Chúa Nguyễn Phúc Chu và việc thành lập thành phố Saigon – Gia Định (1698)

Huỳnh Duy Lộc

0 723

Sử gia K. W. Taylor viết về buổi đầu thành lập thành phố Saigon – Gia Định: “Rút kinh nghiệm từ việc xóa bỏ Vương quốc Champa và lập ra phủ Thuận Thành, năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu lập ra phủ Gia Định ở lưu vực sông Đồng Nai và sông Sài gòn. Bản doanh của phủ Gia Định là Saigon. Cư dân đến từ các tỉnh phía Bắc được đưa vào để tăng cường cư dân ở đây. Nhiều người là nông dân không có đất đai và không có sinh kế.

Theo tường thuật của các nhà truyền giáo, khoảng 10% cư dân Gia Định vào đầu thế kỷ XVIII là tín đồ Thiên Chúa giáo. Việc các tín đồ Thiên Chúa giáo là thành phần đáng kể của cư dân ở Gia Định được minh chứng bằng chỉ dụ gởi cho các viên quan ở Gia Định vào năm 1699, ra lệnh trục xuất các tín đồ Thiên Chúa giáo và các nhà truyền giáo châu Âu, nhưng lệnh này đã không được thi hành. Lệnh trục xuất này lại chỉ đưa tới việc nhiều cư dân người Việt chuyển đến những vùng đất gần sông Mekong. Các tín đồ Thiên Chúa giáo người Việt bị thu hút bởi vùng đất ở ngoại vi này vì nơi đây có nhiều tự do hơn giữa sự đa dạng về văn hóa của cộng đồng người Hoa, người Khmer và người Chàm. Nhiều cộng đồng Khmer với những người lãnh đạo Khmer vẫn tiếp tục tồn tại ở Gia Định. Cũng có những cộng đồng người Chàm dù rằng vào thời kỳ này phần lớn người Chàm ở bên ngoài phủ Bình Thuận tự đặt mình dưới sự bảo vệ của một vị vua Khmer.

Cư dân người Hoa ở Gia Định đã thay đổi do các lưu dân người Minh đã tập trung ở Chợ Lớn và nhiều lưu dân người Minh đến định cư tại Biên Hòa. Cư dân người Minh tại Mỹ Tho không bị chi phối bởi luật lệ của Gia Định nhưng vẫn gắn bó với những người cầm quyền ở Saigon. Trần Thượng Xuyên (thay Dương Ngạn Địch đã bị phó tướng Hoàng Tiến sát hại) chỉ huy lực lượng quân sự người Hoa đóng quân ở một vị trí tiền tiêu tại Mỹ Tho, gần nơi nhánh sông Mekong rẽ thành nhiều nhánh trước khi chảy ra biển. Bản doanh của ông đặt tại Vĩnh Long, giữa hai nhánh sông Mekong, ở một vị trí giúp ông kiểm soát tất cả mọi giao thương trên sông ở bên trong và bên ngoài Chân Lạp. Một trong những nhiệm vụ của ông là bảo vệ giao thương trên sông của người Hoa và người Việt.

Vua Chey Chéttha III đáp trả sự đã rồi khi Gia Định bị chúa Nguyễn Phúc Chu thâu tóm bằng việc chuẩn bị cuộc chiến và theo tường trình của Trần Thượng Xuyên, ông ta đã can thiệp vào hoạt động thương mại. Ngay tức khắc, chúa Nguyễn Phúc Chu cho tiến hành chiến dịch quân sự. Năm 1700, Trần Thượng Xuyên dẫn đội quân tiên phong đi trước đạo quân do Nguyễn Hữu Cảnh chỉ huy, chiếm kinh đô Phnom Penh, buộc vua Chey Chéttha III phải bỏ chạy. Con rể của Chey Chéttha III là Ang Im, con trai của An Nang, lúc đầu chống lại lực lượng của Phú Xuân rồi sau đó đầu hàng Nguyễn Hữu Cảnh, được người Việt lập làm vua Chân Lạp…” (A History of the Vietnamese, tr. 322, 323)

“Đại Nam chính biên liệt truyện” chép về những chiến dịch quân sự của Nguyễn Hữu Kính (Nguyễn Hữu Cảnh): “Hiển Tông Hoàng đế (Nguyễn Phúc Chu) năm đầu Nhâm Thân (1692), vua Chiêm Thành là Bà Tranh làm phản, lấn cướp Diên Ninh (sau này đổi là Diên Khánh thuộc Khánh Hòa). Chúa cho Hữu Cảnh làm Thống binh cùng với Tham mưu Nguyễn Đình Quang đem quân tiến đánh phá được quân Chiêm, bắt Bà Tranh đem về, đổi nước ấy làm trấn Thuận Thành. Bấy giờ người của Bà Tranh là A Ba dụ dỗ đám quần chúng còn sót của Thuận Thành làm loạn. Hữu Cảnh lại dẹp yên, được thăng Chưởng cơ, lĩnh Trấn thủ doanh Bình Khang.

Năm Mậu Dần (1698) mùa xuân, chúa sai Hữu Cảnh làm Thống suất, đem quân đi kinh lược Chân Lạp, lấy đất Đông Phố, đặt làm phủ Gia Định, phân chia đất ấy, lấy Đồng Nai làm huyện Phước Long, đặt doanh Trấn Biên (Biên Hoà), lấy Sài gòn làm huyện Tân Bình, dựng doanh Phiên Trấn. Mở đất nghìn dặm, dân được hơn 4 vạn hộ, bèn chiêu mộ lưu dân từ châu Bố Chính trở vào Nam cho ở đất ấy. Đặt xã, thôn, phường ấp, khai khẩn ruộng đất, định ngạch tô thuế, làm sổ đinh. Đến lúc về, Hữu Cảnh lại lĩnh trấn như cũ”.

Năm Kỷ Mão (1699) mùa thu, vua nước Chân Lạp là Nặc Thu làm phản. Tướng coi doanh Trấn Biên đem việc ấy tâu lên. Chúa lại sai Hữu Cảnh làm Thống suất đi đánh.

Năm Canh Thìn (1700) mùa xuân, Hữu Cảnh đến nơi, bày trận ở Ngư Khê, đắp lũy Hoa Phong, sai người xem tình hình hư thực, chia đường tiến đánh đến sát lũy Bích Đôi (Gò Biếc) phủ Nam Vang. Nặc Thu đón đánh. Hữu Cảnh mặc nhung phục, đứng đầu thuyền, đốc thúc chư quân đánh gấp. Nặc Thu sợ chạy. Nặc Yêm ra hàng. Hữu Cảnh vào thành vỗ yên nhân dân. Nặc Thu cũng đến quân dinh xin hàng, Hữu Cảnh với lòng thành thực vỗ về yên ủi. Cho Nặc Thu về thành La Bích chiêu tập lưu dân. Còn mình dẫn quân về bãi Sao Mộc, báo tin thắng trận”.

HUỲNH DUY LỘC

Ảnh: Saigon thế kỷ XIX và tượng Chúa Nguyễn Phúc Chu

Leave A Reply

Your email address will not be published.