Kỷ niệm 27 năm ngày mất của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước (1.8.1995-1.8.2022)

0 571

Dương Thiệu Tước và “Ngọc lan”

Dương Thiệu Tước sinh ngày 15 tháng 5 năm 1915 ở làng Vân Đình tỉnh Hà Đông, là cháu nội nhà thơ Dương Khuê và gọi nhà thơ, nhà giáo Dương Lâm là ông chú. Nữ ca sĩ Quỳnh Giao, con gái nữ ca sĩ Minh Trang, sau này gọi Dương Thiệu Tước là cha đượng, đã viết về thân thế của ông: “Thân phụ ông là cụ Dương Tự Nhu đã thi đỗ và làm quan Bố chính ở Hưng Yên, nhưng đến Dương Thiệu Tước thì hình như ông đã trả nợ cầm ca cho nhiều thế hệ trong họ. Mấy ai mà không nhớ bài ca trù nổi tiếng của Dương Khuê với cô Hồng, cô Tuyết?

Chẳng biết rằng cháu nội của cụ là Dương Thiệu Tước có say nhịp phách từ thuở ấu thơ chăng, nhưng ông không chọn con đường khoa cử để ra làm quan mà lại bước qua ngã khác. Ông đi vào nhạc và trở thành một trong những người mở đường cho nền tân nhạc Việt Nam. Nói Dương Thiệu Tước dành một đời để yêu và để sống với âm nhạc là không quá. Ông mở tiệm bán đàn, sửa đàn và dạy nhạc, dạy đàn tại Hà Nội và tại Sài gòn. Ông là bậc thầy của nhiều thế hệ nhạc sĩ Tây ban cầm và Hạ uy cầm. Ông liên tục dạy Tây ban cầm tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ tại Sài gòn từ những năm 1960 cho đến sau năm 1975…” (Dương Thiệu Tước – Người vắng mặt lẫy lừng, Tạp ghi)

Sau năm 1975 do bệnh tật nên ông ở lại Sài gòn, cô Minh Trang cùng các con định cư ở nước ngoài vào năm 1978. Đầu thập niên 1980, ông về chung sống với người vợ thứ ba tại quận Bình Thạnh, được bà chăm lo trong tuổi về chiều rồi mất ngày 1 tháng 8 năm 1995.

Thời gian dạy ở Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ, ông còn làm chủ sự Phòng Văn nghệ tại Đài phát thanh Sài gòn. Sau khi chia tay với người vợ đầu, ông kết hôn với nữ ca sĩ Minh Trang, cháu ngoại của công chúa Mỹ Lương, em ruột của vua Thành Thái. Nữ ca sĩ Minh Trang từng kết hôn với giáo sư Ưng Quả, có với ông hai người con: người thứ nhất là Bửu Minh và người thứ hai là Công Tằng Tôn Nữ Ðoan Trang, tức nữ ca sĩ Quỳnh Giao.

Năm 1948, cô đem hai con vào Sài gòn, thi và trúng tuyển vào vai trò xướng ngôn viên tiếng Pháp của Đài phát thanh Pháp Á. Công việc của cô là dịch những bản tin tiếng Pháp sang tiếng Việt rồi đọc bản tin đó trên làn sóng đài phát thanh. Trong lúc dịch tin, thỉnh thoảng cô hát nghêu ngao một vài ca khúc Việt Nam đang được ưa chuộng khi ấy như “Tiếng xưa”, “Ðêm tàn bến Ngự” của Dương Thiệu Tước hay “Giọt mưa thu” và “Con thuyền không bến” của Ðặng Thế Phong… Theo lời cô kể, “không ngờ sự nghêu ngao, hát vớ vẩn của tôi được ông Hoàng Cao Tăng (thân phụ của nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm), chủ sự Phòng Văn nghệ, chú ý. Một hôm, ông ấy hỏi tôi sao không thử hát cho đài? Tôi nói: “Tôi chỉ hát chơi thôi. Có biết gì nhiều đâu mà hát!” Ông bảo: “Thì cứ thử. Một bài thôi cũng được”. Nghe lời ông Tăng, tôi hát…”

