Nhạc sĩ Châu Kỳ và “Phượng tìm hoàng”

Huỳnh Duy Lộc

0 555

“Châu Kỳ là tên thật của nhạc sĩ Châu Kỳ. Anh sinh ngày 5 tháng 11 năm 1923 tại Dưỡng Mong, Thừa Thiên (Huế). Xuất thân từ một gia đình mà anh chị em đều sống với nền cổ ca Huế, Châu Kỳ có một số vốn âm nhạc cổ thật phong phú của miền Trung. Ưu điểm thứ hai là Châu Kỳ có dịp may được gặp một sư huynh nhạc sĩ đại tài hướng dẫn về nhạc lý và sáng tác là sư huynh Pétrus Thiều nên Châu Kỳ tiến triển rất nhanh trong chiều hướng sáng tác và âm hưởng cổ nhạc miền Trung được thấy đây đó qua những ca khúc như “Khúc ly ca”, “Từ giã kinh thành”, “Khi ánh trăng vàng lên khơi”…

Bà chị của Châu Kỳ là nữ nghệ sĩ tên tuổi Châu Thị Minh sáng lập đoàn Ca kịch Huế với bảng hiệu Hồng Thu, và theo lời yêu cầu tha thiết của chị, Châu Kỳ bỏ dở nửa chừng con đường học vấn để theo hẳn nghiệp cầm ca. Lúc đó Châu Kỳ nghĩ rằng gia đình cũng không được khá giả gì cho lắm, nếu còn phải đến trường thì cha mẹ phải lo chu cấp cho việc ăn học, còn chị mình thì đang lúc cần mình cho đoàn ca kịch Hồng Thụ Thôi, một công mà đôi việc, vừa giúp chị mà cũng vừa giúp cha mẹ đỡ một gánh nặng, lại còn có thể đem tiền về giúp lại cha mẹ già nữa.

Thế rồi cậu học sinh Châu Kỳ trở thành nghệ sĩ Châu Kỳ, chuyên trình bày ca nhạc, theo đoàn đi lưu diễn khắp nơi. Bước chân phiêu lãng đưa Châu Kỳ vào Sài gòn năm 1947. Anh cộng tác với Đài Phát thanh Pháp Á trong ban “Thần Kinh Nhạc Đoàn” của ca nhạc sĩ Mạnh Phát và ban Tiếng Thùy Dương do chính anh làm trưởng ban. Trong hai ban này, có mặt các ca sĩ như Mạnh Phát, Linh Sơn, Minh Diệu, Minh Tần, và Mộc Lan. Chúng ta không ngạc nhiên chút nào khi tình cảm nẩy nở giữa đôi trai tài gái sắc, một Châu Kỳ đã nổi danh từ Huế vào Nam, một người đẹp Mộc Lan, tính tình đoan trang, thùy mị, dịu dàng, duyên dáng mà không chút kiêu căng, còn tiếng hát thì truyền cảm, dễ thương. Không lâu sau đó, đôi trai tài gái sắc thành chồng vợ…

Tháng 11 năm 1949, hai vợ chồng Châu Kỳ – Mộc Lan được ông Thái Văn Kiểm, giám đốc Thông tin ở Huế, mời cộng tác với Đài Phát thanh Huế. Châu Kỳ nghĩ rằng bây giờ đã có gia đình, thôi thì cũng nên trở về Huế làm việc và sống gần gũi với mẹ cha. Nhưng chỉ được 3 năm, vào năm 1952, Mộc Lan âm thầm từ giã Châu Kỳ để chàng khóc cho tình duyên của mình thêm một lần ngang trái, bẽ bàng. Buồn vì cuộc tình không trọn vẹn, Châu Kỳ xin thôi cộng tác với Đài Phát thanh Huế để trở vào Sài gòn với những nhạc phẩm viết cho mối tình dang dở này như “Từ giã kinh thành”.

Trở lại Sài gòn hoa lệ năm 1953, cảnh cũ còn đó nhưng người xưa chẳng thấy đâu, Châu Kỳ chỉ làm bạn với chiếc tây ban cầm cũ kỹ trong nhà và ở ngoài đường phố là chiếc Vespa xập xình màu trắng mà anh dùng làm chân để xê dịch đó đây, lên đài phát thanh, lại nhà in, ra quán nhạc, tới quán nhậu. Thời gian này, nỗi đau buồn cô đọng lại thành những âm điệu bi ai, Châu Kỳ liên tục cho ra đời những sáng tác “Giữa lòng đất mẹ”, “Tôi chưa có mùa xuân”, “Sao chưa thấy hồi âm”, “Hồi âm”, “Cánh nhạn hồi âm”, “Con đường xưa em đi”, “Đừng nói xa nhau”, “Cuối đường kỷ niệm”, “Nước mắt quê hương”, “Đón xuân này nhớ xuân xưa”, “Vào mộng cùng em”, “Em sắp về chưa”…”

(Đôi dòng tưởng niệm nhạc sĩ Châu Kỳ, Lê Dinh)

