Vương Gia Vệ và “Tâm trạng khi yêu”

Huỳnh Duy Lộc

0 1,155

“Rồi thế giới này lẫn tất cả những gì chúng ta yêu sẽ mãi mãi rời xa chúng ta” (Vương Gia Vệ).

Sinh ngày 17 tháng 7 năm 1958 tại Thượng Hải, Vương Gia Vệ chuyển tới Hong Kong cùng cha mẹ khi mới lên 5 tuổi. Anh và mẹ anh không biết nói tiếng Quảng Đông, ngôn ngữ chính của người Hong Kong, nên tìm trú ẩn trong điện ảnh. Hai mẹ con bỏ ra nhiều giờ mỗi ngày xem những bộ phim nói tiếng Quảng Đông, hiểu được ngôn ngữ của hình ảnh như anh kể về sau này: “Đó là những câu chuyện mà ta có thể hiểu được tuy không biết người ta nói gì trong đó. Đó là một thứ ngôn ngữ phổ quát dựa trên hình ảnh”.

Peter Brunette, giáo sư giảng dạy điện ảnh ở Đại học Wake Forest (Bắc Carolina, Mỹ), đã viết: “Như Stephen Teo đã chỉ ra, hành trình của Vương Gia Vệ thể hiện sự chuyển biến của điện ảnh Hong Kong vốn có cội nguồn thẩm mỹ và thương mại từ công nghiệp điện ảnh Thượng Hải đã bị tác động bởi sự chiếm đóng của quân đội Nhật vào năm 1937 và thắng lợi của những người Cộng sản vào năm 1949”.

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế đồ họa ở Đại học Bách khoa Hong Kong, anh theo học khóa đào tạo viết kịch bản của hãng TVB, hãng truyền hình thương mại của Hong Kong, vào năm 1981. Một năm sau, anh bắt đầu viết kịch bản cho các bộ phim như “Thắng Lợi Cuối Cùng” (1987) do Đàm Gia Minh làm đạo diễn. Kịch bản phim này giúp anh được đề cử tranh giải thưởng điện ảnh Hong Kong Film Awards lần thứ 7.

Hai năm sau khi bộ phim “Anh Hùng Bản Sắc” (A Better Tomorrow) của đạo diễn Ngô Vũ Sâm (John Woo) giúp cho dòng phim xã hội đen ăn khách, Vương Gia Vệ cho ra mắt bộ phim đầu tiên do anh làm đạo diễn là “Vượng Giác Ca Môn” (As Tears Go By, 1988), một bộ phim xã hội đen Hong Kong nói về hai tay giang hồ trẻ tuổi do Lưu Đức Hoa (Andy Lau) và Trương Học Hữu (Jacky Cheung) thủ diễn. “Vượng Giác Ca Môn” đã đặt nền móng cho các bộ phim về sau này của Vương Gia Vệ. Thay vì để cho cốt truyện dẫn dắt, các bộ phim của Vương Gia Vệ kể những câu chuyện thông qua hình ảnh và tâm trạng của nhân vật. Có lẽ vì ngao ngán sự cực nhọc của nghề đạo diễn, anh nói rằng mình rất ghét viết kịch bản phim vì dàn dựng một bộ phim theo kịch bản là một điều rất đáng chán. Trước sự kinh ngạc của các diễn viên, thay vì viết một kịch bản hoàn chỉnh, anh viết từng phân đoạn của phim, gởi fax các đoạn đối thoại cho các diễn viên từ phòng khách sạn anh đang ở trước khi thực hiện một cảnh quay.

Năm 1991, anh thực hiện bộ phim có tính chất khá riêng tư mang tên “A Phi chính truyện” (Days of being wild) lấy bối cảnh Hong Kong vào thập niên 1960, quy tụ một dàn diễn viên lừng danh vào thời đó gồm Trương Quốc Vinh (Leslie Cheung) đóng vai một chàng trai hoang đàng bị ám ảnh bởi quá khứ buồn thảm cùng với những người tình của anh ta do Trương Mạn Ngọc (Maggie Cheung) và Lưu Gia Linh (Carina Lau) thủ diễn. Sau đó, anh bắt tay thực hiện bộ phim hoành tráng hơn là bộ phim lịch sử “Đông tà Tây độc” (Ashes of time) mà anh phải mất 2 năm mới hoàn thành, nhưng lại ít được khán giả xem từ khi ra rạp vào năm 1994. Bộ phim “Trùng Khánh Sâm Lâm” (Chungking Express) thực hiện năm 1994 chỉ quay xong trong 3 tháng, kể lại những cuộc phiêu lưu lãng mạn, kỳ quặc của hai cảnh sát cô đơn ở Hong Kong, thể hiện sự lo lắng, bồn chồn khi Hong Kong tới gần thời điểm Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc. “Trùng Khánh Sâm Lâm” đã đem về cho Vương Gia Vệ các giải thưởng danh giá nhất của điện ảnh Hong Kong năm 1995.

