Bây giờ cá bông lau đã ít, một hai năm nữa có khi tiệt nọc, khi cái đập Hou Sahong bên Lào, chận ngang bên dưới thác Khone, hoàn thành.
Chuyến đi từ Sài Gòn xuống Kiên Giang vừa rồi, nghĩ chắc trưa sẽ tới Long Xuyên, tôi gọi điện cho Nguyễn Thanh Tùng, thổ địa An Giang.
Và, dịp này, Tùng giúp tôi xoá mù cá bông lau, một loài cá nhiều huyền thoại và thật ít sự thật.
Hôm đó Tùng, người chuyên trách du lịch của trung tâm Du lịch nông dân (hội Nông dân tỉnh An Giang), hẹn tôi ở nhà một người bạn của anh, trong một con đường đất đối diện trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, qua khỏi cầu Chắc Cà Đao chừng vài trăm mét.
Cái tên Chắc Cà Đao đã bị xoá sổ để thay vào đó là thị trấn An Châu, thuộc huyện Châu Thành, từ Long Xuyên đi theo quốc lộ 91 chừng 6km. Còn may là cây cầu bắc qua con rạch này vẫn giữ lại tên đó như một dấu tích lịch sử.
Hôm đó, Tùng một hai khẳng định đang là mùa cá bông lau. Và khi chúng tôi vào nhà người bạn của anh, đã thấy dăm ba người chén thù chén tạc bên cái lẩu cá bông lau.
Những người dân An Giang trong bàn tranh nhau giới thiệu về con cá bông lau chính hiệu của sông Vàm Nao.
Một người khẳng định cực đoan: chỉ có sông Vàm Nao mới có cá bông lau thiệt, còn mấy chỗ khác chỉ là cá tra bần…
Cá bông lau về sông Vàm Nao từ tháng 11 đến tháng 2 âm lịch. Nên người dân gọi thời gian này là mùa của chúng.
Sông Vàm Nao giống như con kinh Panama, nhưng là do mẹ thiên nhiên đào, nối liền và cân bằng nước của sông Tiền và sông Hậu.
Cũng có thể nói là hai con sông này “ăn cơm trước kẻng” tại Vàm Nao, không chịu chờ lúc giao hội chính thức ở biển.
Thời gian từ tháng 11 đến tháng 3 là mùa khô, nước sông trở nên trong, bọn cá bông lau (mà nhiều người không biết từ đâu) kéo vào đây trở mây lật mưa (phiên vân phúc vũ). Đây cũng là thời gian mà Tùng nói “đêm trên sông người ta buông lưới như hội hoa đăng”.
Ngày xưa cá nhiều, người dân còn thả câu. Bây giờ cá ít, họ chơi những tay lưới dài hàng nửa cây số, thả san sát nhau.
Tùng nói: “Chợ An Châu là chợ đầu mối của cá bông lau”. Ở chợ đầu mối mà giá cá hôm chúng tôi đến đã trên 250.000 đồng/kg. Anh chủ nhà đón chúng tôi, bạn của Tùng, dân An Châu, nói: “Cá có lúc lên đến 500.000 đồng/kg. Tuỳ bữa ít hay nhiều thôi”.
Tôi nghĩ, thế thì có cá bông lau nào về tới Sài Gòn mà ăn cho nổi. Vậy mà món này vẫn nằm lềnh trong thực đơn các nhà hàng ở Sài Gòn.
Đúng là lâu nay bị bịp. Rồi bịp còn xuất hiện trên các báo mạng trong đó có tuoitre.vn.
Người ta giả giọng Trịnh Hoài Đức, nói (trong ngoặc kép): “Lô hoa ngư: là cá bông lau. Cá này thịt ngon nhất trong họ cá tra và rất mắc tiền. Thường các tiệm cơm hay lập lờ đánh lận con đen, gạt khách qua đường ăn cá tra mà nói dối là cá bông lau” (Tuoitre.vn, ngày 22/12/2013).
Thời của ông Đức mà đã có ngữ “đánh lận con đen” mới dữ. Thực ra, trong phần Sản vật chí của Gia Định thành thông chí, chỉ vỏn vẹn có mấy từ: “loại lưng xanh gọi là lô hoa ngư” được người dịch chú trong ngoặc đơn là cá bông lau.
Tùng nói: “Cá bông lau chỗ phần tam giác thịt đen dưới da nối hai phần thịt trắng ăn lõm vào rất sâu. Sớ thịt cá rất dày”. Đúng là đi mới có nửa ngày đàng mà khôn ra một chút.
Bây giờ cá bông lau đã ít, một hai năm nữa có khi tiệt nọc, khi cái đập Hou Sahong bên Lào, chận ngang bên dưới thác Khone, hoàn thành.
Rồi chúng ta sẽ phải khóc thương một loài cá ngon của dòng Mekong bị các “Tuyệt Diệt sư thái” phăng teo con đường lên nguồn sinh sản của chúng.
Cá bông lau được một nghiên cứu năm 2007 phát hiện chúng di chuyển cả ngàn cây số từ Biển Đông vào sông Mekong để sinh sản.
“Loài cá này cũng giống như nhiều loài cá hồi có thời gian đầu đời sống ở biển sau đó di cư hàng ngàn cây số lên các vùng thượng nguồn sông để sinh sản”, đồng tác giả nghiên cứu Zeb Hogan, một nhà ngư sinh học ở đại học Nevada tại Reno, cho biết.
Phát hiện này chỉ ra một thực tế là có lẽ các loài cá da trơn khác trên thế giới đều là những con cá bơi ngược sông, và một đập thuỷ điện đang có kế hoạch xây trên dòng Mekong ở Lào có thể tác động nặng nề đến số lượng cá thể các giống cá da trơn trên sông Mekong.
Nhóm nghiên cứu này đã điều tra các chất đồng vị (isotopes) trong xương và cơ của cá da trơn ở khu vực thác Khone, đã tìm thấy bằng cớ là con cá di cư từ một môi trường biển lên.
NGỮ YÊN (Theo Sài Gòn Thập Cẩm).