“Histoire de l’écriture romanisée du vietnamien (1615-1919)” của Phạm Thị Kiều Ly, Tiến sĩ khoa học ngôn ngữ của Đại học Sorbonne Mới (Université Sorbonne Nouvelle) Paris, do nhà xuất bản les Indes Savantes ấn hành ngày 7 tháng 11 năm 2022 vốn là luận án tiến sĩ của chị tại Đại học Sorbonne nouvelle năm 2018. Chị cho biết trong thời gian soạn luận án, chị cũng khá hoang mang khi đọc những bài báo tranh luận về Alexandre de Rhodes ở Việt Nam, nhưng rồi chị vẫn kiên trì nghiên cứu về quá trình hình thành chữ quốc ngữ ở Việt Nam sau khi GS Cao Huy Thuần viết email khích lệ chị.
“Histoire de l’écriture romanisée du vietnamien (1615-1919)” đã phân tích quá trình hình thành của chữ quốc ngữ từ năm 1615. Điểm khác biệt giữa công trình nghiên cứu của chị so với những tác phẩm nghiên cứu trước đây về chữ quốc ngữ là cột mốc thời gian: năm 1615.
Vì sao lấy cột mốc 1615? Theo chị, theo các thông tin về Vương quốc Đàng Trong do Fernandez de Costa, thương nhân Bồ Đào Nha, cung cấp thì một nhóm nhà truyền giáo gồm Francesco Buzomi, Diogo de Carvalho và Antonio Dias đã lên các tàu buôn rồi cập cảng Tourane (nay là Cửa Hàn, Đà Nẵng) ngày 18 tháng 1 năm 1615. Sau một thời gian, họ ở lại thương cảng Faifo, là nơi tàu thuyền Bồ Đào Nha và Ý thường xuyên ghé lại và là nơi người Nhật, người Hoa và người Việt cùng nhau chung sống và buôn bán”.
Chị giải thích về điểm khác biệt giữa công trình nghiên cứu mới của mình với những công trình nghiên cứu trước đây: “Khi nghiên cứu về chữ quốc ngữ, các học giả trước tôi thường chỉ quan tâm tới một giai đoạn với mục đích cụ thể. Ví dụ, nhà nghiên cứu Đỗ Quang Chính vốn là một linh mục dòng Tên đã xuất bản cuốn “Lịch sử chữ quốc ngữ” vào năm 1972 với mốc thời gian 1620 – 1659 (thời kỳ đầu truyền giáo của dòng Tên tại Việt Nam).
Sau đó, các công trình của giáo sư Roland Jacques tập trung nghiên cứu vai trò của người Bồ Đào Nha trong việc sáng tạo chữ quốc ngữ, có nghĩa cũng vào thời kỳ đầu khi các thừa sai Bồ Đào Nha tới Việt Nam và tiến hành ghi tiếng Việt bằng văn tự Latin.
Một số nhà nghiên cứu khác như Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên, Thanh Lãng, Võ Long Tê cũng đã có những công trình nghiên cứu về quá trình sáng tạo và phát triển của chữ quốc ngữ dựa trên những tư liệu mà các ông sưu tầm được. Cho nên các mốc thời gian đôi khi lại là mốc của một văn bản quan trọng nào đó.
Nghiên cứu là đi lại con đường của người đi trước, rồi tìm thấy một mảnh đất chưa được khai phá dành cho mình. Khi bắt đầu làm luận án tiến sĩ, tôi hiểu rằng quá trình các thừa sai ghi các âm tiếng Việt bằng mẫu tự La tinh nằm trong trào lưu chung của “ngữ học truyền giáo” từ thế kỷ XVI, nghĩa là các thừa sai đã có một phương pháp học tiếng khá bài bản. Khi họ tiếp xúc với người bản xứ, họ đã biết cần phiên âm tiếng đó bằng mẫu tự La tinh để cho dễ học. Chính vì vậy tôi đã lấy mốc thời gian là năm 1615 vì đó là năm các giáo sĩ dòng Tên đầu tiên tới Đàng Trong.