Sau năm 1975, nhạc sĩ Châu Kỳ vẫn tiếp tục sáng tác, trong đó nhiều ca khúc được phổ nhạc từ thơ của bạn bè: “Bóng mát Tân Quy”, “Một mình với guitar” 1 và 2 ,”Giọt đàn theo giọt lệ”, “Bỏ phố lên rừng”. Vào tháng 6 năm 2005, ông đã có một chuyến du hành sang thành phố Toronto của Canada và các bangTexas, California của Mỹ… Một số ca sĩ Việt Nam đang định cư tại những nơi này đã vui vẻ đón tiếp người nhạc sĩ lão thành, trong đó có nhiều ca sĩ từ trước năm 1975 từng là học trò của ông như Thanh Thúy, Hoàng Oanh, Băng Châu…

Nhóm ca sĩ – học trò cũ đã tổ chức một “đêm hội ngộ” cho nhạc sĩ Châu Kỳ tại Little Sài gòn, nơi có nhiều người Việt sinh sống. Đây là dịp để nhạc sĩ Châu Kỳ gặp lại khán thính giả đồng hương và đồng nghiệp đã từng mến mộ ông trong nhiều thập niên qua. Ông chưa kịp cho ra mắt 2 nhạc phẩm cuối cùng là “Con thuyền trên sóng” và “Đàn với ta đi” thì đã từ trần vào rạng sáng ngày 6 tháng 1 năm 2008 tại Thủ Đức ở tuổi 85 sau gần 2 tháng nằm liệt giường vì bệnh. Ông được đưa về Huế và an táng vào ngày 11 tháng 1 năm 2008 trên đồi Nam Giao.

Nhà văn Hoàng Hải Thủy có kể về việc tìm hiểu lai lịch của bản tình ca “Phượng tìm hoàng” cúa nhạc sĩ Châu Kỳ: “Mấy năm trước, nhạc sĩ Châu Kỳ từ Saigon sang chơi Cali. Sự xuất hiện của nhạc sĩ ở Mỹ làm tôi nhớ đến bản nhạc “Phượng cầu hoàng”, một bản nhạc của ông tôi thấy thật hay tôi nghe từ những năm 1957, 1958. Nhạc hay, lời hay. Tôi biết Châu Kỳ phổ nhạc lời thơ của thi sĩ nào đó nhưng tôi không nhớ tên thi sĩ.

Tôi bèn phone hỏi ông bạn tôi, thi sĩ Thái Thủy.

Thái Thủy ở Cali, tôi ở Virginia, xa cách nhau một chiều dài – gọi là chiều ngang cũng được – của lãnh thổ Hoa Kỳ, trăm núi, ngàn sông, nhưng dùng phone thì như ngồi nói cạnh nhau, chỉ không trông thấy mặt nhau.

Tôi hỏi:

– Ai làm thơ “Phượng cầu hoàng” thế?

Thi sĩ Thái Thủy trả lời:

– Đinh Hùng. Năm ấy có dự định dựng vở kịch thơ “Phượng cầu hoàng”. Đinh Hùng viết, nhưng nửa chừng dự định phải bỏ. Đinh Hùng chỉ mới làm có bài thơ ấy thôi. Châu Kỳ lấy phổ nhạc.

PHƯỢNG TÌM HOÀNG
Em, biết đến bao giờ em tới?
Có theo chim hoàng đưa lối
Cây mùa xuân nối vòng tay
Ôi gió nào hôn khẽ làn tóc
Tóc nào anh quấn vai này?
Trăng nào tô chuốt đôi mày?
Em gót chân yêu kiều in dấu
Cánh chim phiêu bồng về đâu
Sông nào in bóng hình nhau?
Ôi núi còn dung nhan mười sáu?
Mây đoàn viên lướt ngang đầu
Đưa hồn lên những tinh cầu
Ngàn đời còn thương ai thương nhớ phút sánh vai
Lời thề cùng tương lai ghi gió nước ra khơi
Hỡi em hoa trang đài
Sao sáng đôi vai gầy
Lời nguyền anh chép vào mây
Em giấc xuân đêm nào lưu luyến
Có nghe cung đàn kỳ duyên
Đưa tình sang bến thuyền quyên
Ôi phút kề môi trong tiền kiếp
Tay cầm tay đón nghê thường
Cho trần gian hóa thiên đường.

Tôi nghe lời thơ, nhạc “Phượng cầu hoàng” năm tôi 30 tuổi; năm tôi 70 tuổi, nghe lại bản thơ, nhạc “Phượng cầu hoàng” tôi thấy hay quá là hay. Hay hơn cái hay tôi cảm 40 năm xưa…”

HUỲNH DUY LỘC giới thiệu

Ca khúc “Phượng tìm hoàng” với giọng ca Thái Thanh: https://youtu.be/pu_UQsKYkxE?si=pIm0MaGtWYTrnu4_
Trong album “Huyền thoại”, Thái Hiền đã trình bày ca khúc “Phượng tìm hoàng”.
Ca khúc “Phượng tìm hoàng” với giọng ca Thái Hiền: https://youtu.be/wvILsXbkYqw
Ca khúc “Phượng tìm hoàng” với giọng ca Nguyễn Hưng: https://youtu.be/1EgQWRNIiSQ?si=JiLJ_PUVOIB54s5x
Ảnh: Nhạc sĩ Châu Kỳ

Leave A Reply

Your email address will not be published.