Nhạc sĩ Đan Thọ và ca khúc “Chiều tím”
Huỳnh Duy Lộc
Ca sĩ Quỳnh Giao đã viết về nhạc sĩ Đan Thọ (1924 – 2023), tác giả của ca khúc “Chiều tím” với lời thơ của Đinh Hùng: “Ðan Thọ có mặt trong số nhạc sĩ di cư từ miền Bắc vào Nam như Thẩm Oánh, Phạm Duy, Vũ Thành, Hoàng Trọng, Phạm Ðình Chương, Văn Phụng, Nguyễn Hiền hay Nhật Bằng, Tuấn Khanh. Lúc ấy, bài “Tình Quê Hương” do ông phổ nhạc từ thơ Phan Lạc Tuyên đã làm mọi người rơi lệ. Thời ấy, những ca khúc của ông viết cùng Nhật Bằng như “Bóng Quê Xưa” hay “Vọng Cố Ðô” càng làm nghẹn ngào nỗi nhớ quê.
Ông gắn bó với quê hương đến cùng, mãi tới năm 1985 mới đành gạt lệ ra đi, khi đã trên lục tuần.
Cùng với Hoàng Trọng, Ðan Thọ xuất thân từ đất Nam Ðịnh vốn có nhiều tài năng về nghệ thuật và cùng chung một khuynh hướng lãng mạn. Ông tên thật là Ðan Ðình Thọ, sinh năm 1924, học chữ và học nhạc từ trường đạo Saint Thomas d’Aquin tại Nam Ðịnh rồi học đàn, hòa âm và sáng tác trước khi trở thành tay vĩ cầm trẻ trong phòng trà Thiên Thai của Hoàng Trọng tại Nam Ðịnh. Năm 1948, ông gia nhập ban Quân Nhạc Ðệ Tam Quân Khu Hà Nội, cùng với các tên tuổi khác như Văn Phụng, Nguyễn Hiền, Nguyễn Cầu, Nhật Bằng, Nguyễn Khắc Cung. Trong thời gian này, ông học saxophone với quân nhạc trưởng Schmetzler, từ đó sở trường về cả violon lẫn saxophone tenor. Ðến năm 1954 ông theo ban quân nhạc di cư vào Nha Trang, rồi đặt chân vào Sài gòn năm 1956. Tại đây, ông chơi nhạc trên Đài phát thanh, truyền hình, phòng trà và còn là trưởng ban nhạc nhẹ của đài Quân Ðội. Những năm về sau, ông là một thành viên cột trụ của ban nhạc Shotguns của Ngọc Chánh.
Ngoài việc trình diễn, Ðan Thọ sáng tác nhiều trong thời gian ấy và được bạn bè quý mến vì cả tài năng lẫn tính tình hiền hòa, vui vẻ. Giới yêu nhạc thì nhớ Ðan Thọ với những bản tình ca nhẹ nhàng, những ca khúc nhớ về đất Bắc. Nhạc của ông tha thiết, lời của ông trong sáng và các ca khúc của ông đều toát lên vẻ đôn hậu của con người. Ông có nhân cách đáng kính của người nghệ sĩ không bị lụy vì âm thanh, ánh sáng hay bóng đèn mờ, dù là người kể truyện rất tếu.
Sau 10 năm khốn khổ tại quê nhà, Ðan Thọ sống đời lưu vong tại Mỹ và đời sống ấy cũng đã là một truyện đẹp. Ông sống trong khu phố sau lưng tiệm phở Nguyễn Huệ tại quận Cam mà hàng ngày bình thản lái xe lên tận Van Nuys làm công nhân cho hãng General Ribbon. Cuối tuần, ông mới sống với nghệ thuật: thổi kèn hay kéo đàn trong dàn nhạc ở vũ trường Ritz, của người bạn năm xưa là Ngọc Chánh. Ông sống từ tốn, ngăn nắp và dồn mọi tình thương cho gia đình. Thú vui của ông là nuôi chim yến.
Ông lặng lẽ sống như vậy cả chục năm, đến tháng 7 năm 1994 thì mời bạn bè tại California đến dự một buổi hòa nhạc tại Ritz. Ðấy là buổi ông chia tay sân khấu và đậy đàn vào hộp, cây đàn ôm từ Hà Nội vào Nam và qua Mỹ. Từ đấy, ông bà chuẩn bị về Louisiana sống cùng con cái. Quận Cam vắng mất một người đáng kính và đáng quý.
Ông vừa từ trần vào ngày 4 tháng 9 năm 2023 tại Houston, Texas.
Những ai thường lượn qua vũ trường đều không thể quên được nhịp Boston dìu dặt trên cung bậc quý phái của “Chiều Tím”. Ca khúc ấy thực ra còn tiêu biểu cho một hình ảnh đẹp hơn đèn màu nơi vũ trường. Ðan Thọ viết nhạc và sau đó Ðinh Hùng mới đặt lời, nội trong một buổi chiều. Nhà thơ của chúng ta yêu nhạc và yêu bạn nên để lại lời từ đẹp như lời thơ” (Xa quê hương… đã bao lần, Quỳnh Giao).
CHIỀU TÍM
Chiều tím chiều nhớ thương ai, người em tóc dài
Sầu trên phím đàn, tình vương không gian
Mây bay quan san, có hay?
Đàn nhớ từng cánh hoa bay, vầng trăng viễn hoài
Màu xanh ước thề, dòng sông trôi đi
Lúc chia tay còn nhớ chăng?
Ai nhớ mắt xanh năm nào
Chiều thu soi bóng, nắng chưa phai màu
Kề hai mái đầu nhìn mây tím … nhớ nhau …
Chiều tím chiều nhớ thương ai, còn thương nhớ hoài
Đàn ơi nhắn dùm người đi phương nao
Nếp chinh bào biếc ánh sao …
Từ đấy đàn nhớ thanh âm chùng dây vỹ cầm
Người xa vắng rồi chiều sang em ơi!
Thương ai hoa rơi lá rơi …
Người ấy lòng hướng trăng sao, hồn say chiến bào
Tìm trong tiếng đàn, mùi hương chưa phai
Ý giao hòa người nhớ chăng?
Mây gió bốn phương giăng hàng
Mùa thu thêu áo nét hoa mơ màng
Và em với chàng kề vai áo vấn vương
Chiều hỡi! Đàn nhớ mong nhau, tình thương bắc cầu
Người đi hướng nào ? Tìm trong chiêm bao
Tóc bay dài, gió viễn khơi …
HUỲNH DUY LỘC sưu tầm
Mời nghe: