Tết của một Sài Gòn xưa cũ

TVN

0 139

Người xưa quan niệm rằng: Đầu năm mới, nhà cửa có sạch sẽ thì mới rước được phúc lộc vào nhà. Thế là từ giữa tháng Chạp, người dân đã bắt đầu chuẩn bị sơn phết tường cổng, dọn dẹp, đánh bóng lại bộ lư đồng, thay cát trên bàn thờ gia tiên để chuẩn bị cho một mùa Tết ăn chơi “hết mùng hết mền”.

Người thành thị ăn Tết khác người ở nông thôn; người miền xuôi ăn Tết khác người miền ngược. Và ngay tại “Hòn ngọc Viễn Đông” Sài Gòn, Tết về cũng rất khác, rất lạ so với các vùng miền khác. Thậm chí, nó khiến người ta đôi khi cũng phải bồi hồi, thổn thức khi nhìn lại mùa Xuân hôm nay so với mùa Xuân của những ngày xưa cũ.

Các khu chợ Sài Gòn những ngày cuối năm nhộn nhịp như trẩy hội. Tết bắt đầu từ chợ, từ sạp nhỏ đến cửa hàng lớn, chất đầy hàng hóa Tết. Nào là mứt bánh, lạp xưởng, rượu Tây rượu Ta, nước ngọt, bia, áo dài, áo đầm… không thiếu bất cứ thứ gì.

Từ sau ngày 23 tháng Chạp, tức sau ngày đưa ông Táo về trời, không khí chuẩn bị Tết rộn ràng hơn hẳn. Các chị, các mẹ đi chợ sắm Tết nhiều hơn, mang về nào là dưa, hành, củ kiệu… rồi loay hoay gọt vỏ, đem ngâm. Ai có thêm thời gian thì làm thêm món cải chua. Những trái dừa, tắc, chà là thì đem ngâm vôi, sên đường đến khi khô lại, mang phơi là có ngay mấy hũ mứt ngon lành đón tết.

Các bà mẹ, bác cô trong xóm cũng tham gia góp phần bằng cách đi chợ mua vài bức tranh giấy treo Tết. Trong Sài Gòn không có tranh gà lợn Đông Hồ mà chỉ có những tấm tranh vẽ của họa sĩ Lê Trung, Hoàng Lương, Lê Minh phụ đề chữ Việt những câu chuyện Tấm Cám, Lưu Bình Dương Lễ, Thoại Khanh – Châu Tuấn, Tề Thiên Đại Thánh, Tiết Nhơn Quý…

Họ không quan tâm đến nội dung của những bức tranh mà chỉ thấy hình vẽ, thật tươi màu, đủ xanh đỏ, tím vàng chóe cho tươi cửa tươi nhà, che được cái vách nhà xấu xí là được rồi. Ngoài ra, trước cửa vào nhà còn được dán những chữ Ngũ Phúc Lâm Môn, Hiệp Gia Bình An, Phước Lộc Thọ viết bằng nhũ vàng trên những tờ giấy hồng điều mua từ các ông đồ người Hoa ngồi viết tại khu vực Chợ Lớn vào những ngày sắp Tết.

Múa Lân đã trở thành một trong những món ăn tinh thần không thể thiếu trong những dịp lễ Tết. Múa Lân xuất hiện trong những dịp lễ Tết. Một năm mới bình an với tiếng trống, chiêng và những chú Lân từ lâu đã trở nên rất quen thuộc đối với người dân Sài Gòn.

Trong những tiếng hò reo pháo nổ của ngày Tết, chắc chắn rằng tuổi thơ của chúng ta cũng sẽ gắn liền với những âm thanh kèn trống đi cùng với hình ảnh chú lân và ông địa cùng nhau nhảy. Đó chắc hẳn là một đoạn ký ức tuổi thơ vui vẻ, êm ấm với biết bao thế hệ người dân ở Sài Gòn: đi coi Múa Lân .

