Lễ hội đua bò ở vùng Bảy Núi (An Giang) là một trong những lễ hội được tổ chức hằng năm vào dịp Tết Ðôn-ta (lễ cúng ông bà, tưởng nhớ tổ tiên) của đồng bào Khmer Nam Bộ, diễn ra khoảng cuối tháng 8 đầu tháng 9 âm lịch hằng năm.
Hội đua bò truyền thống huyện Tri Tôn lần thứ 18 năm 2024 đã diễn ra tại Khu Thể thao du lịch Tà Pạ-Soài Chek, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn (An Giang). Tham gia Hội đua bò năm nay có 38 đôi bò đến từ các xã, thị trấn có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống trên địa bàn huyện Tri Tôn tham dự.
Tại đây, đồng bào dân tộc Khmer vẫn lưu giữ được các tập tục truyền thống giàu giá trị văn hóa, trong đó phải kể đến các nếp sinh hoạt trong mùa lễ Sene Dolta, diễn ra vào tháng 8 và tháng 9 âm lịch hàng năm. Đây có thể xem là ngày Tết của người Khmer, là dịp để người còn sống thể hiện lòng biết ơn với ông bà, tổ tiên và những người đã khuất.
Đây là lễ hội được tổ chức thường niên ở huyện Tri Tôn, thu hút hàng ngàn người đến xem và cổ vũ. Trường đua cũng được xây dựng với quy mô lớn hơn, với các thí sinh được tăng cường tập luyện và chăm sóc bằng chế độ ăn đặc biệt để đạt phong độ tốt nhất.
Theo thể thức thi đấu hiện đại, các cặp bò sẽ tranh loại trực tiếp với nhau. Cặp bò nào về đích trước và thắng cuộc sẽ được tiếp tục tranh chức vô địch. Những người đua bò, hay còn gọi là “nài” hay “tài xế,” sẽ đứng trên một chiếc bừa để điều khiển đôi bò tranh tài.
Để thắng cuộc, người điều khiển không chỉ cần có thể lực tốt mà phải có “tay lái” hết sức khéo léo, bởi nếu để đôi bò của mình bước lên chiếc bừa của đối thủ, hoặc phóng ra ngoài vòng đua, cặp thí sinh sẽ lập tức bị loại.
Theo quan niệm của người Khmer, việc có đôi bò thắng giải là một điềm may, nên sau khi thắng cuộc, đôi bò sẽ không bị giết thịt hay bán đi. Ngược lại, các “nhà vô địch” sẽ được dân làng giữ gìn như tài sản quý, được chăm sóc kỹ lưỡng để tham gia cuộc đua kế tiếp, như lời gửi gắm hy vọng cho một năm mới nhiều mùa màng bội thu và ấm no gia đình.