Liệu Tập Cận Bình có thể đưa Hồng Kông từ hỗn loạn đến thịnh vượng?

TVN

0 72

“Từ hỗn loạn đến trật tự, từ ổn định đến thịnh vượng.” Đó là mục tiêu của Tập Cận Bình đối với Hồng Kông. Kể từ khi các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ diễn ra tại Hồng Kông vào năm 2019, nhà cầm quyền Trung Quốc đã cố gắng tái thiết lập quyền kiểm soát của mình. Dưới nhiều góc độ, Tập Cận Bình đã thành công. Hồng Kông ngày nay ít hỗn loạn hơn so với trước đây. Đại dịch COVID-19, với việc Hồng Kông đóng cửa với thế giới, đã góp phần làm dịu đi những căng thẳng. Hai đạo luật an ninh quốc gia hà khắc – một được chính quyền trung ương áp đặt lên Hồng Kông vào năm 2020 và một được cơ quan lập pháp địa phương thông qua năm nay – cũng vậy. Nhưng những biện pháp đã mang trật tự đến Hồng Kông, bằng cách gieo rắc nỗi sợ hãi vào những người theo chủ nghĩa tự do, lại có nguy cơ khiến Hồng Kông đánh mất sự thịnh vượng của mình, biến nơi đây thành một môi trường sống và kinh doanh kém dễ chịu và khó đoán hơn.

Trong những cao ốc ở Hồng Kông được lấp kín bởi các công ty quốc tế, bầu không khí không mấy lạc quan. Khi Phòng Thương mại Mỹ tại Hồng Kông khảo sát các thành viên vào cuối năm 2023, 60% số người được hỏi cho biết họ sẽ thận trọng trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh tại đây. Một trong số những rào cản được đề cập trong khảo sát có căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ cũng như việc nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại, và bao gồm cả những quan điểm của nước ngoài về Hồng Kông. Gần một phần ba số người được hỏi cho biết họ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đạo luật an ninh quốc gia trước đó. Một khảo sát khác, được thực hiện vào tháng 6 và tháng 7 bởi Phòng Thương mại Đức tại Hồng Kông, cho thấy rất nhiều thành viên dự đoán rằng môi trường chính trị sẽ trở nên tệ đi cũng như việc thu hút nhân tài nước ngoài sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong năm tới.

Tuy vậy, không phải tất cả đều là tin xấu. Hầu hết các công ty vẫn cho biết môi trường kinh doanh hiện tại khá tích cực. Dưới một vài góc độ khác, bầu không khí còn có phần tệ hơn vào những năm 2021 và 2022, khi COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến Hồng Kông. Những người lạc quan hơn nhận thấy rằng, số lượng các công ty Mỹ đang hoạt động tại Hồng Kông tăng nhẹ lên 1.273 vào năm ngoái, sau bốn năm liên tiếp giảm. Tuy nhiên, con số này vẫn ít hơn so với mức cao nhất là 1.388 vào năm 2012. Mặc dù các công ty nước ngoài không rời bỏ Hồng Kông ồ ạt, nhiều công ty đang thu hẹp quy mô hoạt động và chuyển trụ sở điều hành khu vực đến nơi khác.

Sự gần gũi với đại lục từ lâu đã là điểm mạnh lớn nhất của Hồng Kông. Nhưng giờ đây, các giám đốc và quan chức nước ngoài lại nói về việc Hồng Kông đang ngày càng giống đại lục. Hệ thống luật pháp độc lập, nền báo chí tự do phong phú và quyền tự do công dân đang bị chính quyền trung ương làm suy yếu. Ba trong số mười thẩm phán nước ngoài của Tòa án Tối cao Hồng Kông đã từ chức trong năm nay. Một trong số họ, Jonathan Sumption, đã viết trên tờ Financial Times: “Nguyên tắc pháp quyền bị xâm phạm một cách sâu sắc trong bất kỳ lĩnh vực nào mà chính phủ cảm thấy có thế lực ở đó.” Đáp lại, đặc khu trưởng Hồng Kông Lý Gia Siêu khẳng định: “Nguyên tắc pháp quyền ở Hồng Kông vẫn vững mạnh và sẽ không thay đổi.”

