6 món ngon của Khánh Hòa xuất hiện trong thơ ca

TVN

0 130

“Yến sào Hòn Nội
Vịt lội Ninh Hòa
Tôm hùm Bình Ba
Nai khô Diên Khánh
Cá tràu Võ Cạnh
Sò huyết Thủy Triều…
Đời anh cay đắng đã nhiều
Về đây sớm ngọt, ngon chiều với em”

(Ca dao Khánh Hòa)

1. Yến sào Hòn Nội

Yến sào Hòn Nội có chất lượng tốt nhất trong các loại yến ở Việt Nam

Trong danh sách bát trân – những món ăn bổ, quý chỉ dành cho vua chúa thời xa xưa gồm nem công, chả phượng, da tê ngưu, bàn tay gấu, gân nai, môi đười ươi, thịt chân voi, đến nay chỉ có yến sào hầu như là còn giữ nguyên được giá trị của mình; còn những món khác đã ít nhiều bị thay thế bằng bào ngư, vây cá….

Xưa nay, người ta vẫn coi yến sào là một loại thực phẩm bổ dưỡng, cung cấp thêm nhiều chất cần thiết như protein, axit amin, sắt, canxi, magie, có tác dụng cải thiện sức khỏe.

Nhiều người cho rằng do địa hình Khánh Hòa vô cùng thích hợp cho việc sinh sống và làm tổ của yến. Ngoài ra, vùng đất này còn có không khí trong sạch, nhiều côn trùng béo tốt, dinh dưỡng tốt. Những yếu tố này đã giúp cho sản phẩm yến sào ở Khánh Hòa nói chung, ở Hòn Nội nói riêng có chất lượng tốt nhất trong các loại yến ở Việt Nam.

Món yến sào có thể được chế biến thành nhiều món ngon như chưng đường phèn, súp yến, yến tiềm gà ác, chè yến hạt sen, chè yến đường phèn, làm bánh…

2. Vịt lội Ninh Hòa

Vịt Ninh Hòa có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon như luộc, nướng, quay, xào, chiên, kho, hấp, sốt, rán, hầm, tiềm, bỏ lò…

Sở dĩ có tên vịt lội Ninh Hòa bởi vịt được thả trên đồng lúa sau khi gặt, tìm ăn những hạt lúa còn sót lại hay tìm ăn ốc, cua, hay sinh vật trên cánh đồng.

Chính vì cách nuôi như thế nên vịt ở đây bao giờ cũng mập căng lườn, ít mỡ, nhiều thịt, không hôi lông.

Vịt lội Ninh Hòa có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon như luộc, nướng, quay, xào, chiên, kho, hấp, sốt, rán, hầm, tiềm, bỏ lò… Trong đó phổ biến nhất là vịt nấu cháo, vịt luộc bóp gỏi ăn kèm mắm gừng, vịt ướp nướng chao.

3. Tôm hùm Bình Ba

Tôm hùm có thể được chế biến thành nhiều món như nướng, hấp, lăn bột chiên, nấu canh chua tôm hay kho rim…

Tôm hùm ở đây ngon tới mức đã khiến tên đảo bị đổi thành “đảo tôm hùm”. Tôm hùm Bình Ba được đánh giá là nhiều thịt, mềm, ngọt. Tôm có thể được chế biến thành nhiều món như nướng, hấp, lăn bột chiên, nấu canh chua tôm hay kho rim. Tôm còn được dùng để nấu cháo hay để chế ra một món vô cùng đặc biệt: tiết canh tôm hùm.

Món tiết canh tôm hùm có vị mằn mặn, ngòn ngọt ăn thường được ăn kèm với bánh tráng cùng với các loại rau sống như ngò gai, rau diếp cá, khế chua, chuối chát.

4. Nai khô Diên Khánh

Đặc sản nai khô

Hiện nay món thịt nai phơi khô là đặc sản hiếm và đắt

Diên Khánh từng là một vùng có rất nhiều nai thuộc tỉnh Khánh Hòa. Trước kia, thịt nai sau khi chế biến thành các món ăn theo phương pháp ướp nướng, xào… vẫn còn dư. Người dân đã đem số thịt ướp tẩm sẵn gia vị đó ra phơi khô để dùng dần. Không ngờ, thịt nai sau khi phơi khô, đem vào ăn thì lại rất ngon, ngọt, có vị đặc trưng. Từ đó hình thành nên món ăn đặc sản vùng này, lưu truyền cả trong thi ca.

Tuy nhiên, do săn bắt quá nhiều, số lượng nai trong vùng hiện còn rất ít, do vậy món thịt nai phơi khô cũng rất hiếm, dẫn tới giá bán của loại đặc sản này là khá đắt.

5. Cá tràu Võ Cạnh

Cá tràu Võ Cạnh dày mình hơn, thịt thơm ngon hơn và đặc biệt không có mùi tanh như ở những nơi khác

Cá tràu (hay còn gọi là cá lóc) không phải món ăn đặc hữu ở Khánh Hòa. Tuy nhiên, cá tràu ở Võ Cạnh (Khánh Hòa) lại đặc biệt hơn ở những chỗ khác bởi con cá ở đây dày mình hơn, thịt thơm ngon hơn và đặc biệt không có mùi tanh như ở những nơi khác.

Thường, sau khi bắt về, người ta làm sạch thịt và chế biến thành nhiều món như nướng, kho, nấu cháo hoặc dùng để ủ chượp, làm mắm.

6. Sò huyết Thủy Triều

Sò huyết Thủy Triều được mệnh danh là loại hải sản “buộc phải thưởng thức” khi tới Khánh Hòa

Được nhiều người coi là hải sản vua bởi thịt ngon ngọt và lành tính hơn những loại sò khác, sò huyết Thủy Triều xứng đáng là loại hải sản trong danh sách “buộc phải thưởng thức” khi tới Khánh Hòa.

Là loài sống trong bùn nên sau khi bắt, thực hiện sơ chế, cần ngâm sò trong nước vo gạo hoặc nước muối ớt pha loãng khoảng 1-2 tiếng để nhả hết bùn đất và nhớt, sau đó dùng bàn chải cọ sạch lớp vỏ ngoài rồi rửa lại bằng nước sạch.

Sau công đoạn này, bạn có thể chế biến sò theo nhiều cách:sò huyết xào me, sò huyết rang muối ớt, sò huyết xào sa tế, sò huyết nướng hành hoặc cháo sò huyết…

Theo khoahocphattrien

Leave A Reply

Your email address will not be published.