Chuyện voi Việt xa xứ

TVN

0 260

Trong trang web của tỉnh Portland (bang Oregon, Hoa Kỳ) hiện nay, trong phần nói về lịch sử phát triển của tỉnh giai đoạn 1941-1960 có nhắc tới chú voi Tuy Hòa này, tặng vật của kỹ sư Hosmer.

Học sinh tiểu học Sài Gòn chơi với bé voi Tuy Hòa.

Chuyện trao đổi, mua bán, gửi tặng nhau các loài vật từ xứ sở này sang xứ sở khác là chuyện phổ biến từ xưa đến nay. Thảo Cầm viên Sài Gòn, tên dân gian thường gọi Sở Thú từng tiếp nhận nhiều con vật khác từ nước ngoài.

Tôi nhớ nhiều năm trước có đến Sở Thú để xem mấy con rồng Komodo từ Indonesia đưa về, chuồng đặt sát vách tường đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Mấy con này khá nhỏ so với hình dung, bây giờ không biết còn không? Năm 2007, có thêm hai con tê giác trắng nhập từ châu Phi về nữa.

Đọc báo xưa, có câu chuyện mấy con voi xứ Việt xuất ngoại. Cách nay trăm năm, chính xác là năm 1924, chính quyền thuộc địa Pháp có gửi một con voi Việt sang Pháp mà tờ Trung Hòa nhật báo có đưa tin. Số là Sở Thú Sài Gòn có 5 con voi. Gần thời gian đó, thành phố Lyon viết thơ sang hỏi mua một con. Chính quyền Sài Gòn lúc đó không thể từ chối với thành phố Lyon được, vì đó chính là thành phố mà ông Herriot từng làm thị trưởng, và ông đang làm thủ tướng nước Pháp.

Lúc báo đưa tin ngày 27.9.1924, con voi đã được đưa xuống chiếc tàu Azay le Rideau để chở về Pháp. Báo cho biết khi đem xuống tàu, rất nhiều người xúm lại xem. Để chở được con voi này về tận nước Pháp thì phí tổn khá nhiều tiền, khoảng 4.000 quan, kể cả thức ăn cho nó.

Chờ xuống tàu neo trên bến Bạch Đằng để qua Mỹ.

Hơn ba mươi năm sau, lại có voi Việt đưa ra nước ngoài. Khoảng giữa thập niên 1950 tại miền Nam, có một kỹ sư canh nông người Mỹ tên là Orville H. Hosmer, từ tỉnh Portland đến tỉnh Tuy Hòa, miền Trung Việt Nam giúp phục hồi và cải tiến phương pháp thủy lợi đưa nước vào ruộng.

Sau một thời gian làm việc ở đây, năm 1956 khi ông về nước, người dân ở đó vì tình quý mến đã tặng một con voi cái mới 2 tuổi, nặng ngót 350 kg, đặt tên theo tên địa phương là voi Tuy Hòa. Bé voi con này sau đó đã được đưa từ quê nhà Tuy Hòa vào Sài Gòn để xuống tàu về Mỹ.

Ở Sài Gòn, trong khi đợi tàu, bé voi được cho tiếp xúc với các em học sinh tiểu học ở đây. Sau đó voi lên tàu ở bến Bạch Đằng và bắt đầu trải qua một hành trình mười ngày không dễ chịu. Lênh đênh trên biển cả, có lẽ voi luôn nhớ đến cái thung lũng nơi mình sinh sống, thường rống lên và ăn rất ít. Lo lắng cho bé voi, một nhân viên trên con tàu Charles E. Dant là ông William Van Rhyn, đồng hương với kỹ sư Hosmer đã chịu khó mỗi ngày nấu cơm cho bé voi ăn và cho ăn thêm trái cây. Dần dần nó thích nghi được chuỗi ngày sống trên tàu.

Con tàu Charles E. Dant hải hành đến bến Tacoma (thuộc tiểu bang Washington) và sau đó được đưa bằng xe tải về tỉnh Portland, thuộc tiểu bang Oregon. Ông Hosmer đã tặng voi Tuy Hòa cho vườn thú Portland. Nơi đây, bé voi được sống trong chuồng bên cạnh chuồng nhốt hai chú voi khác tên là Rosy và Budy.

Ở sở thú Portland, voi Tuy Hòa được chăm sóc kỹ lưỡng, ăn nhiều trái cây, nhất là chuối. Nó thích nhất là cà rốt và thỉnh thoảng nhai cả… thuốc lá nữa. Bé voi này nhanh chóng thích nghi khí hậu ở đây và rất nhiều thiếu nhi vùng Portland đã đến xem chú lớn lên từng ngày.

rong trang web của tỉnh Portland hiện nay, trong phần nói về lịch sử phát triển của tỉnh giai đoạn 1941 đến 1960 có nhắc tới chú voi Tuy Hòa này, tặng vật của kỹ sư Hosmer. Trong thời gian đó, vườn thú Portland cũng nhận được một chú voi đực bốn tuổi là tặng vật của vua Thái Lan, phải chăng là voi Budy?

Đã hơn sáu mươi năm trôi qua từ câu chuyện này. Tuổi thọ của loài voi trong điều kiện sống ổn định thường khoảng 70 tuổi. Voi Tuy Hòa nếu còn sống cũng đã hơn 60, không biết còn không, chú voi rời quê hương miền Trung nước Việt đi làm cầu nối giữa quê hương với những người Mỹ ở vùng đất xa xôi?

Bài: Phạm Công Luận – Ảnh: Báo Gia Đình (1957)- Nguồn: Người Đô Thị

Leave A Reply

Your email address will not be published.