Tổng thống Đài Loan: Chủ quyền quốc gia không thể bị xâm phạm, thôn tính
Phát biểu tại huyện Nam Đầu hôm 24/9, Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức bày tỏ kiên định rằng Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (ĐCSTQ) không có mối quan hệ liên kết nào, Đài Loan không phải là một phần của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ông cũng khẳng định chủ quyền của Đài Loan không thể bị xâm phạm và sáp nhập. Chỉ có 23 triệu người dân Trung Hoa Dân Quốc mới có thể quyết định tương lai của Đài Loan.
Theo Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA), “Ủy ban kiên cường phòng vệ toàn xã hội” của Văn phòng Tổng thống sẽ tổ chức cuộc họp đầu tiên vào ngày 26/9. Những người bao gồm ông Ngô Di Nông (Enoch Wu) – người sáng lập và chủ tịch của “Liên minh Đài Loan lớn mạnh” (Forward Alliance), và cố vấn Tăng Bá Du (Tseng Po-yu) của Kuma Academy sẽ tham dự cuộc họp. Hôm 24/9, Tổng thống Lại Thanh Đức đã có chuyến đi đặc biệt tới Phố Lí, Nam Đầu để tham gia hành trình huấn luyện phòng thủ dân sự vào ngày 24/9.
Trong bài phát biểu tại Nam Đầu, ông nói rằng có chủ quyền mới có quốc gia, có Đài Loan mới có Trung Hoa Dân Quốc, với tư cách là tổng thống và tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, nhiệm vụ đầu tiên của ông là bảo vệ sự phát triển bền vững của đất nước.
Ông cho biết sẽ luôn kiên trì đi theo thể chế hiến chính tự do dân chủ, kiên trì rằng Trung Hoa Dân Quốc và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không lệ thuộc nhau, và Đài Loan cũng không phải là một phần của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đồng thời khẳng định chủ quyền không thể bị xâm phạm và thôn tính. Ông cũng khẳng định tương lai của Đài Loan Trung Hoa Dân Quốc chỉ có 23 triệu người dân Đài Loan mới có thể quyết định được.
Sứ mệnh thứ hai là bảo vệ tính mạng và tài sản của toàn dân. Vì vậy, từ cựu Tổng thống Thái Anh Văn đến nay, Chính phủ Đài Loan đã tích cực tăng cường quốc phòng, dù là độc lập quốc phòng hay mua sắm quân sự nước ngoài, cũng cần phải tăng cường an ninh kinh tế và khả năng phục hồi kinh tế. Ông Lại Thanh Đức nói: “Không nên bỏ trứng vào cùng một giỏ”. Khoảng năm 2010, 83,8% vốn đầu tư ra nước ngoài của Đài Loan là ở Trung Quốc Đại Lục, nhưng năm ngoái chỉ còn lại 11,4%. Hầu hết vốn đầu tư đã được chuyển đến các quốc gia mới ở phía Nam ở Đông Nam Á, Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu, v.v.
Ông nhấn mạnh Đài Loan cũng phải sát cánh cùng phe dân chủ và cùng nhau thực hiện răn đe để ngăn chặn những kẻ độc tài có những hành động liều lĩnh, tức là tăng cường chuẩn bị chiến tranh để tránh chiến tranh. Ông có thể hứa với mọi người rằng việc Đài Loan ký hiệp định hòa bình là hoàn toàn không thể. Lực lượng bảo vệ do Kế hoạch Con tàu Noah (Noah’s Ark Project) thành lập là để ngăn chặn việc chính phủ buộc phải ký hiệp định hòa bình, mà cần phải dựa vào thực lực chứ không phải là dựa vào một tờ giấy.
Ông đề cập rằng Phủ Tổng thống đã thành lập Ủy ban kiên cường phòng vệ toàn xã hội họp 3 tháng một lần để chuẩn bị cho một ngày nếu Trung Quốc phát động một cuộc tấn công vũ trang vào Đài Loan “khi lũ lụt thực sự đến”, toàn bộ Đài Loan “không phân biệt Đông, Tây, Bắc, Nam, người dân không phân biệt tuổi tác, giới tính”, đều có thể tự tìm được vị trí để bảo vệ mình và giúp đỡ người khác, để Chính phủ hoạt động bình thường và trật tự, người dân tiếp tục cuộc sống, để quân đội và Chính phủ quốc gia có thể có sức mạnh lớn hơn nhằm đáp trả các cuộc tấn công từ bên ngoài.
Ông Lại Thanh Đức cho biết luôn tin tưởng rằng chỉ cần tất cả mọi người thuộc mọi tầng lớp của Đài Loan đoàn kết và hợp tác, “thì có thể bảo vệ thành công Đài Loan – mảnh đất thân yêu của chúng ta”, và ngăn chặn “những gì chúng ta yêu quý” bị người khác hủy hoại.
Trước đó, ngày 19/9/2024, Đài Loan, Mỹ, Nhật Bản, Australia và Canada đã phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế “Khung Hợp tác và Đào tạo Toàn cầu – Sử dụng công nghệ để thúc đẩy Phát triển Bền vững thông qua Quan hệ đối tác toàn cầu và Sự tham gia của thanh niên” (GCTF Seminar on Harnessing Technology for Sustainable Development through Global Partnerships and Youth Engagement) tại New York. Hội thảo lần này đã giúp cộng đồng quốc tế thấy rõ Đài Loan là đối tác không thể thiếu trong việc thực hiện “Các Mục tiêu Phát triển Bền vững” (SDGs) của Liên Hợp Quốc.