Vì sao có con ruồi trong bức “Portrait of a Woman of the Hofer Family”?
TVN
Thoạt nhìn, ấn tượng ban đầu về bức tranh “Portrait of a Woman of the Hofer Family” (Chân dung một phụ nữ thuộc gia đình Hofer) là nụ cười của người phụ nữ trẻ, toát lên vẻ nhân hậu và trìu mến. Với chiếc khăn trùm đầu cùng bộ quần áo hoa văn tinh xảo đặc trưng, người phụ nữ trong tranh tiêu biểu cho những người phụ nữ quý tộc thời Trung cổ. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý nhất, như tạo ra sự tương phản, lại đến từ chi tiết con ruồi ở trên chiếc khăn. Liệu đây là sơ suất hay ý đồ của họa sĩ?
Ngược dòng thời gian, bức “Chân dung người phụ nữ ở gia đình Hofer” có niên đại vào khoảng năm 1470 do một họa sĩ vô danh ở Tây Nam nước Đức. Chúng ta không có bất kì thêm chút thông tin nào về họa sĩ hay người phụ nữ thực sự trong tranh là ai và tất cả chỉ là suy đoán hoặc giả thuyết.
Khi ngắm nhìn bức họa ngay lập tức một điều kỳ lạ thu hút sự chú ý của người xem: chiếc khăn trùm đầu màu trắng của nhân vật được vẽ rất sống động, nhưng trên đó lại có một con ruồi đậu. “Tại sao lại có một con ruồi trên đầu người phụ nữ này?” Francesca Whitlum-Cooper, phó giám tuyển tại Phòng trưng bày Quốc gia London, đặt câu hỏi trong một video, “Người họa sĩ này đang chơi trò gì vậy?”
Người phụ nữ xuất hiện với chiếc khăn che đầu với kiểu “wimples” của phụ nữ thời Trung cổ, được tạo thành từ một mảnh vải lớn quấn quanh cổ và cằm, che đỉnh đầu và thường được làm bằng vải lanh hoặc lụa (để tạo ra nếp nhăn khi ủi). Vào thời kỳ đó, ở Bắc và Tây Âu, những người phụ nữ đã kết hôn phải đội một loại khăn che đầu bởi họ không được phép để lộ mái tóc của mình. Phong cách này được biết đến với cái tên “kruseler” trong tiếng Đức.
Bà Whitlum-Cooper giới thiệu về bối cảnh của tác phẩm, rằng vào thời đại đó, việc vẽ chân dung có giá đắt đỏ đến mức “không thể tưởng tượng được”, ngay cả đối với người giàu. Một người có lẽ chỉ vẽ chân dung cá nhân một hoặc hai lần trong đời, cần phải mặc những bộ quần áo đẹp nhất và thể hiện khía cạnh trang trọng nhất của mình.
Để vẽ chân dung, người ta có thể phải ngồi hàng giờ, và nghệ sĩ cũng mất rất lâu để hoàn thành tác phẩm. Hãy thử tưởng tượng cảm giác của bạn khi họa sĩ cố tình thêm một con ruồi vào bức chân dung quý giá của mình.
Bà Whitlum-Cooper nhận định rằng mọi chi tiết trong bức chân dung này đều được thiết kế để thể hiện sự giàu có: trang phục của người phụ nữ được làm từ chất liệu dệt kim thêu gấm, với những chiếc khuy kim loại được gia công tỉ mỉ. Bức họa được vẽ rất chi tiết, khuôn mặt người phụ nữ trẻ mịn màng không nếp nhăn, đeo một chiếc nhẫn vàng đắt giá. Chiếc khăn trùm đầu màu trắng tinh khôi, hẳn đã được giặt ủi nhiều lần, đây là một dấu hiệu khác của cuộc sống sung túc.
“Nhìn vào chiếc khăn trùm đầu, chúng ta lại quay về với… con ruồi phiền toái này, đôi mắt to tròn xấu xí, đôi cánh trong suốt, được vẽ tỉ mỉ đến mức không chỉ nhìn thấy những chiếc chân dài mảnh khảnh của con ruồi mà còn cả bóng của chân nó trên khăn trùm đầu”, bà Whitlum-Cooper nói, “Tại sao họa sĩ lại thêm một con ruồi lên đầu người phụ nữ đáng yêu này?”
