Tại Paris hôm 17/06/2024 vừa qua, ban điều hành mạng La Liste đã công bố danh sách 25 nhà làm bánh ngọt xuất sắc nhất thế giới. Danh sách này đã được bình chọn từ 3.000 công ty hay tiệm bánh ngọt nổi tiếng được liệt kê trên mạng thông tin La Liste. Năm nay 32 tuổi, anh Bastien Blanc-Tailleur về đầu bảng xếp hạng với tổng cộng 10 người Pháp và 15 nhà làm bánh ngọt nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Pakistan, Úc, Mỹ, Mexico hay Hungary ….
Ra đời vào năm 2015 theo đề xuất của Bộ Ngoại giao Pháp, mạng thông tin La Liste cạnh tranh trực tiếp với bảng xếp hạng ”50 World’s Best Restaurants” của tập đoàn truyền thông Anh William Reed. Sau bảng xếp hạng các nhà hàng ngon nhất rồi khách sạn có chất lượng, mạng La Liste kể từ năm 2022 còn công bố danh sách các tài năng hàng đầu thế giới trong nghề làm bánh cũng như các món ngọt.
10 người Pháp trong số 25 thợ làm bánh giỏi nhất
Mạng thông tin La Liste tổng hợp qua thuật toán các bài viết của giới báo chí phê bình, các ý kiến đánh giá của thực khách để lập ra danh sách những địa chỉ được chấm điểm cao. Trên danh sách của La Liste, có khoảng 2.500 địa chỉ tại hơn 80 nước, kể cả các tiệm bánh ngọt, các quán cà phê, các cửa hàng chuyên phục vụ món tráng miệng, các trường dạy nghề làm bánh …
Trong số các nhà làm bánh ngọt Pháp được khen thưởng, đáng chú ý có anh François Perret, hiện đang điều hành tiệm bánh ”Le Comptoir” của khách sạn Ritz Paris. Ngoài ra, còn có Aurélien Cohen và Claire Damon tại Paris, được vinh danh là những tài năng đầy hứa hẹn trong năm. Các cửa hàng Maison Bernachon ở Lyon, Brigat ở Paris, L’Ogre de Carrouselberg ở Lille đều được khen thưởng nhờ kết hợp công thức ”thực thụ” và cách trình bày khéo léo. Hai cửa hàng Bonbon Café của Angelo Musa ở Dubai và Dominique Ansel ở New York được khen nhờ phổ biến nghệ thuật làm bánh ngọt của Pháp ở nước ngoài.
Về phía các nhà làm bánh quốc tế lọt vào danh sách 25 tên tuổi hàng đầu của mạng La Liste năm nay, có cửa hàng ”Lals Chocolates” của đầu bếp Pakistan Lal Majid, tiệm ”Chez Dodo” của nhà làm bánh Dora Szalai người Hungary đoạt giải khám phá độc đáo, quán ”Dessert Bar” dành riêng cho các món tráng miệng của Justin Lee được biết đến nhờ sáng chế thêm hương vị mới. Về phần mình, cô Janice Wong, từng sáng lập ”2am: Dessert Bar” ở Singapore, nổi tiếng trong cách chế tạo các loại bánh kẹo chocolat thành những tác phẩm ”nghệ thuật” có thể ăn được. Cô Joanna Yuen, nhà làm bánh thành danh nhờ cửa hàng chuyên về các món ngọt ”Otera” ở Hồng Kông, trong khi Noelia Tomoshige, với cửa hàng bánh ngọt fusion ”Monroebakes” ở thủ đô Madrid, lại thành công trong việc kết hợp kỹ thuật làm bánh Pháp với các màu sắc và hương vị Nhật Bản.
Về phần giải nhất năm nay, sau hiện tượng Amaury Guichon vào năm trước, mạng La Liste lần này trao giải thưởng cao quý nhất cho anh Bastien Blanc-Tailleur, tuy không được công chúng biết đến nhiều so với đồng nghiệp từng nhận giải nhất cách đây một năm, thế nhưng trong mắt các nhà phê bình, Bastien Blanc-Tailleur vẫn được xem là người đã nâng nghề bánh ngọt lên một tầm cao mới.
