Một phần của tàu vũ trụ thời Liên Xô đang quay về trái đất
TVN
Tàu thăm dò đổ bộ Kosmos 482, được phóng vào năm 1972, dự kiến sẽ quay trở lại bầu khí quyển vào khoảng thời gian từ ngày 10 tháng 5 và sai lệch vài ngày.
Kosmos 482 là gì?
Tàu đổ bộ mang tên Kosmos 482 nằm trong chương trình Venera nhằm thu thập thông tin về sao Kim. Kosmos 482 không có số phận may mắn. Vào ngày 31.3.1972, tàu được phóng thành công vào quỹ đạo trái đất.
Tuy nhiên, vì một sự cố với tên lửa đẩy, Kosmos 482 đã không thể tiếp tục hành trình và kẹt lại quỹ đạo trái đất. Từ đó đến nay, tàu đã tách thành 4 mảnh, trong đó có mảnh sắp rơi vào trái đất là mô-đun hạ cánh, nặng khoảng 480kg và có kích thước 1m.
Kosmos 482 dự kiến sẽ hạ cánh xuống Trái Đất với một cú va chạm. Marek Ziebart, giáo sư về trắc địa không gian tại University College London, cho biết tình hình này là bất thường, lưu ý rằng các vệ tinh rời khỏi quỹ đạo có xu hướng bốc cháy trong bầu khí quyển của hành tinh do lực cản.
Tuy nhiên, điều đó khó có thể xảy ra với Kosmos 482 – một tàu vũ trụ được thiết kế để chịu được các điều kiện khắc nghiệt của Sao Kim, chẳng hạn như bầu khí quyển có tính axit và nhiệt độ cực cao. “Bất cứ thứ gì chúng tôi cố gắng gửi lên Sao Kim đều phải được bọc thép”, Ziebart cho biết.
Sẽ hạ cánh ở đâu?
Địa điểm mà nó sẽ rơi vẫn còn là một bí ẩn. Hiện tại, NASA cho biết họ nghĩ rằng tàu thăm dò hạ cánh có thể kết thúc ở bất kỳ nơi nào giữa vĩ độ 52 độ bắc và 52 độ nam – một dải rộng bao gồm một số khu vực của Châu Âu, Vương quốc Anh và Châu Mỹ cũng như Châu Phi và Úc, cùng với các quốc gia và khu vực khác
Tiến sĩ Marco Langbroek thuộc Đại học Kỹ thuật Delft ở Hà Lan cho biết rất có thể Kosmos 482 sẽ “sống sót” sau khi đi qua bầu khí quyển trái đất vì nó được chế tạo để chịu được quá trình hạ xuống qua bầu khí quyển dày đặc CO2 của sao Kim.
Nhưng tại thời điểm này, vẫn còn quá sớm để biết con tàu sẽ đáp ở đâu, hoặc nó có cháy trụi trong khí quyển hay không.
Các chuyên gia tính đến khả năng tấm chắn nhiệt có thể bị hỏng sau thời gian dài trên quỹ đạo, và hệ thống dù cũng không còn hoạt động sau nhiều năm như vậy. Trong trường hợp tấm chắn nhiệt còn hoạt động tốt, tàu sẽ rơi nguyên vẹn xuống trái đất.
Nếu tàu thăm dò sống sót sau khi tái nhập khí quyển, Tiến sĩ Langbroek cho biết nó có thể hạ cánh ở bất kỳ vị trí nào giữa vĩ độ 51,7 độ bắc và nam, tức là từ phía bắc như London và Edmonton ở Alberta (Canada), xuống tới tận gần mũi đất cực nam Cape Horn của Nam Mỹ.
Có nên lo lắng không?
Tiến sĩ Langbroek nói không cần phải lo lắng vì vật thể này tương đối nhỏ và kể cả khi nó không vỡ ra thì “rủi ro cũng tương tự như thiên thạch rơi ngẫu nhiên”. Ông nói thêm rằng xác suất Kosmos 482 đâm vào ai đó hoặc thứ gì đó là rất nhỏ, “nhưng không thể loại trừ hoàn toàn”.
Bà Alice Gorman, một nhà khảo cổ học vũ trụ tại Đại học Flinders, khuyến cáo đừng chạm vào các mảnh vỡ của tàu trên trái đất, vì đôi khi có những thành phần độc hại.