Khi đi tìm tư liệu tại các trung tâm lưu trữ ở châu Âu, tôi đã sưu tầm được khá nhiều văn bản viết tay cho phép tái hiện một cách khá trọn vẹn lịch sử chữ viết hệ La tinh của tiếng Việt. Tôi chọn khung thời gian nghiên cứu từ năm 1615 – 1919 vì muốn khảo sát quá trình hình thành và phát triển của chữ quốc ngữ cũng như những nhân tố như tôn giáo, chính trị, giáo dục… ảnh hưởng tới số phận của chữ viết này.
Tôi chọn thời điểm kết thúc kỳ thi Hội năm 1919 để kết thúc nghiên cứu vì 1919 là năm cuối cùng tổ chức khoa thi Hội ở kinh đô Huế; đánh dấu sự kết thúc của việc cần thiết phải thông thạo chữ Hán, bên cạnh chữ quốc ngữ, trong triều đình”.
Điểm độc đáo của công trình nghiên cứu của Phạm Thị Kiều Ly là đưa sự hình thành chữ quốc ngữ – ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự La tinh – vào trào lưu chung mà chị gọi là “ngữ học truyền giáo” (linguistique missionnaire): từ thế kỷ XVI, khi tiếp xúc với người bản xứ, các giáo sĩ đã biết phiên âm ngôn ngữ của họ bằng mẫu tự La tinh để cho dễ học.
Để giao tiếp với người bản xứ, các thừa sai Dòng Tên đầu tiên đến Việt Nam đã theo một phương pháp học hỏi chung: soạn thảo văn phạm và phiên âm ngôn ngữ bản xứ bằng mẫu tự La tinh. Alexandre de Rhodes đã xuất bản cuốn “Dictionarium Annamiticum Lusitanum” tại Roma vào năm 1651, được xem như văn bản nền tảng của việc phiên âm tiếng Việt bằng mẫu tự La tinh. Đến phiên mình, các vị đại diện tông tòa Pháp và các linh mục của Hội Truyền giáo Hải ngoại (Missions Étrangères de Paris) đã đến Đàng Trong và Đàng Ngoài từ năm 1663. Họ thành lập một trường chung ở Ayutthaya (Siam) và các trường địa phương ở Đàng Ngoài với mục đích đào tạo giáo sĩ bản xứ, sử dụng chữ viết La tinh hóa của tiếng Việt.
Mọi người đều biết diễn tiến sau đó: năm 1858, người Pháp chiếm Đàng Trong, thay đổi sâu sắc tình hình chính trị, ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam. Chữ viết La tinh hóa của tiếng Việt, gọi là chữ quốc ngữ, đã ra khỏi phạm vi của Giáo hội, được đưa vào chương trình giảng dạy tại Nam kỳ và trở thành chữ viết chính thức khi soạn thảo các văn bản hành chính (1882), rồi sau đó tại Bắc kỳ và Trung kỳ (1884−1885). Được các nhà trí thức Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ, chữ quốc ngữ được giảng dạy với mục tiêu xóa mù chữ. Sau khi bỏ hệ thống thi cử tuyển chọn các quan lại vào năm 1919, nó đã thay thế chữ Hán trong hầu hết các hoạt động xã hội Việt Nam và trở thành chữ viết chính thức của quốc gia vào năm 1945.
“Histoire de l’écriture romanisée du vietnamien (1615-1919)” là công trình nghiên cứu mới nhất nối tiếp các công trình nghiên cứu trước đây, khẳng định vai trò của các giáo sĩ dòng Tên trong sự hình thành của chữ quốc ngữ ở Việt Nam, thứ văn tự mà người Việt chúng ta vẫn sử dụng cho đến nay.
“Histoire de l’écriture romanisée du vietnamien (1615-1919)” đã được nữ dịch giả Thanh Thư dịch ra tiếng Việt với nhan đề “Lịch sử chữ quốc ngữ (1615 – 1919)”, Công ty Omega+ ấn hành vào tháng 3 năm 2023 và có buổi ra mắt vào ngày 28 tháng 7 năm 2027 tại Đường Sách Nguyễn Văn Bình.
Cuốn sách đi đôi với “Lịch sử chữ quốc ngữ (1615 – 1919)” là “100 câu hỏi về lịch sử chữ quốc ngữ” cũng do Tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly biên soạn và cũng do Công ty Omega+ ấn hành vào tháng 7 năm 2024.
HUỲNH DUY LỘC giới thiệu
Ảnh: Tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly và bộ đôi tác phẩm về lịch sử chữ quốc ngữ.