Sinh trưởng tại thành phố Annecy, vùng Haute Savoie, Bastien Blanc-Tailleur bắt đầu học nghề làm bánh từ thuở thiếu thời, từ năm 15 tuổi anh bắt đầu các khóa thực tập chuyên nghiệp gần thành phố Deauville, năm 20 tuổi, anh tốt nghiệp trường nghề ở Toulouse, sau ba năm vừa học vừa làm tại Maison Pillon, một công ty gia đình chuyên sản xuất bánh ngọt và chocolat từ ba đời qua.
Sở trường làm bánh cưới đẹp mắt có một không hai
Từ miền nam đến Paris lập nghiệp, anh Bastien Blanc-Tailleur về đầu quân làm bếp phó tại các nhà hàng nổi tiếng ở thủ đô Pháp như nhà hàng của khách sạn Four Seasons trên đại lộ George V, hay tại nhà hàng Pavillon Ledoyen, bên cạnh đầu bếp trứ danh Yannick Alléno, hiện đang điều hành 17 quán ăn, trong đó có 8 nhà hàng từ một sao đến ba sao Michelin tại Monte Carlo, Dubai, Đài Bắc, Seoul …
Năm 2017, khi mới 25 tuổi, Bastien Blanc-Tailleur quyết định lập công ty riêng, khai thác sở trường của mình là thiết kế và tạo ra những mẫu bánh khổ lớn dành riêng cho đám cưới. Mỗi chiếc bánh là một dự án riêng biệt độc đáo, được thiết kế tỉ mỉ với độ chính xác cao. Để thực hiện điều này, Bastien Blanc-Tailleur thường gợi hứng từ các công trình kiến trúc lộng lẫy mang đầy biểu tượng như Nhà thờ chính tòa Duomo tại thành phố Milano, lâu đài Vaux le Vicomte với những mẫu thiết kế công phu, hoạ tiết trang trí phức tạp. Từ công việc làm bánh ban đầu của mình, Bastien Blanc-Tailleur dần dần trở thành một nhà sưu tầm sách cổ nghệ thuật trong cả hai lãnh vực hội họa và điêu khắc. Trong các chiếc bánh cưới do anh thiết kế, thường có những đường nét thủ công lấy cảm hứng của những bức bích họa trong thánh đường, các tấm phù điêu chạm trổ khéo léo trong các đại sảnh lâu đài.
Nhờ vào những nỗ lực ấy, công ty của Bastien Blanc-Tailleur vào năm 2023 được Bộ Kinh tế Pháp trao tặng thương hiệu ”Entreprise du Patrimoine Vivant” (gọi tắt là EPV) dành cho những nghệ nhân có tay nghề cao, nhằm mục đích bảo tồn truyền thống văn hóa và luôn duy trì điều được gọi là ”di sản sinh động”. Riêng về điểm này, ẩm thực của Pháp có thêm cơ hội sẽ không bị đóng khung mà luôn linh hoạt sống động, nhờ tính sáng tạo của thế hệ đầu bếp trẻ tuổi.
Tựa như những tác phẩm nghệ thuật, các mẫu bánh của anh đã được nhiều tạp chí chuyên ngành ẩm thực quốc tế công nhận. Bastien Blanc-Tailleur từng được mời làm giám khảo cho chương trình truyền hình dành cho các cuộc thi làm bánh ngọt và nhất là giải Vô địch thế giới về nghệ thuật làm bánh ngọt và chế tạo chocolat ”Mondial des Arts Sucrés”.
Nếu như Amaury Grichon có lối tiếp cận của một nhà điêu khắc hay đúc thủy tinh, dùng nhiệt độ cao để uốn nắn chocolat rồi chạm trổ liên tục bức tượng cho đến khi thật vừa ý, thì một cách tương tự Bastien Blanc-Tailleur có lối tiếp cận của một nhà thiết kế thời trang cao cấp, đôi khi anh dành tới 6.000 giờ chỉ để tạo mẫu cho một chiếc bánh và rồi cài thêm vào chiếc bánh vô số chi tiết trang trí. Có lẽ cũng vì vậy mà giá thành của một chiếc bánh mang chữ ký của anh, rất đắt tiền. Một chiếc bánh cưới của Bastien Blanc-Tailleur được bán với giá từ 7.500 euro cho đến 25.000 euro. Giá cao vì loại bánh cưới này trên đời, chỉ có một kiểu duy nhất mà thôi.
Theo Tuấn Thảo- RFI