Lê Trọng Nguyễn và “Nắng chiều”, bản tình ca của Hội An

Huỳnh Duy Lộc

0 1,242

Lê Trọng Nguyễn sinh ngày 1 tháng 5 năm 1926 tại Điện Bàn, Quảng Nam trong một gia đình khá giả. Nhà ông ngày ấy là Trường tư thục Hoàng Hồ ở Hội An. Thân phụ ông qua đời sớm, thân mẫu ông đã một tay quán xuyến gia đình nuôi hai con ăn học cho tới tuổi trưởng thành. Vì yêu âm nhạc và chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp, Lê Trọng Nguyễn đã tự học nhạc và ghi danh theo học hàm thụ Trường Âm nhạc École Universelle tại Pháp và sau đó trở thành hội viên của tổ chức S.A.C.E.M. Ông khởi sự viết nhạc từ năm 1946 với những tác phẩm đầu tay như “Đừng quên nhau”, “Trăng lại sáng, thuyền lãng tử”, “Lời Việt nữ”, “Ngày mai trời lại sáng”.

Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn

Ông từng là một thầy giáo dạy nhạc ở Trường trung học Nguyễn Duy Hiệu (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) có tâm hồn lãng mạn, khi ra đường luôn luôn có mấy tờ giấy kẻ sẵn dòng nhạc và cây bút máy trong túi áo. Khi có cảm hứng bất chợt, ông thường đứng lại hoặc ngồi xuống bên vệ đường viết nhạc. Nhạc phẩm “Chiều bên giáo đường” ra đời trong sân nhà thờ Hội An; nhạc phẩm “Bến giang đầu” ra đời ở vùng cồn dâu Gò Nổi (Điện Bàn) và nhạc phẩm “Lá rơi bên thềm” ra đời trong khuôn viên chùa Bà Mụ ở Hội An…

Sau khi lập gia đình với một thiếu nữ làm việc cho hãng hàng không Air Việt Nam, ông rời Đà Nẵng về sống ở Sài gòn. Sau năm 1975, ông mở lớp dạy nhạc tại nhà và tự chế tạo các loại đàn để mưu sinh. Ông sang Mỹ định cư vào tháng 3 năm 1983 cùng vợ và 4 người con. Ông mất ngày 9 tháng 1 năm 2004 tại bệnh viện City of Hope, Rosemead (Mỹ) vì bệnh ung thư phổi.

“Nắng chiều” (1953) là ca khúc của Lê Trọng Nguyễn không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà còn được biết đến nhiều ở Nhật Bản, Đài Loan và Hồng Kông với tên “Bản tình ca Việt Nam”. “Nắng chiều” cũng là ca khúc trong bộ phim cùng tên năm 1971 của đạo diễn Lê Mộng Hoàng với sự tham gia diễn xuất của nữ nghệ sĩ Thanh Nga và nam nghệ sĩ Hùng Cường.

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển cho biết ca khúc “Nắng chiều” của Lê Trọng Nguyễn là bài bolero đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam”: “Bolero phát xuất từ Tây Ban Nha là điệu nhạc nhảy, du nhập sang Pháp, được các nhạc sĩ viết nhạc cổ điển sử dụng để viết các chương trong các hòa tấu khúc và nhạc kịch của mình. Đến cuối thế kỷ 19, bolero vẫn là nhạc không lời. Bolero du nhập vào các quốc gia vùng Caribê và Nam Mỹ, được dùng để viết ca khúc, trở thành nhạc có lời, được đón nhận nồng nhiệt bởi nó gần gũi với kiểu chơi nhạc lãng mạn, phóng khoáng của người Mỹ La tinh… Bolero du nhập vào Việt Nam vào những năm 1950.