Bộ phim “Xuân Quang Xạ Tiết” (Happy Together-1997), bộ phim sau đó của anh, được trình chiếu lần đầu tiên ở Liên hoan phim Cannes, kể câu chuyện hai kẻ tình nhân đồng giới du hành ở Buenos Aires, là một bước tiến mới trong sự nghiệp đạo diễn của anh. Bộ phim được công chiếu ngay trước khi Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc đã đem lại cho Vương Gia Vệ danh hiệu đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes và anh cũng là người Hoa đầu tiên được trao giải đạo diễn xuất sắc nhất. Sau 15 tháng quay, kiệt tác điện ảnh của anh là “Tâm trạng khi yêu” ra mắt vào năm 2000, được trình chiếu ở Liên hoan phim Cannes.

Các bộ phim của Vương Gia Vệ không thành công về thương mại ở Hong Kong, nhưng lại giành được nhiều giải thưởng quốc tế: năm 1994, bộ phim “Đông tà Tây độc” được trao giải quay phim xuất sắc nhất ở Liên hoan phim Venice và năm 1997, bộ phim “Xuân Quang Xạ Tiết” được trao giải Đạo diễn xuất sắc nhất ở Liên hoan phim Cannes. Lương Triều Vỹ, nam diễn viên gắn bó với anh nhất, được đề cử giải Nam diễn viên xuất sắc nhất ở Liên hoan phim Cannes năm 2000…

Đạo diễn Vương Gia Vệ

“Tâm trạng khi yêu” (花樣年華 / Hoa dạng niên hoa, tên tiếng Anh: In the Mood for Love) là bộ phim lấy tên theo tên một ca khúc của nữ ca sĩ Chu Tuyền trong một bộ phim ra mắt vào năm 1946. John Powers đã nói về bộ phim “Tâm trạng khi yêu”: “Mặc dù mỗi phim của Vương Gia Vệ đều có đời sống tinh thần và cảm xúc riêng, không tác phẩm nào đọng lại sâu sắc trong ký ức hơn “Tâm trạng khi yêu” (2000), phần thứ hai trong bộ ba phim về Hong Kong thập niên 1960. Chỉ cần nghĩ về nó thôi là bạn tự thấy mình chìm đắm vào thế giới đêm của những hành lang chung cư và các con phố bị bóng tối bao phủ, những cái liếc mắt ẩn ý và những bộ sườn xám rạng rỡ, những cú lia máy quay lướt qua nền nhạc u buồn và tinh tế; cảnh Trương Mạn Ngọc bước lên cầu thang đã hằn vào ký ức văn hóa của chúng ta.

Phim tái hiện một cách đáng yêu và bóng bẩy một Hong Kong từ ký ức của chính Vương Gia Vệ khi lớn lên ở Thượng Hải, trong một tòa nhà rất giống trong phim, lý do giải thích cho những tưởng tượng chi tiết của Vương. Mặc dù không phải là tác phẩm lãng mạn giàu tính cá nhân nhất của anh, nhưng Hong Kong trong phim – dù phần lớn thời lượng quay tại Bangkok – có lẽ khiến nó đã trở thành bộ phim gần gũi với tâm hồn anh nhất. Có cốt truyện đơn giản, nhưng không khí phim lại bí ẩn. Đó là câu chuyện về hai người đã có gia đình, nhà báo Chu Mộ Văn và cô Trương làm nghề thư ký riêng, có tên thời con gái là Tô Lệ Trân, giống tên vai nữ của Trương Mạn Ngọc trong “A Phi Chính Truyện” (Điện ảnh Vương Gia Vệ, Vương Gia Vệ, John Powers , tr. 52)

