Chế Mân, vị vua anh hùng của Champa, và tháp Po Klong Garai (Ninh Thuận)

Huỳnh Duy Lộc

0 559

Với người Việt, vua Chế Mân (Jaya Sinhavarman III) là vị vua Champa đã nhượng cho Đại Việt 2 châu Ô và châu Rí (châu Lý) khi kết hôn với công chúa Huyền Trân, còn với người Chàm, ông là vị vua anh hùng trong cuộc chiến chống Nguyên Mông đã cho xây dựng đền tháp Po Klong Garai để thờ Po Klaung Garai, vị vua có nhiều công trạng với dân tộc Champa.

Học giả Georges Maspero đã chép về vua Chế Mân trong tác phẩm “Le Royaume de Champa”: “Vua Jaya Indravarman VI lên ngôi vào năm 1274 và có lẽ khi ấy tuổi đã cao nên khi Marco Polo đặt chân đến Vương quốc Champa vào năm 1278, đã gọi ông là Accambale, mô tả ông như “một người rất cao tuổi”. Không có tham vọng gây chiến tranh và muốn cho đất nước của mình tránh một cuộc chiến với Đại Việt, ngày từ đầu năm 1266, ông đã phái một sứ bộ sang Đại Việt. Năm sau, ông lại cử sứ bộ sang Đại Việt và những năm sau đó tặng vua Đại Việt một con voi trắng. Tuy nhiên ông lại không tránh được một cuộc chiến tranh, lần này là từ phía người Mông Cổ, khi ấy đang dần dần thôn tính Trung Quốc. Đại hãn Hốt Tất Liệt, cháu nội Thành Cát Tư Hãn, lên ngôi đại hãn Mông Cổ vào năm 1260, đang tiến chiếm Trung Quốc của vương triều Tống. Ông ta muốn tất cả các lân bang phải thần phục và vào năm 1260 đã hứa sẽ bảo vệ vua Trần Thánh Tông của Đại Việt, nhưng đổi lại, buộc vị vua của Đại Việt phải sang triều kiến. Trong những năm 1257, 1275 và 1278, Hốt Tất Liệt nhắc lại yêu cầu này, nhưng vua Trần Thánh Tông không hề vâng lời. Vua Chămpa cũng được Hốt Tất Liệt yêu cầu như thế và năm 1278, tướng Sagatou (Toa Đô) của Mông Cổ vừa mới chiếm xong Quảng Đông, đã cử một sứ giả sang Vương quốc Champa, được biết vua Indravarman cũng tỏ ý thần phục. Hốt Tất Liệt đã phong cho vua Indravarman tước hiệu “thái tử hàng thứ hai” và ban cho ông vải vóc, tiền bạc, yên ngựa, dê và ngựa, nhưng buộc ông phải sang triều đình Mông Cổ triều kiến giống như vua Trần Thánh Tông của Đại Việt.

Đầu năm 1280, Hốt Tất Liệt cử một sứ bộ sang Vương quốc Champa, yêu cầu vua Indravarman phải đích thân sang triều đình Mông Cổ triều kiến. Vua Indravarman cũng tỏ ý thần phục và gởi cống phẩm, nhưng Hốt Tất Liệt không hài lòng, đến cuối năm 1280 cử Meng Suan-yuan sang Vương quốc Champa yêu cầu vua Indravarman phải cử một trong những người con trai của ông và vài vị quan Chămpa sang triều đình Mông Cổ. Vua Indravarman phải cử nhiều sứ bộ sang triều đình Mông Cổ.

Sagatou (Toa Đô) và Lieou Chen (Lưu Thâm) được Hốt Tất Liệt cử sang Champa để chia Vương quốc Champa thành nhiều vùng miền để dễ bình định, và hai người này về thực chất là những phó vương thay mặt vua Indravarman cai trị Chămpa. Vua Indravarman già yếu đã chịu nhường quyền cho Toa Đô và Lưu Thâm, nhưng thái tử Harijit, con trai ông, mà sử sách Trung Quốc gọi là Pou Ti (Bổ Đích) lại không chịu khuất phục. Sự bất mãn của người dân Champa ngày càng tăng nên Sagatou (Toa Đô) và Lieou Chen (Lưu Thâm) lo cho sự an nguy của bản thân, đã phải trở về triều đình Mông Cổ. Ngay lập tức, Hốt Tất Liệt huy động 5000 quân, 100 chiếc ghe và 250 chiến thuyền, giao cho Sagatou nhiệm vụ chinh phạt Champa vào ngày 16 tháng 7 năm 1282. Hốt Tất Liệt còn có một lý do để nhanh chóng đốc thúc Sagatou chinh phạt Champa vì những sứ thần ông ta cử sang Xiêm La và Ma’abar đã bị người Chăm bắt giữ khi họ vừa đặt chân lên bờ biển của Vương quốc Champa. Tuy nhiên Hốt Tất Liệt vẫn rất khôn khéo, đã ban vải vóc cho một sứ thần Champa sang triều đình Mông Cổ và trấn an vua Indravarman rằng ông ta sẽ chỉ trừng trị thái tử Harijit.