Trước năm 1952, nền tân nhạc non trẻ của Việt Nam đã có những ca khúc được gọi là nhạc cải cách rồi tân nhạc, trong đó có nhiều bài rất hay, rất nổi tiếng. Năm 1952, có một nhạc sĩ kiêm nhà nghiên cứu âm nhạc người Quảng Nam thẩm thấu điệu thức bolero, viết ra bài rumba – bolero đầu tiên, biến bolero trở thành hẳn một dòng nhạc tình ca. Bài rumba – bolero đầu tiên ấy nhanh chóng trở thành bài tình ca nổi tiếng trong hậu bán thế kỷ 20, tỏa sáng rực rỡ nhờ những cơ duyên tốt đẹp. Đó là nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn với ca khúc “Nắng chiều”.

Lê Trọng Nguyễn viết “Nắng chiều” năm 1952 lúc ông đi chơi ở Huế. Hình tượng gợi cảm xúc trong ca khúc này là cô gái dịu dàng người gốc Quy Nhơn đang ở cùng cha mẹ tại Hội An. Không hiểu hai người quen biết, thương yêu nhau thế nào mà cả 4 ca khúc của Lê Trọng Nguyễn viết về cô gái này đều có ca từ rất say đắm, lãng mạn. Có lẽ mối tình ấy không đi đến đâu nên gợi nhiều sầu thương trong tâm hồn nhạc sĩ… (Lắng nghe giai điệu bolero, Vũ Đức Sao Biển, tr. 30, 31, 34)

Trong một cuộc phỏng vấn, Lê Trọng Nguyễn đã kể về hoàn cảnh sáng tác ca khúc này: “Tôi viết bản đó ở Huế vào năm 1953, sau khi bỏ vùng kháng chiến về thành… Tâm sự của tôi trong bài ‘Nắng chiều’ nó như thế này: sau cuộc đảo chính của Nhật vào đêm 9 tháng 3 năm 1945, có một gia đình công chức Nam triều từ Quy Nhơn chạy ra tạm trú ở Hội An, mà tôi cũng ở Hội An lúc đó. Gia đình đó có một người con gái. Tôi yêu người con gái ấy”.
Duyên gặp gỡ giữa Lê Trọng Nguyễn và nhạc sĩ Nguyễn Hiền đã là nguyên do khiến cho ca khúc “Nắng chiều” được phổ biến sâu rộng như lời kể của nữ ca sĩ Quỳnh Giao: “Năm 1958, Nguyễn Hiền điều hợp chương trình văn nghệ của Hội chợ Thị Nghè và mời được một đoàn ca vũ nhạc Nhật Bản từ Tokyo qua lưu diễn 2 tuần. Trong đoàn có ca sĩ Midori Satkusi muốn tìm một ca khúc của ta để trình bày. Dù chưa quen Lê Trọng Nguyễn, Nguyễn Hiền đã tìm “Nắng chiều” do Lê Trọng Nguyễn sáng tác 5 năm trước, đưa cho nàng tập và hướng dẫn cách trình bày. Từ đấy, “Nắng chiều” đã hắt ánh sáng lên vòm trời quốc tế, trở thành một trong những ca khúc Việt Nam được quen biết nhất tại Á châu…” (Màu tím hoàng hôn giữa Nguyễn Hiền và Lê Trọng Nguyễn).

Phần lời ca khúc:

NẮNG CHIỀU
Qua bến nước xưa lá hoa về chiều
Lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa
Khi đến cuối thôn chân bước không hồn
Nhớ sao là nhớ bóng người ngày thơ.

Anh nhớ trước đây dáng em gầy gầy
Dịu dàng nhìn anh đôi mắt long lanh
Anh nhớ bước em khi nắng vương thềm
Má em màu ngà tóc thề nhẹ vương.

Nay anh về qua sân nắng
Chạnh nhớ câu thề tim tái tê
Chẳng biết bây giờ
Người em gái duyên ghé về đâu.

Nay anh về nương dâu úa
Giọng hát câu hò thôi hết đưa
Hình bóng yêu kiều
Kề hoa tím biết đâu mà tìm.

Anh nhớ xót xa dưới tre la ngà
Gợn buồn nhìn anh em nói: “Mến anh!”
Mây lướt thướt trôi khi nắng vương đồi
Nhớ em dịu hiền nắng chiều ngừng trôi…

HUỲNH DUY LỘC

Leave A Reply

Your email address will not be published.