Bối cảnh của câu chuyện tình được kể trong “Tâm trạng khi yêu” là Hong Kong vào năm 1962. Vợ chồng nhà báo Chu Mộ Văn (Lương Triều Vỹ đóng) thuê một căn hộ trong cùng một tòa nhà với vợ chồng cô Tô Lệ Trân (Trương Mạn Ngọc đóng), cô thư ký của một công ty tàu biển, nên đã là láng giềng của nhau. Vợ của Chu Mộ Văn và chồng của cô Trân thường rời nhà để đi làm, để cả hai ở lại một mình ở nhà và giờ giấc sinh hoạt của cả hai có nhiều điểm tương đồng. Cả hai phải ăn một mình và đã có lần gặp nhau ở một quán mì. Hai người cô đơn cùng đi, về chung một cầu thang nên ra vào là giáp mặt, lâu rồi thành quen, lúc đầu chỉ có vài lời chào xã giao, về sau có sự thân tình giữa hàng xóm láng giềng và cuối cùng là có đôi chút vấn vương trong tâm hồn. Rồi đến một hôm, Chu Mộ Văn hẹn gặp cô Trân tại một quán ăn, bộc bạch những nghi vấn về người hôn phối của mình: vợ của Chu Mộ Văn và chồng của Tô Lệ Trân thường đi công tác xa cùng một lúc, và sau khi đem ra so những tặng vật họ nhận được từ vợ và chồng của họ, hai người nhận ra bấy lâu nay vợ và chồng của họ là một cặp tình nhân. Bị vợ lừa dối và bị chồng cắm sừng, hai người đau khổ cảm thấy thật gần gũi nhưng cũng quyết tâm không hành động giống như vợ và chồng của họ.

John Powers cho biết tiếp: “Chu Mộ Văn mời Tô Lệ Trân ăn tối ở hiệu ăn Kim Tước; cô giúp anh viết truyện khoa học viễn tưởng trong một phòng khách sạn gắn con số may mắn 2046; họ tưởng tượng, thầm thương trộm nhớ. Hai người bắt đầu yêu nhau, nhưng mối quan hệ của họ vẫn trong sáng và luôn tự phủ nhận (“Ta sẽ không giống họ”), và cả hai không rõ mình nên làm gì. Dù ngoại tình là chuyện cơm bữa trong thế giới của họ – Tô Lệ Trân thậm chí còn phải giúp sếp quản lý số nhân tình – cả hai lại càng kiềm chế và nghiêm khắc hơn với chính mình. Lương Triều Vỹ và Trương Mạn Ngọc đã thể hiện một mối quan hệ kiềm nén mà vẫn mãnh liệt; họ đại diện cho sự say mê của Vương Gia Vệ với những mối tình lãng mạn không thành lẫn sự tàn nhẫn và ảm đạm của số phận…” (Điện ảnh Vương Gia Vệ, Vương Gia Vệ, John Powers , tr. 53)

Chu Mộ Văn sang Singapore nhận một công việc và anh đã ngỏ lời mời cô Trân đi cùng. Anh ngồi chờ cô mãi trong một phòng khách sạn rồi ra sân bay, cô Trân cũng vội vã đến khách sạn, nhưng chỉ còn thấy căn phòng trống trơn. Một năm sau, cô Trân sang Singapore để thăm Chu Mộ Văn lúc này đang làm cho một tờ nhật báo của Singapore. Cô đến nơi anh ở, gọi điện cho anh, nhưng khi anh nhấc máy, cô đã im lặng. Khi về nhà, Chu Mộ Văn biết là cô Trân đã đến thăm anh lúc anh vắng nhà, bằng chứng là điếu thuốc lá hút dở có vết son môi của cô. Trong một bữa ăn tối sau đó với những người bạn, anh kể lại một câu chuyện vào thời xa xưa, khi có một bí mật không thể tỏ bày với ai, người ta thường lên một ngọn núi, khoét một cái lỗ trên một thân cây, thì thầm vào đó điều bí mật của mình rồi lấy bùn đất lấp lại.

