Bản Tứ đại oán của đờn ca tài tử Nam bộ
Huỳnh Duy Lộc
“20 bài bản tổ của nhạc tài tử Nam bộ gồm có:
– 3 bài Nam: Nam xuân, Nam ai, Nam đảo
– 6 bài Bắc: Lưu thủy trường, Phú lục chấn, Bình bán chấn, Xuân tình chấn, Cổ bản vắn, Tây Thi vắn
– 7 bài Lễ (còn gọi là bài Bắc lớn, so sánh với 6 bài Bắc nhỏ): Xàng xê, Ngũ đối hạ, Ngũ đối thượng, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá, Tiểu khúc
– 4 bài Oán: Tứ đại oán, Phụng hoàng cầu, Giang Nam cửu khúc, Phụng cầu hoàng.
4 bài Oán Tứ đại oán, Phụng hoàng cầu, Giang Nam cửu khúc, Phụng cầu hoàng còn được gọi là 4 bài Oán chánh để phân biệt với những bài Oán ngoại, oán phụ như: Ngươn tiêu hội oán, Bình sa lạc nhạn, Võ văn hội oán, Thanh dạ đề quyên… Về lý thuyết, sự ra đời của bản Tứ đại oán là một quá trình du nhập rồi chuyển dạng, chuyển hơi của bài Tứ đại cảnh mà ra. Từ Tứ đại cảnh tới Tứ đại vắn rồi nới nhịp thành 8 mà trở thành Tứ đại oán. Về bản “Tứ đại cảnh” tương truyền là của vua Tự Đức sáng tác để ca ngợi 4 cảnh lớn của trời đất: xuân, hạ, thu, đông, nhưng cũng có người cho là vua Tự Đức có ngụ ý tôn vinh 4 cảnh đời thịnh trị là đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức (chữ Đại có nghĩa là Đời)…” (Đờn ca tài tử Nam bộ: Khảo & Luận, Nguyễn Phúc An, tr. 211, 212)
Tháng 2 năm 2002, cách đây đúng 20 năm, hãng dĩa Ocora của Pháp đã phát hành CD nhạc “Vietnam – Ensemble Nguyen Vinh Bao” gồm 9 bản nhạc của đờn ca tài tử Nam bộ: Vọng cổ, Cổ bản vắn, Xàng xê, Tứ đại oán, Ngũ đối hạ, Nam xuân, Đảo ngũ cung, Văn Thiên Tường, Lưu thủy trường, với tiếng đàn tranh của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, tiếng đàn nguyệt của đệ nhất danh cầm Ba Tu, tiếng đàn gáo và đàn nhị của nhạc sĩ Út Tỵ và tiếng đàn tỳ bà của nhạc sĩ Hoàng Cơ Thụy.
Trong lời giới thiệu bài Tứ đại oán, nhạc sư Vĩnh Bảo cho biết: “Tứ đại oán: Cette pièce produit une impression de douleur et d’angoisse, exprimant une profonde tristesse” (Khúc nhạc này gợi lên nỗi đau đớn và khắc khoải, thể hiện một nỗi buồn sâu xa).
Bản Tứ đại oán với tiếng đàn của cố nhạc sư Vĩnh Bảo: https://youtu.be/psqq4wxEOrs
HUỲNH DUY LỘC