Công ty Michelin- từ chiếm hữu thuộc địa đến quay lại Việt Nam đánh giá ẩm thực

TVN

0 226

Năm 1889, tại miền Trung nước Pháp, công ty Michelin ra đời. Năm 1917 Michelin tiên phong trong việc chế tạo lốp xe trên thế giới và vươn lên trở thành một trong những nhà sản xuất lốp xe hàng đầu thế giới. Góp phần cho thành công đó là những đồn điền cao su Michelin rất lớn ở vùng Nam kỳ của Việt Nam lúc đó là thuộc địa của Pháp, cung cấp hàng chục nghìn tấn cao su mỗi năm cho nhà máy ở chính quốc.

Công ty các đồn điền cao su Michelin (Société des Plantations et Pneumatiques Michelin au Vietnam) thành lập năm 1917, đặt trụ sở tại Dầu Tiếng thuộc tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương), văn phòng tại số 180 đường Chasseloup Laubat, nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai (Sài Gòn). Đến năm 1925, Michelin thành lập thêm đồn điền Phú Riềng, nay là xã Thuận Phú (huyện Đồng Phú, Bình Phước). Đến năm 1930, số lượng công nhân của Michelin đạt đến gần 10.000 người. Đến năm 1943, Michelin chiếm 7% toàn bộ diện tích cao su khai thác và sản lượng bằng 11% tổng sản lượng toàn Đông Dương.

Diện tích cao su của đồn điền Dầu Tiếng đã từng đạt lên đến hơn 9.200ha, cùng với 7.000ha cao su tại đồn điền Phú Riềng và Thuận Lợi, Michelin trở thành một trong bốn công ty khai thác cao su lớn nhất của Pháp tại Việt Nam thời bấy giờ, nhưng cũng là công ty có nhiều tai tiếng nhất về sự ngược đãi công nhân bởi các cai thợ, vi phạm luật lao động do chính quyền Pháp ở Đông Dương ban hành.

Những năm đầu mới thành lập, công ty Michelin sử dụng lao động nhàn rỗi trong nông dân, những người “bán công, bán nông”. Lực lượng này tuy đông nhưng thái độ và thời gian làm việc không ổn định. Vì họ là nông dân tại chỗ, những ngày giáp hạt, thiếu ăn họ vào đồn điền làm công, đến mùa vụ họ trở về với mảnh đất khu vườn của gia đình để sinh nhai.

Những năm sau đó, nhu cầu nhân công càng ngày càng tăng và cấp bách, nên Michelin tuyển phu từ nơi khác đến. Để tránh tranh chấp với các công ty lớn mạnh khác, Michelin tìm nguồn nhân công từ các tỉnh phía Bắc, hoặc mua lại phu của những công ty khác dư thừa. Do tập trung phu từ nhiều nguồn, nên công tác quản lý phu gặp khó khăn. Từ năm 1926 đến năm 1954, chủ đồn điền chiêu mộ được 260.000 người.

Để không cho phu bỏ trốn hoặc bỏ giao kèo, giới chủ quản lý phu rất khắc nghiệt. Công ty các đồn điền cao su Michelin nổi tiếng do thái độ đối xử vô nhân đạo với công nhân và là nơi xảy ra liên tục những cuộc đấu tranh của công nhân chống giới chủ dẫn đến bạo động.

Tin tức về những cuộc đối kháng và đời sống của các phu ở các đồn điền cao su, nhất là từ các đồn điền ở Cam Tiên và công ty Michelin ở Phú Riềng đã được lan truyền từ Nam kỳ tới Pháp, buộc chính quyền phải có giải pháp để giải quyết các vấn đề lao động do các công ty cao su gây ra. Năm 1927, Toàn quyền Đông Dương Alexandre Varanne thuộc đảng Xã hội Pháp đã ra nghị định ngày 25/10/1927 với luật lao động mới, thiết lập bộ phận Tổng thanh tra lao động có trách nhiệm kiểm tra tình hình lao động ở các đồn điền, điều kiện lương bổng và lập ra sổ tiết kiệm cho các công nhân đồn điền.

Tiêu chuẩn luật lao động mới là làm việc nhiều nhất 10 giờ mỗi ngày với các điều kiện vệ sinh tối thiểu và kiểm tra sức khỏe định kỳ, Tết được nghỉ 4 ngày, nghỉ ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch và ngày rằm tháng 7 âm lịch. Phụ nữ sau khi sinh con được nghỉ một tháng có hưởng lương. Luật được áp dụng từ đầu năm 1928, thí dụ như ở đồn điền Long Thành, những phu đồn điền ngoài chỗ ở, mỗi ngày có phần cơm 700g và lương từ 40-60 xu mỗi ngày, săn sóc y tế miễn phí cho họ và gia đình.

Tuyển dụng công nhân cao su

Ngoài ra, mỗi công nhân có sổ tiết kiệm, theo đó 5% lương công nhân được trích ra, cộng với số tiền tương đương mà chủ phải bỏ ra để cho vào quỹ tiết kiệm gửi ở bưu điện. Trên sổ tiết kiệm của công nhân sẽ được gắn các con tem (được gọi là tem pécule do bưu điện phát hành) trị giá tương đương với số tiền gửi. Khi hết hợp đồng (được quy định tiêu chuẩn là 3 năm), công nhân đến bưu cục lãnh ra số tiền từ sổ tiết kiệm pécule của mình. Đây là một hệ thống tiết kiệm phúc lợi công nhân độc đáo duy nhất chỉ có ở Đông Dương, bắt đầu từ năm 1927 cho đến khoảng 1945.

Sau cuộc đấu tranh lớn công nhân đồn điền Phú Riềng lần đó, công ty Michelin cho sáp nhập hai đồn điền Phú Riềng và Thuận Lợi, lấy tên là đồn điền Thuận lợi, xóa bỏ tên đồn điền Phú Riềng mục đích là để người ta quên đi vụ việc tai tiếng, xoa dịu dư luận. Sau khi quân đội Pháp rút khỏi Đông Dương năm 1954, các công ty Pháp như Michelin vẫn còn hoạt động ở miền Nam cho tới năm 1975. Sau năm 1975, đồn điền Michelin bị quốc hữu hóa thành Nông trường Quốc doanh Cao su Dầu Tiếng. Đến năm 1981 chuyển thành Công ty cao su Dầu Tiếng. Cùng với đó, hãng lốp xe Michelin cũng quay lại Việt Nam để bắt đầu công việc kinh doanh mới với một công ty con là Công ty TNHH Michelin Việt Nam thành lập vài tháng 10/2009.

Hiện nay, Michelin còn nổi tiếng với việc đánh giá ẩm thực trên khắp thế giới. Xếp hạng Sao Michelin (Michelin Star Rating) không chỉ trở thành chuẩn mực đánh giá cho các cơ sở ẩm thực chất lượng mà còn là một kế hoạch thông minh để người Pháp khai phá thị trường của riêng mình.

Bắt đầu từ những khởi đầu khiêm tốn ở Pháp, hệ thống Sao Michelin hiện xếp hạng các nhà hàng ở 37 quốc gia trên thế giới ở Châu Âu, Châu Á, Bắc Mỹ và Nam Mỹ và vừa qua đã đưa 4 nhà hàng Việt Nam vào mục xếp hạng.

 

Leave A Reply

Your email address will not be published.