Ba năm sau, Chu Mộ Văn trở về Hong Kong, đến thăm lại bà chủ nhà năm xưa, hay tin gia đình bà đã sang Philippines định cư và rời đi mà không hề biết rằng cô Trân và đứa con trai đã thuê lại căn hộ của gia đình bà và đang có mặt ở đó. Cảnh kết thúc phim là cảnh Chu Mộ Văn sang Cambodia thăm đền Angkor Wat, khi đến một phế tích, anh đã thì thầm điều bí mật của mình vào một cái lỗ trên một bức tường đã đổ nát rồi lấy bùn đất lấp lại. Điều bí mật mà cả anh và cô Trân chưa một lần thổ lộ với nhau là họ đã thật sự yêu nhau.

Trong tác phẩm “Wong Kar-wai” (University of Illinois Press, 2005), Peter Brunette cho biết: “Bối cảnh của “Tâm trạng khi yêu”, phim gần đây nhất và cũng là phim hay nhất của Vương Gia Vệ, là Hong Kong của thập niên 1960 mà khán giả từng thấy trong phim “A Phi chính truyện”, nhưng như Vương Gia Vệ đã chia sẻ trong những cuộc phỏng vấn, câu chuyện tình được kể là tình yêu của một đôi nam nữ đã trưởng thành. Anh có nói rằng phim “A Phi chính truyện” là “sự tái hiện có tính chất rất riêng tư thập niên 1960”, còn trong phim “Tâm trạng khi yêu”, “chúng tôi cố gắng tái hiện thời sự một cách có ý thức. Tôi muốn nói một điều gì đó về đời sống hàng ngày hiện nay”. Cặp tình nhân khác giới đã trở lại chiếm lĩnh bối cảnh chính, thay thế cặp tình nhân đồng giới trong “Xuân Quang Xạ Tiết”. Vương Gia Vệ có nói rằng “Tâm trạng khi yêu” kể về một tình yêu ngoài hôn nhân, chứ không phải một tình yêu đồng tính như phim “Xuân Quang Xạ Tiết”. Điều khác biệt đáng ghi nhận hơn hết là bối cảnh xã hội của 2 câu chuyện tình. Trong phim “Xuân Quang Xạ Tiết”, bối cảnh của nước Argentina trong đó hai người đồng giới yêu nhau chẳng mấy khi được nhắc tới, chỉ là một khung cảnh phương xa làm nổi bật tâm điểm của phim. Trong “Tâm trạng khi yêu”, đôi tình nhân – hay đúng hơn là hai kẻ tình nhân tiềm năng – được thể hiện trong một khung cảnh xã hội. Điều gây thất vọng lớn lao là Chu Mộ Văn và Tô Lệ Trân chưa bao giờ là người yêu của nhau. Bối cảnh xã hội ngột ngạt có nhiều trói buộc sẽ chi phối hoàn toàn cuộc đời họ, ngăn cản họ hành động theo bản năng của mình và vĩnh viễn làm tiêu tan hạnh phúc của họ… Giống như phim “Xuân Quang Xạ Tiết”, “Tâm trạng khi yêu” cho thấy tình yêu vừa tuyệt vời, vừa làm cho người ta thất vọng, đau đớn như thế nào…

Ở cảnh cuối của phim, khán giả thấy cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Pháp De Gaulle và Hoàng thân Sihanouk tại Cambodia và đây là bối cảnh chính trị ở bên ngoài. Khán giả thấy cảnh Đền Angkor Wat và Chu Mộ Văn thì thầm điều bí mật của mình vào một cái lỗ trên một trong những bức tường cũ kỹ của khu đền. Đó là một cảnh phim gây xúc động mạnh mẽ. Những hành lang cũ kỹ và những con đường tương phản với tính chất trực tiếp của nỗi đau và điều bí mật của anh. Khán giả bất chợt nhận ra rằng điều anh trải nghiệm là một điều muôn thuở của con người. Bao giờ cũng có một thế giới rộng lớn ở bên ngoài – ở đây thế giới ấy được thể hiện qua chuyến thăm Cambodia của Tổng thống De Gaulle – làm cho những vấn đề của mỗi người trở nên vô nghĩa. Con người đã luôn đau khổ và sẽ còn đau khổ; đó là điều bí mật mà mỗi người trong chúng ta đều biết và muốn thổ lộ với cái lỗ trên tường…” (Wong Kar-wai, Peter Brunette, tr. 88, 89, 100).

HUỲNH DUY LỘC

Leave A Reply

Your email address will not be published.