Một đoàn lân sư rồng đi giữa thành phố, tiếng trống, tiếng chiêng cất lên rầm rộ, những màn biểu diễn được trau chuốt cẩn thận với kỹ thuật vô cùng khéo léo. Những đoàn lân sư rồng này bao đời luôn gắn liền với người dân Sài Gòn, đã trở thành một phần không thể thiếu trong các dịp lễ lớn, quan trọng. Đặc biệt, vào những ngày Tết, đường phố nhộn nhịp bởi phần trình diễn của các đoàn Lân Sư Rồng mang lại không khí nhộn nhịp tươi vui, một cái gì đó rất là “Tết”

Tết Sài Gòn từ xưa tới nay không thể thiếu hoa. Những nhà vườn ở Gò Vấp, Hóc Môn, Thủ Đức… có đủ thứ hoa kiểng từ quất, mai, mai chiếu thủy, vạn thọ, cúc… Dọc bến Bình Đông vào những ngày cuối năm ngày nay vẫn còn hình ảnh tấp nập tàu bè bán hoa như đã từng có từ ngày xửa ngày xưa.

Trước khi đi đến chợ Bến Thành, người ta ghé lên chợ hoa dọc con đường Nguyễn Huệ để sắm những cành mai, chậu cúc, hoa hướng dương… đang được đưa lên từ những chiếc ghe đậu sát bờ sông Sài Gòn. Đi chợ hoa trong những ngày giáp Tết cũng phải chen chúc giữa người với người và người với hoa, tuy vậy ai nấy cũng tươi vui vì bầu không khí ở đây.

Đi chợ hoa Nguyễn Huệ không chỉ để mua hoa mà còn ngửi cả được không khí Tết bắt đầu tràn về, chiếm lĩnh trong từng mảnh nhỏ tâm hồn con người. Đi chợ hoa Nguyễn Huệ như đi giữa một xứ sở đầy hoa, tinh khiết từng hương thơm gột rửa cho tâm hồn và cơ thể. Đi chợ hoa Nguyễn Huệ hằng năm như đi tìm lại cái truyền thống hưởng thụ văn hóa của người Sài Gòn xưa khi Tết đến “một chung trà bên cạnh một bình hoa, một nhành mai”…

Người Sài Gòn cũng nấu bánh tét. Tối 28, người ta bắt đầu dựng một cái nồi lớn trước nhà để nấu bánh. Cả nhà quây quần bên nồi bánh, nói chuyện rôm rả, cười đùa bên nhau để nhắc về chuyện xưa và đón một cái Tết tươi vui bên cạnh gia đình.

Viếng chùa ngày Tết, cầu mong một năm mới bình an đã trở thành một thông lệ không thể thiếu của người dân Sài Gòn từ xưa đến nay. Sau giao thừa, người ta thường tập trung đến Lăng Ông Bà Chiểu, chùa Ông hoặc chùa Bà để cầu may mắn, cầu bình an, cầu tình duyên, cầu gia đạo.

Ngoài đi chùa, người Sài Gòn cũng có tục đi coi bói để xem vận mạng năm tới tới thế nào. Cách thức xem bói cũng rất đa dạng: xem bói bằng hoa mai, bằng quẻ xăm,… Đặc biệt là xem bói tuồng – một hình thức độc đáo của đất Sài Gòn vốn nổi tiếng với nhiều gánh hát, rạp hát.

Ngày xưa có quan niệm “Mùng Một Tết cha, mùng Hai Tết mẹ, mùng Ba Tết thầy”, ở Sài Gòn cũng vậy. Quà cáp cũng biếu xén lẫn nhau, thăm viếng đầu năm đã thành một lẽ hiển nhiên. Bên cạnh đó, những nam thanh nữ tú Sài Gòn cũng tranh thủ lên đồ du xuân. Khung cảnh đông đúc nhộn nhịp khắp các ngã đường, nhất là tại đường Nguyễn Huệ. Vang vang xa xa là tiếng cười nói rộn ràng, tiếng người í ới gọi nhau xen lẫn nhịp điệu quen thuộc của câu hát: “Nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi này…Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi …”.

H.D

Leave A Reply

Your email address will not be published.