Tình – Từ Âm Nhạc Đến Màn Ảnh

0 461

Không ai có thể thống kê chính xác có bao nhiêu phim tình và bao nhiêu tình khúc nhưng điều ấy cũng chẳng quan trọng. Cứ thưởng thức, cứ chìm đắm, cứ bồng bềnh với những chuyện tình được kể trong phim hoặc được than thở “tụng niệm” bằng nhạc là được rồi. Coi phim tình và nghe nhạc tình để nhớ lại có lần mình từng yêu và còn đang yêu…

Trong đời sống thực, khi một cặp tình nhân nối kết nhau bởi một tình khúc thì giai điệu và lời của ca khúc đó luôn tồn tại trong tâm trí họ, bất cứ ở đâu và bất cứ khi nào ca khúc đó được nghe, làm ngòi nổ cho sự lãng mạn của họ bùng cháy. Trong điện ảnh, vô số chuyện tình như vậy đã được dựng nên. Một trong những chuyện tình (trong phim) được gắn kết bằng âm nhạc đã trở thành tác phẩm điện ảnh kinh điển là Casablanca. Khi xuất hiện tại nhà chàng Rick (Humphrey Bogart), nàng Ilsa (Ingrid Bergman) lập tức yêu cầu anh nhạc công piano chơi bài As Time Goes By. Thoạt đầu, Rick không muốn nghe ca khúc này nhưng rồi cuối cùng, khi tình yêu gõ cửa và chàng Rick bị nàng Ilsa chinh phục thì chàng không thể nào nghe nổi ca khúc đó mà không có nàng.

As Time Goes By trở thành một trong những ca khúc được giới trẻ thập niên 1950 khoái mê mệt. Tương tự, khi Barbra Streisand gợi lại “ký ức rong rêu” cho Robert Redford bằng The Way We Were, các cặp tình nhân cũng sụt sịt khi lục lạo trí nhớ để hồi tưởng lại những giây phút lãng mạn trong cuộc tình mình. Trong điện ảnh, những giây phút lãng mạn như vậy đã được huyền thoại hóa bằng âm nhạc. Trong The Talented Mr. Ripley, chính âm nhạc đã được Tom Ripley (Matt Damon) tận dụng để chinh phục trái tim Dickie (Jude Law), khi Tom được cô bạn của Dickie (Gwyneth Paltrow) kể cho biết Dickie thích ca khúc nào…

Nhạc tình trong phim tình có khi được nhà soạn nhạc viết ra để hồi tưởng hay tôn vinh chính chuyện tình riêng của mình. Irving Berlin – một trong những nhà soạn nhạc phim lừng danh của Mỹ – đã viết Always để làm quà tặng cho vợ mình vào ngày cưới. Ca khúc với giai điệu chậm buồn này được dùng trong phim Blithe Spirit đã khiến… hồn ma người vợ chết (Kay Hammond) của Rex Harrison phải sống dậy, làm kinh hãi cô vợ mới (Constance Cummings)!

Khi một cặp tình nhân đã biến một ca khúc trở thành tình khúc riêng của mình thì ca khúc đó cũng bất tử, như chuyện tình chính họ. Hơn thế nữa, nhạc tình có khi còn… cứu được mạng sống của đôi tình nhân. Trong Conspiracy Theory, khi ngoái lên nhìn thấy nàng (Julia Roberts) hát qua cửa sổ căn hộ, chàng (Mel Gibson) cũng dò đài radio tìm bài hát đó để hát chung với nàng. Sau đó, nàng đã tìm được và cứu sống chàng, khi lần theo giọng hát (tín hiệu cầu cứu) của chàng. Chuyện vừa kể dường như hiếm thấy “ngoài đời” nhưng một ca khúc làm sinh ra một mối tình thì không có gì kỳ lạ, trong cuộc sống cũng như trên màn bạc.

Trong phim 10 Things I Hate About You, Patrick Verona (Heath Ledger) đã cùng dàn nhạc trường trung học Padua chơi một ca khúc với mục đích ban đầu để “thuần hóa” cô học sinh nghịch ngợm Katarina Stratford (Julia Stiles). Ý đồ của Patrick thành công và ca khúc đó không chỉ làm cho cô học sinh Katarina trở thành con cừu ngoan mà còn khiến nàng yêu chàng. Trong Rose-Marie (cặp diễn viên chính Jeanette MacDonald và Nelson Eddy), ca khúc Indian Love Call không chỉ mang lại cho họ tình yêu mà còn làm cho nàng thoát khỏi cơn bệnh hiểm nghèo…

I Can’t Give You Anything but Love, Baby từng là ca khúc được các đôi tình nhân yêu thích hồi thập niên 1940. Trong phim Bringing Up Baby (cặp diễn viên Katharine Hepburn và Cary Grant), chàng và nàng cùng hát ca khúc vừa kể để thuần hóa một con báo hoang dã. Tuy nhiên, nàng cũng tận dụng luôn ca khúc trên để “thuần hóa” con tim chàng. Tương tự, trong Shall We Dance (cặp diễn viên Fred Astaire và Ginger Rogers), chàng đã rù rì vào tai nàng ca khúc They Can’t Take That Away From Me với dụng ý mời nhảy và chinh phục con tim nàng… Hệt như trong cuộc sống thực, nhạc tình còn là động lực gắn kết hai con tim khi hai người tạm chia tay vì lý do nào đó. Trong thời chiến, nhạc tình xuất hiện ào ạt màn bạc, tất nhiên không chỉ ở Mỹ, với sức ảnh hưởng rất lớn. Sự lan tỏa của nhạc tình trong phim tình không thể phủ nhận. Khi Frank Sinatra “hỏi Mặt trời và Mặt trăng (cùng) các vì sao tỏa sáng rằng cái gì sẽ trở thành tình yêu này của tôi” trong This Love Of Mine, gần như các bà các cô khắp nơi đều muốn trở thành cái tình yêu đó và anh chàng nào cũng muốn trở thành Frank Sinatra!

Ed Sheeran và Andrea Bocelli, trong tuyệt khúc Perfect

Trong âm nhạc, nhạc tình không chỉ nói lên chuyện tình. Mà còn để… “tán gái”! Có không biết bao nhiêu tình khúc như vậy được viết để tán dương và xưng tụng nàng… Có hồi giới trẻ Sài Gòn mê mệt với “Em đẹp nhất đêm nay”. Gần đây, cậu ca sĩ trẻ Ed Sheeran (vừa giành Grammy 2018 với hai giải “Best vocal album” và “Best solo performance”) cũng “tán em” bằng ca khúc Perfect, với những câu mà không nàng nào không rung cảm. Ed Sheeran gọi em là “thiên thần”, nói rằng em thật “hoàn hảo”, rằng em rất “hoàn hảo đêm nay”… Để thật sự “hoàn hảo” khi nghe ca khúc này, nên nghe nó với version mà Ed Sheeran song ca với Andrea Bocelli (chứ không phải version Ed Sheeran đơn ca hoặc song ca với Beyoncé). Khi nghe Bocelli hát đến đoạn “dìu em khiêu vũ trong bóng tối” bằng tiếng Ý, chắc lắm nàng còn vắng trơ cuộc tình hẳn phải ôm tim mà thổn thức: “Đêm nay ai đưa em về…!”.

Nguồn: TRẺ – Dallas

Leave A Reply

Your email address will not be published.