm 1930, mà còn vì những bài học của thời đại trước khi người dân Ukraina sống dưới Đế chế Nga, nơi họ bị coi là những công dân hạng hai và phải chịu sự Nga hóa.

Nga đã không thay đổi góc nhìn của mình về Ukraina trong nhiều thế kỷ: Ngay ở thế kỷ 21 mà Tổng thống Liên bang Nga nói một cách hết sức nghiêm túc rằng Ukraina chỉ là một “phát minh” của Vladimir Lenin.

Tự do hay là chết

Cách đây vài ngày, Kyiv đã kỷ niệm sinh nhật lần thứ 1.540 của mình (con số được tính không phải từ ngày thành lập thực sự của thành phố, mà là từ ngày tên thành phố này lần đầu tiên được nhắc đến trong các biên niên sử). Còn Moskva năm nay kỷ niệm 875 năm thành lập.

Việc so sánh lịch sử thực sự của chúng tôi cũng lố bịch như việc bình luận về những bài học lịch sử hư cấu của Putin.

Nhiều người ở Ukraina hiện nói rằng chiến tranh với Nga đáng lẽ đã nổ ra từ lâu: Các nhà cầm quyền của Moskva đã xem Kyiv là sân sau của họ quá lâu, và tư tưởng coi Ukraina như “người em” của họ đã đeo bám Ukraina như một lời nguyền.

Nhưng thế giới đã thay đổi quá nhiều kể từ thời chế độ nông nô và Thế Chiến thứ hai, người Kyiv và Moskva đã “phát triển” quá khác biệt, các lựa chọn xã hội và chính trị của chúng tôi khác nhau, các nhà lãnh đạo của chúng tôi cũng hoàn toàn đối lập.

Khi cố gắng khôi phục Liên Xô hoặc đế chế Nga, Putin đã đặt người Ukraina trước một lựa chọn đơn giản nhưng dứt khoát: tự do hay là chết. Và đối với Ukraina, “hòa bình” với nước Nga như hiện nay chỉ có thể là cái chết.

Tác giả: Anna Akage | Worldcrunch ngày 07/6/2022

Biên dịch: Đoàn Thị Hằng Ni | Hiệu đính: Nguyễn Trịnh Đôn

Theo trang Đại Ký Sự Biển Đông

Đầy Tớ Của Nhân Dân: Tại Sao Zelensky Không Nhượng Gì Cho Nga

Leave A Reply

Your email address will not be published.