Tuy nhiên, một loạt các vụ án pháp lý nhắm vào những người theo chủ nghĩa tự do ở Hồng Kông đã làm gia tăng các mối lo ngại. Vụ án gần đây nhất liên quan đến Chung Phái Quyền và Lâm Thiệu Đồng, hai cựu biên tập viên của tờ Stand News. Trang tin trực tuyến này (hiện đã đóng cửa) đã công bố các bài viết ủng hộ dân chủ. Vào ngày 29 tháng 8, một thẩm phán đã ra phán quyết rằng trong các cuộc biểu tình năm 2019, Stand News “trở thành một công cụ để bôi nhọ và vu khống” các quan chức. Việc kết án ông Chung và ông Lâm là một“tín hiệu rõ ràng” đến thế giới kinh doanh “rằng Hồng Kông không còn hoạt động như một khu vực pháp lý theo Thông luật nữa”, dẫn theo lời của Liên minh liên Nghị viện về Trung Quốc (IPAC), một tổ chức tập hợp các nhà lập pháp từ 33 quốc gia.

Vào ngày 6 tháng 9, chính phủ Mỹ đã lên tiếng, phát đi một cảnh báo cập nhật cho các công ty về những nguy cơ tiềm ẩn khi hoạt động tại Hồng Kông, chủ yếu liên quan đến hai đạo luật an ninh. “Các doanh nghiệp cần nhận thức rằng những rủi ro họ phải đối mặt [ở Trung Quốc đại lục] hiện nay đang ngày càng hiện hữu tại Hồng Kông,” thông cáo cho biết. Vài ngày sau, Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật có khả năng đóng cửa các văn phòng ngoại giao của Hồng Kông tại nước này. Các nhà lập pháp đã đặt câu hỏi liệu Hồng Kông có xứng đáng có đơn vị đại diện khác biệt với Trung Quốc, khi mà quyền tự trị của Hồng Kông đang suy giảm.

Tất cả những điều này đã làm giảm sức hấp dẫn của Hồng Kông so với các trung tâm xuất nhập khẩu khác ở châu Á, như Singapore. Đồng thời, các công ty nước ngoài mong muốn hoạt động tại Trung Quốc nhận thấy ít lợi ích hơn khi mở văn phòng tại Hồng Kông so với Thượng Hải.

Hồng Kông vẫn là một trung tâm kinh doanh, nhưng ngày càng có nhiều công ty và người lao động từ đại lục góp mặt tại đây. Vào năm 2022, Trung Quốc vượt qua Mỹ trở thành nước có nhiều trụ sở khu vực nhất tại Hồng Kông. Một phần năm số người Mỹ sống ở Hồng Kông đã chuyển đi trong khoảng từ 2021 và 2023. Cùng với họ, hàng loạt người Hồng Kông cũng ra đi. Hơn 150.000 người trong số họ đã di cư sang Anh theo một chương trình nhập cư đặc biệt được chính phủ Anh tạo ra sau khi đạo luật an ninh đầu tiên được ban hành. Hàng nghìn người khác đã nhận được quyền cư trú vĩnh viễn tại Úc và Canada thông qua các chương trình tương tự.

Dân số của Hồng Kông đã giảm từ 7,5 triệu vào năm 2019 xuống còn 7,3 triệu vào năm 2022. Tuy nhiên, dân số đã tăng trở lại 7,5 triệu vào năm ngoái. Chính quyền địa phương đã giới thiệu một chương trình visa mới nhằm thu hút các “nhân tài hàng đầu” từ nước ngoài. Trong số 70.000 visa được phê duyệt theo chương trình tính đến nay, 95% được cấp cho những người đến từ đại lục. Các công ty nước ngoài dường như không ấn tượng mấy với những người mới đến này. Gần một nửa số người tham gia khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ cho biết số lượng nhân viên đủ trình độ tại Hồng Kông đã giảm trong năm qua. Một vấn đề khác là nhiều người từ đại lục coi Hồng Kông là một điểm trung chuyển đến thế giới bên ngoài, theo lời John Hu, một chuyên gia tư vấn về vấn đề di cư.