Thính giả của Đài phát thanh đã bị thu hút ngay bởi giọng ca của nữ xướng ngôn viên Minh Trang và cô đã trở thành một hiện tượng của ca nhạc miền Nam. Thủ hiến Bắc Kỳ khi ấy là ông Nguyễn Hữu Trí đã gởi công văn chính thức mời cô ra Hà Nội trình diễn cho Hội chợ Ðấu xảo tổ chức mỗi năm một lần. Cô đã kể về lần đầu gặp gỡ nhạc sĩ Dương Thiệu Tước tại Hà Nội: “Mặc cho các bạn Thẩm Oánh, Nguyễn Thiện Tơ, Dzoãn Mẫn lăng xăng, líu lo, rối rít, ông ấy (nhạc sĩ Dương Thiệu Tước) im lặng từ đầu đến cuối. Chỉ nhìn thôi. Lâu lâu mới mỉm cười. Sự xa cách, lặng lẽ này khiến tôi càng thêm chú ý. Vì trước khi gặp, tôi đã có dịp hát nhạc của ông ấy rồi mà. Tôi cũng mong có cơ hội được gặp người nổi tiếng như ông ấy chứ. Mình là phụ nữ, nhất là phụ nữ thời đó, mình vẫn phải giữ gìn. Mình không thể là người tỏ tình trước được…”

Khi trở về Sài gòn và đã trở thành một phụ nữ góa bụa (giáo sư Ưng Quả mất năm 1951), cô đã nhận được những lá thư tỏ tình của tác giả “Tiếng xưa” và “Đêm tàn bến Ngự” và từ đó, một mối tình thật đẹp đã bắt đầu, mang lại nguồn cảm hứng để Dương Thiệu Tước viết những tuyệt phẩm cho nền tân nhạc Việt Nam như “Bóng chiều xưa” và “Ngọc lan”. Ông đã viết “Bóng chiều xưa” vào năm 1951 khi mới quen ca sĩ Minh Trang và khi đã nên duyên chồng vợ lại viết ca khúc “Ngọc lan”(1953) có ngôn từ rất diễm lệ mà ca sĩ Quỳnh Giao gọi là “một nhạc phẩm lãng mạn và trác tuyệt”.

Theo nhà báo Đông Kha, ca sĩ Minh Trang có kể: “Khi tôi mới vào lại Sài gòn, vì nhớ tôi mà anh Tước viết bài “Sóng Lòng”. Dạo ấy anh còn sáng tác “Ngọc Lan” là để tặng riêng cho tôi. Tuy đó là tên một loài hoa, nhưng người ta có thể thấy được trong lời ca là mô tả người thiếu nữ…”

Nếu nhìn lại tờ nhạc bản gốc của Nhà xuất bản Tinh Hoa (1953) sẽ thấy tất cả những chữ Ngọc Lan trong bài hát đều được viết hoa.

Theo Quỳnh Giao, Dương Thiệu Tước viết bài “Ngọc Lan” tại đất thần kinh vào năm 1953, khi cùng Minh Trang về Huế thăm đại gia đình đã xa cách lâu ngày”.

NGỌC LAN
Ngọc lan
Dòng suối tơ vương
Mắt thu hồ dịu ánh vàng.
Ngọc lan
Nhành liễu nghiêng nghiêng
Tà mấy cánh phong
Nắng thơm ngoài song.
Nét thắm tô bóng chiều,
Giấc xuân yêu kiều,
Nền gấm cô liêu.
Gió rung mờ suối biếc,
Ý thơ phiêu diêu!
Ngón tơ mềm chờ phím ngân trùng,
Mạch tương lai láng.
Dáng tiên nga giấc mơ nghệ thường lỡ làng.
Ngọc lan giọng ướp men thơ,
Mát êm làn lụa bông là.
Ngọc lan trầm ngát thu hương.
Bờ xanh bóng dương phút giây chìm sương.
Bông hoa đời ngàn xưa tới nay.
Rung nhạc đó đây cho đời ngất ngây,
Cho tơ trùng đờn hờ phím loan.
Thê lương mây nước sắt se cung đàn.
Ôi tâm hồn nghệ sĩ chìm trong sương thắm.
Nhớ phút khuê ly, hôn mê tuyết hoa
Ngọc lan.
Mờ mờ trong mây khói,
Men nồng u ấp duyên hững hờ
Dần dần vương theo gió,
Tơ lòng dâng bao cùng thương nhớ.

HUỲNH DUY LỘC

Ca khúc “Ngọc lan” với giọng ca Thái Thanh (thu âm ở hải ngoại sau năm 1975 trong CD “Thái Thanh hải ngoại 1: Ngày xưa Hoàng Thị”): https://youtu.be/d-Gcxdvgv2s
Ca khúc “Ngọc lan” với giọng ca Quỳnh Giao: https://youtu.be/B0HC_1jwu7E

Leave A Reply

Your email address will not be published.