Vào tuần trăng thứ 11, Sagatou (Toa Đô), giờ đây đã mang danh hiệu “tổng đốc tỉnh Champa”, không được phép đi ngang qua lãnh thổ Đại Việt, đã cho quân lính trên các chiến thuyền đổ bộ lên Champa, lập trại chỉ huy trên bờ biển. Quân Champa cố thủ ở 4 phía của thành Mou-tcheng (Thành gỗ) và 1 dặm về phía Tây Mou-tcheng; thái tử Harijit chỉ huy một lực lượng viện binh. Trước khi giao chiến, Sagatou muốn đàm phán, cử hai người sang phe Champa đề xuất 7 yêu cầu, nhưng chẳng có yêu cầu nào được đáp ứng. Người Champa chỉ gởi cho Sagatou một bức thư nói rằng thành Mou-tcheng vừa được sửa chữa lại, rằng quân Champa ở đây rất đông và ấn định ngày gặp gỡ vào tháng giêng năm 1283. Sagatou ra lệnh cho quân lính của mình tấn công vào đêm rằm tháng giêng năm 1283, Tch’en Tchong-ta, Lieou Kin và Li Ts’uan chỉ huy 1600 quân đi ngược dòng sông, tấn công mặt Bắc của thành Mou-tcheng, Tchang Pin và Tcao Ta chỉ huy 300 quân tấn công mặt Đông và Cha Tsoueicheng-kouan chỉ huy 3000 quân tấn công mặt Nam. 10.000 quân Champa ra khỏi cổng thành cùng với hàng chục con voi trong tiếng trống trận, đã chiến đấu ngoan cường và cầm cự suốt 6 tiếng đồng hồ, nhưng cuối cùng phải rút lui. Quân Mông Cổ tràn vào thành, giết chết hàng vạn người Chàm. Vua Indravarman ra lệnh hành quyết sứ giả Mông Cổ Yong Hien-yi-lan, rời bỏ cung điện, rút lui lên miền núi. Ngày hôm sau, quân Mông Cổ chuần bị tiến chiếm kinh đô Vijaya (Chà Bàn, Bình Định hiện nay) của Vương quốc Champa. 3 ngày sau, vua Indravarman sai sứ giả tới gặp Sagatou xin thần phục. Lúc này Sagatou đang chiếm giữ mạn Đông Nam của kinh đô Vijaya, cho hay sẽ tha tội cho Indravarman nếu ông chịu thân hành đến cầu hòa. Sagatou cho đóng quân phía ngoài kinh đô Champa.

Nhưng vua Indravarman chẳng bao giờ muốn thân hành tới cầu hòa nên tìm kế hoãn binh, sai một người cậu đến gặp Sagatou, dâng nhiều phẩm vật và nói rằng ông bị bệnh nên không thể thân hành đến doanh trại của Mông Cổ và “con trưởng của nhà vua là Pou Ti sẽ đến quỳ lạy trước mặt ngài trong 3 ngày nữa”.

Thế nhưng thái tử Harijit cũng không muốn đến gặp Sagatou, đã cử 2 người em trai đến nói với ông ta rằng họ hay tin Harijit đã tử trận trong những ngày giao chiến với quân Mông Cổ, và vua Indravarman cũng bị trúng một mũi tên ngay cằm, nhưng nay vết thương đã lành… Các sứ giả của hai bên qua lại không ngớt, nhưng tình hình chẳng tiến triển bao nhiêu, từ miền núi vua Indravarman cho tập hợp trở lại những đạo quân Champa đã bị quân Mông Cổ đánh tan. Quân Mông Cổ phải chiến đấu trong hoàn cảnh rất gian khổ, phải chịu đựng khí hậu nóng bức, bị thiếu lương thực và bị nhiều dịch bệnh nên Hốt Tất Liệt cử một đạo quân hùng hậu mượn đường của Đại Việt sang chinh phạt Vương quốc Champa… Nhưng đạo quân Mông Cổ do Thoát Hoan chỉ huy bị quân Đại Việt đánh tan tác, Thoát Hoan phải chạy về nước. Vương quốc Champa đã thoát khỏi hiểm họa Mông Cổ trong khi người Mông Cổ đã hao tốn biết bao nhiêu nhân mạng và tiền của mà chẳng đạt được gì…