Bà Whitlum-Cooper nói: “Truyền thống phương Tây cho rằng hội họa bắt đầu từ Hy Lạp cổ đại vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên”, bà tiếp tục nói về khái niệm “chủ nghĩa ảo ảnh cực đoan” (radical illusionism), trong đó các nghệ sĩ vẽ những bức chân dung sống động như thật, đến mức ngay cả tự nhiên cũng nhầm tưởng chúng là thật.
Bà tin rằng người phụ nữ trong bức chân dung chắc chắn đã biết về trò đùa này: “Họa sĩ không thể tự ý thêm con ruồi vào bức tranh mà không có sự đồng ý của bà ấy. Nhìn vào khóe miệng hơi cong lên của bà, rồi nhìn vào con ruồi, tôi cảm thấy bà ấy biết chuyện gì đang xảy ra vào lúc đó, muốn đùa với mọi người, để bạn bè và gia đình bị trêu chọc khi nhìn thấy bức tranh này”.
Danh tính của người phụ nữ trong tranh vẫn là một bí ẩn, nhưng bà đang cầm một cành hoa lưu ly tinh tế trên tay. Bà Whitlum-Cooper cho rằng loài hoa này có liên quan đến tình yêu, và bức tranh có lẽ được vẽ để kỷ niệm lễ đính hôn hoặc đám cưới. Loại hoa này có thể cung cấp thêm manh mối.
Bà nói: “Tên của loài hoa này, ngay cả trong tiếng Anh, là ‘forget-me-not’ (xin đừng quên tôi), đó là loài hoa về ký ức hoặc đừng quên một ai đó. Bức tranh này có phải để chúng ta nhớ về người phụ nữ này không? Vẫn chưa rõ”.
Một giả thuyết khác cho rằng bức tranh “Portrait of a Woman of the Hofer Family” được vẽ nên để tưởng nhớ người đã khuất. Là một biểu tượng lâu đời trong lịch sử nghệ thuật phương Tây, con ruồi thường được dùng để tượng trưng cho sự thối rữa của xác thịt và linh hồn. Người ta tin rằng ruồi sinh ra từ bùn một cách tự nhiên, có mối liên hệ mật thiết với Ác quỷ hay Beelzebub. Vậy nên, hình ảnh con ruồi đáp xuống chiếc khăn như để nhắc nhở người xem rằng tất cả mọi sinh vật đều phải trải qua cái chết và chính con người cũng không ngoại lệ. Cái chết cuối cùng cũng sẽ đến và xói mòn niềm kiêu hãnh về những thứ trần thế.
Bức chân dung có sự đối lập giữa hai thái cực. Một bên là người phụ nữ quyền quý, giàu có với bộ quần áo lót lông đắt tiền. Một bên lại là hình ảnh con ruồi tượng trưng cho cái chết vô định, bất tận khiến mọi thứ vật chất trở nên tầm thường, phù phiếm. Khi còn sống, bức chân dung với con ruồi đậu trên chiếc khăn sẽ khiến mọi người vui vẻ với trò đùa đó. Sau khi người phụ nữ qua đời, bức tranh sẽ được lưu giữ như kỷ niệm dành cho những người ở lại tưởng nhớ về cô ấy. Có khả năng rằng người phụ nữ đó đã tự mình mời họa sĩ vẽ chân dung khi cảm thấy cuộc sống sắp đến hồi kết.
Từ chi tiết của dòng chữ bên góc trái bức tranh, trang phục và viên đá garnet ở chiếc nhẫn trên tay, ta có thể suy đoán rằng người phụ nữ là một người Do Thái Ashkenazi thuộc gia đình Hofner giàu có. Trong thời đại đó, việc đeo nhẫn trên ngón tay út tượng trưng cho các gia đình quý tộc và không hiếm khi các gia đình có tầm ảnh hưởng như Hofner nhận được các danh hiệu cao quý.
Tài liệu tham khảo:
✦ Portrait of a Woman of the Hofer Family | There’s a Fly on the Painting
✦ Why does this lady have a fly on her head? | Stories | National Gallery, London