“Thu” Và Những Lời Sấm Truyền

0 675

Trên mạng đang lan truyền một câu rất hay: Khi nhà nước “thu giá”, thì nhân dân phải “trả giá”.

Xưa, Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm bảo “Thu ăn măng trúc, đông ăn giá”. Ngày nay người ta chuyển sang “thu giá”, tức là ăn giá ngay trong mùa thu mà không cần chờ đến mùa đông. Rõ ràng cái giá phải trả đã đến sớm hơn một mùa, “thu giá”.

Không chỉ riêng cụ Trạng Trình – Nguyễn Bỉnh Khiêm, các nhà thơ văn, nhạc sỹ ít nhiều đều có những dự cảm thời cuộc trong tác phẩm của mình. Hãy cùng nhìn lại những lời sấm truyền về chuyện “THU”.

Đầu tiên phải kể đến tác phẩm “Buồn tàn thu” của Nhạc sỹ Văn Cao. Nếu nôm na sẽ hiểu là nỗi buồn khi mùa thu tàn. Thế thì lạ quá. Chỉ thấy người đời bảo mùa thu buồn, đằng này hết thu rồi cũng kêu buồn, là sao? Mùa thu này tàn thì sang năm sẽ có mùa thu khác, cớ sao phải buồn? Ồ, hóa ra không phải hiểu nghĩa đen như vậy. Nhạc sỹ đã tiên tri về một kỷ nguyên buồn vì các nguồn thu bị tàn lụi, thu không đủ chi.

Và chính cái nỗi “buồn tàn thu” ấy đã mở màn cho một thời kỳ mà Xuân Diệu gọi là “Đây mùa thu tới”. Phải rồi, nguồn thu sụt giảm thì phải tăng các khoản thu, phải vẽ ra thật nhiều các khoản thu để bù vào. Và thế là các khoản thu như được mùa kéo tới, những “mùa thu” bắt đầu.

Mùa thu ấn tượng nhất chắc chắn là “Mùa thu vàng” của nhạc sỹ Ngọc Châu. Mới đây thôi, chắc mọi người chưa quên, khi Ngài Thống đốc trăn trở về cái ống bơ của người dân còn quá nhiều vàng, thì các biện pháp huy động vàng trong dân cấp bách được thực thi. Thế là cuộc cách mạng độc quyền vàng miếng khai màn. Chỉ cần dập cái mác SJC trên vỏ nhựa là “nhà nước” đã thu ngọt ngào 5 triệu mỗi lượng. Ngọc Châu quả là thiên tài khi gọi tên không thể chuẩn hơn: “Mùa thu vàng”.

Những khoản thu ồn ào vừa qua như là thu phí, thu giá, thu thuế bán hàng qua mạng, thu thuế môi trường, thu thuế tài sản… chỉ là những “thu khúc” rất nhỏ. Các văn nghệ sĩ dự đoán sắp tới còn có cả “Thu tình yêu”, “Thu hát cho người”… Khiếp thật! Cái của nợ gì người ta cũng nghĩ ra để thu cho bằng được. Nhạc sỹ Văn Cao thì cảnh báo “Thu cô liêu” (tức là sẽ thu thuế những người độc thân); Nhà thơ Tế Hanh thì bảo “Mùa thu tiễn em” (nghĩa là vợ chồng ly thân ly dị cũng thu thuế); Thi sỹ Tản Đà thì lo lắng “Mưa thu đất khách” (thu thuế đất); Cụ Nguyễn Khuyến dự là có “Thu điếu” (thu thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá, thuốc lào), bác Huy Cận thì cảnh báo “Thu rừng”, mà đúng thật, rừng bạt ngàn vậy mà chúng cũng thu sạch… Kinh hoàng nhất vẫn là dự đoán của nhạc sỹ Phạm Duy về “Mùa thu chết”. Chết rồi vẫn còn bị một khoản thu phí cấp giấy chứng tử nữa thì quả thật là không có gì là không thu. Bởi vậy mà nhiều người tin rằng những tiên đoán “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư và “Gió thu” của Tản Đà là hoàn toàn có cơ sở. Chắc một ngày không xa, người ta sẽ thu thuế cả tiếng nói và không khí hít thở.

Khi “Nhìn những mùa thu đi” của Trịnh Công Sơn thì Nhạc sỹ Giáng Son đã phải thốt lên: “Thu cạn”. Trời ơi, người ta đã thu cạn thu kiệt… Vậy mà ông Tiến sỹ Vũ Đình Ánh vẫn cho rằng thu thuế phải như vặt lông vịt ấy, đừng để vịt nó gào lên, mất vui. Cái chiêu trò mách qué ấy làm sao mà qua mặt được các nhà tiên tri, thế nên Nhạc sỹ Đoàn Chuẩn đã đọc vị trò vặt lông vịt bằng tác phẩm “Thu quyến rũ” (tức là thu một cách rất êm ái, quyến rũ), còn Nhạc sỹ Đức Huy thì gọi đó là “Mùa thu ru em”.

Thu gì mà “Thu rơi từng cánh” vậy cụ Nguyễn Bính? Dân sợ thu quá rồi, nên Nhạc sỹ Việt Anh đã mơ “Không còn mùa thu”, còn Nhạc sỹ Phạm Trọng Cầu thì lại ước gì “Mùa thu không trở lại”, trong khi Hồ Hoài Anh có vẻ nhầm lẫn khi khẳng định “Mùa thu đã hết”.

Không. Thu không bao giờ hết. Nhạc sỹ Trần Tiến đã tiên liệu chắc nịch bằng “Dòng sông mùa thu”. Tức là mùa thu như dòng sông ấy. Nó sẽ không bao giờ dừng lại và luôn bốc mùi..

Bài đăng lại với sự đồng ý của tác giả

Leave A Reply

Your email address will not be published.