Vào năm 1288, khi Marco Polo đặt chân đến Vương quốc Champa, dường như vua Indravarman không còn trị vì nữa, có lẽ vì ông đã thoái vị hoặc có lẽ vì cuộc chiến mệt mỏi với quân Mông Cổ đã khiến cho thân thể già nua của ông bị kiệt sức. Con trai ông, thái tử Harijit, con của hoàng hậu Gaurendraksmi, mà người Trung Quốc gọi là Pou Ti (Bổ Đích) và người Đại Việt gọi là Chế Mân, đã lên ngôi với danh hiệu Jaya Sinhavarman, làm vua của đất nước mà ông đã nhân danh cha để cai quản từ lâu. Ông đã rất thành công trong tư cách thái tử nối ngôi, biết tận dụng những lợi ích do hòa bình đem lại và đảm bảo cho người dân Champa có cuộc sống yên lành suốt thời gian trị vì của mình…”

Tương truyền, cụm tháp Po Klong Garai được vua Chế Mân xây dựng để tỏ lòng biết ơn Po Klong Garai (1151 – 1205), vị vua anh hùng đã có nhiều công lao với đất nước Champa từ cuối thế kỷ XIII đến đầu thế kỷ XIV. Cụm tháp Po Klong Garai bao gồm 6 tháp, nhưng hiện nay chỉ còn 3 tháp nguyên vẹn là tháp Cổng, tháp Lửa và tháp Chính. Hầu hết các tháp đều được xây dựng bằng loại gạch nung đỏ sẫm kết dính lại với nhau bằng chất keo thực vật mà người dân địa phương gọi là dầu rái.

Tháp có hai cửa thông nhau theo trục Đông – Tây được gọi là tháp Cổng, có độ cao khoảng 8, 56 m và được chạm trổ hoa văn tỉ mỉ, công phu. Tháp Cổng được xây dựng theo nguyên tắc càng cao càng nhỏ dần, tạo thành đỉnh chóp ở phía trên cùng. Nơi đây cũng chính là cổng ra vào hành lễ, cúng tế và đón tiếp khách của vua.

Tháp Lửa có độ cao 9, 31 m, dài 8,18 m và rộng khoảng 5 m, được thiết kế theo tín ngưỡng Bà la môn với hai mái cong hình chiếc thuyền, khá giống những mái nhà rông truyền thống của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên. Tháp có 2 cửa thông nhau nằm ở hướng Đông – Bắc và phía Nam có một cửa sổ khá lớn. Theo sử sách, tháp Lửa là nơi cúng tế của các tu sĩ và cũng là nơi để long bào, đai mão, xiêm y và các vật dụng quan trọng của vua Champa.
Tháp Chính là kiến trúc trọng tâm của cụm tháp Po Klong Garai mang đậm sắc màu văn hóa, kiến trúc Champa. Tháp Chính cao khoảng 20, 5 m, được thiết kế theo nhiều tầng, quanh các góc tháp đều có các ụ ô vuông nhỏ gắn tượng đá thú và biểu tượng lửa. Tháp chỉ có một cửa chính mái vòm ở hướng Đông, có điêu khắc hình ảnh thần Shiva và có hai trụ đá lớn đỡ lấy mái khắc chữ Chăm cổ. Tháp này còn có 3 cửa giả tỏa ra 3 hướng Tây – Nam – Bắc, trụ ốp gạch lồi lõm được tạc tượng thần ở phía trong. Bên trong tháp có thờ tượng vua Po Klong Garai với biểu tượng Mukha – Linga.

HUỲNH DUY LỘC

Ảnh: cụm tháp Po Klong Garai với Tháp Chính và chân dung vua Jaya Sinhavarman III

Leave A Reply

Your email address will not be published.