Hồng Kông vẫn nổi bật so với các đối thủ của mình – và chắc chắn là so với đại lục – trong lĩnh vực thị trường vốn và ngân hàng đầu tư. Mặc dù thành phố này đã trở nên “Trung Quốc” hơn, nhưng hoạt động tài chính của Hồng Kông vẫn giống như một nước phương Tây, và do đó, Hồng Kông có thể tiếp cận các hệ thống tài chính ở phương Tây. Giá trị đồng tiền của Hồng Kông được gắn với đồng đô la Mỹ, và Hồng Kông vẫn là trung tâm lớn nhất tại châu Á cung cấp nguồn tài chính bằng đồng đô la Mỹ cho các giao dịch diễn ra ở nước ngoài. Các công ty tài chính không rời bỏ Hồng Kông ồ ạt – và có lẽ họ sẽ không làm vậy, miễn là Hồng Kông tiếp tục là con đường chính để đầu tư vào Trung Quốc. Tuy nhiên, một số công ty đã cắt giảm nhân sự trong những năm gần đây do số lượng các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Hồng Kông giảm sút. Các ngân hàng cũng lo ngại rằng sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ hoặc ảnh hưởng từ Trung Quốc sẽ làm gián đoạn vị thế của Hồng Kông như một trung tâm tài chính toàn cầu trong dài hạn.

Xét về ngắn hạn, nền kinh tế thực của Hồng Kông đang gặp khó khăn. GDP của Hồng Kông đã tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước trong quý thứ hai, nhờ vào đẩy mạnh xuất khẩu. Nhưng doanh số bán lẻ đang giảm và số trường hợp phá sản gia tăng. Cư dân Hồng Kông ngày càng thường xuyên đến thành phố lân cận Thâm Quyến để mua sắm, đảo ngược xu hướng trước đây. Thị trường bất động sản của Hồng Kông cũng đang gặp khó khăn, với giá trị và khối lượng giao dịch nhà ở giảm mạnh trong những tháng gần đây. Mối liên kết chặt chẽ với tài chính toàn cầu đã trở thành con dao hai lưỡi với Hồng Kông: việc gắn tỷ giá với đồng đồng đô la Mỹ đã buộc Hồng Kông phải duy trì lãi suất cao bất chấp nền kinh tế địa phương đang yếu.

Tại một cuộc họp vào tháng 8 do các nhà lãnh đạo Hồng Kông tổ chức, hàng chục cư dân và đại diện ngành công nghiệp đã bày tỏ sự quan ngại về tình hình kinh tế. Ông Lý thừa nhận rằng các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều thách thức. “Chúng tôi ước tính rằng nền kinh tế sẽ vận hành tốt hơn vào năm tới,” ông Lý phát biểu, mà không đưa ra bất kỳ chính sách cụ thể nào trong tương lai. Tăng Ngọc Thành, sáng lập viên của đảng thân Bắc Kinh lớn nhất tại Hồng Kông, phàn nàn rằng Hồng Kông đang “thiếu sự lãnh đạo về mặt chính trị”.

Khi bầu không khí ở Hồng Kông trở nên u ám, một số nhà lập pháp đề xuất một giải pháp mới. Họ kêu gọi thúc đẩy “nền kinh tế gấu trúc”, nhấn mạnh sự ra đời của hai con gấu con trong thành phố. Giải pháp này sẽ bao gồm các gói khách sạn theo chủ đề gấu trúc và nghệ thuật lấy cảm hứng từ gấu trúc. Một hiệp hội du lịch còn gợi ý rằng thành phố có thể đổi biểu tượng từ rồng sang gấu trúc. Các vấn đề Hồng Kông cần giải quyết lớn hơn rất nhiều so với tất cả những điều vừa đề cập. Tuy nhiên, có lẽ một chút phân tâm sẽ giúp tinh thần người dân Hồng Kông lạc quan hơn.

Nguồn: Can Xi Jinping take Hong Kong “from stability to prosperity”,” The Economist, 12/09/2024

Leave A Reply

Your email address will not be published.