Hoạt động giáo dục thời chúa Nguyễn qua các khoa thi
Đỗ Kim Trường
Sau sự kiện Nguyễn Hoàng vào trấn nhậm Thuận Hóa năm 1558, cùng với hoạt động mở cõi về phương Nam, các chúa Nguyễn còn chú trọng hoạt động giáo dục nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho chính quyền thông qua các khoa thi với chiều dài lịch sử hơn 200 năm.
Chúa Nguyễn với các khoa thi
Chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa buổi đầu tập trung cho ổn định an ninh và khai hoang mở đất nên không có những hoạt động giáo dục. Hoạt động giáo dục thời chúa Nguyễn khởi từ Nguyễn Phúc Nguyên. Tháng 6 năm Nhâm Thân (1632), chúa Sãi bắt đầu cho thi hành phép duyệt tuyển. Theo đó, 6 năm một lần tuyển lớn và 3 năm một lần tuyển nhỏ. Trong kỳ tuyển lớn, tổ chức vào mùa xuân (cũng gọi Xuân vi quận thí), sĩ tử đến trấn, dinh thi một ngày. Nội dung gồm một bài thơ, một đạo văn sách. Sơ khảo do Tri phủ, Tri huyện, phúc khảo do Ký lục chấm. Người thi đỗ được bổ làm nhiêu học và cho 5 năm miễn thuế sai dư. Cùng với kỳ thi trên, còn có thi viết chữ Hán (tức thi Hoa văn). Người đỗ được cử vào làm việc tại Tam ty (gồm Xá sai, Lệnh sử và Tướng thần lại ty) [1]. Nhiêu học “là tên gọi để chỉ những học sinh, khóa sinh ở Đàng Trong đỗ kì sơ tuyển ở tỉnh, được miễn phu đài tạp dịch để theo học chuẩn bị thi Hương năm sau.” [2]Sai dư là “thuế thân, ngoài sự gánh vác sai dịch còn phải nộp.” [3]
Đến chúa Nguyễn Phúc Lan, thi cử được quy định chặt chẽ hơn. Thực lục ghi nhận như sau: “Bính tuất, năm thứ 11 [1646], … Định phép thi 9 năm một kỳ. Ra lệnh cho các học trò về khoa chính đồ và khoa hoa văn đều đến công phủ để ứng thí.” [4]
Chính đồ là khoa thi chọn người đỗ ra làm quan, Hoa văn chọn sĩ tử viết chữ tốt ra làm lại. Chúa Thượng định lệ như sau: “Chính đồ thi 3 ngày, ngày thứ nhất thi tứ lục, ngày thứ nhì thi thơ phú, ngày thứ ba thi văn sách. Lấy văn chức, tri phủ, tri huyện làm sơ khảo, cai bạ, ký lục, nha úy làm giám khảo, nội tả, nội hữu, ngoại tả, ngoại hữu làm giám thị. Người thi trúng thì làm danh sách để tiến lên, định làm 3 hạng giáp, ất, bính. Hạng giáp là giám sinh, bổ tri phủ tri huyện; hạng ất làm sinh đồ, bổ huấn đạo; hạng bính cũng làm sinh đồ, bổ lễ sinh hoặc cho làm nhiêu học mãn đại.
Hoa văn thi 3 ngày, mỗi ngày đều viết một bài thơ. Người trúng cũng chia làm ba hạng, bổ làm việc ở ba ty Xá sai, Lệnh sử và Tướng thần lại và cho làm nhiêu học.” [5]
Theo đó, khoa thi Chính đồ thí sinh phải làm các bài tứ lục, thơ phú và văn sách. Tứ lục là thể loại mỗi câu chia làm 2 phần, trên 4 chữ, dưới 6 chữ hay ngược lại. [6]
Thơ phú gồm hai phần thơ và phú. Thơ có hai thể loại: Cổ phong (cũng gọi cổ thể) và Đường luật (hay cận thể). Thơ Cổ phong không có quy tắc nhất định về niêm luật bằng trắc, đối chọi, hay vần. Thơ Ðường luật gồm 8 câu, mỗi câu 7 chữ, đặt ra từ đời Ðường, có niêm luật, bố cục nhất định (còn gọi thất ngôn bát cú); Phú thoát thai từ Sở từ. Nội dung phô diễn, mô tả cảnh vật, tính tình, phong tục, nói thẳng ngay vào việc muốn nói, không dùng tỉ dụ. Câu đặt mấy chữ cũng được nhưng hai câu liền nhau phải đối nhau. Phú có hai loại Cổ thể và Đường luật. Phú Cổ thể gồm Ly tao và Văn tuyển. Phú Đường luật thông dụng hơn, có quy luật nhất định, gồm các luật vần, bằng trắc và cách đặt câu [7].
Văn sách là môn quan trọng nhất của mỗi khoa thi. Sách có nghĩa nội hàm là mưu kế, hoạch định, mở rộng ra về chính trị, quân sự, trách nhiệm của vua quan, phép sử dụng nhân tài, tác dụng của học hành, giáo hóa. Văn sách gồm hai phần: Cổ văn hỏi các điển tích trong kinh sử thời xưa,Kim văn hỏi tình thế đương thời so với đời xưa.Ðề mục có hai loại: Văn sách đạo hỏi riêng từng việc trong lịch sử, mỗi câu hỏi là một “đạo”. Văn sách mục hỏi về một hay nhiều vấn đề. [8]
Giáo dục ở Ðàng Trong ghi nhận Nguyễn Phúc Lan (1635-1648) là vị chúa đầu tiên mở khoa thi. Thực lục chép: “Đinh hợi, năm thứ 12 [1647], mùa thu, tháng 8, bắt đầu mở khoa thi, lấy được 7 người đỗ trúng cách về chính đồ, 24 người trúng cách về hoa văn, đều bổ dụng cả.”[9]
Chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) mở khoa Canh Tý (1660), Đinh Mùi (1667), Ất Mão (1675), Kỷ Mùi (1679), Quý Hợi (1683). Đặc biệt, khoa Ất Mão (1675) ngoài Chính đồ và Hoa văn, lần đầu tiên thi Thám phỏng với nội dung hỏi về tình trạng binh dân và việc Lê Trịnh. [10]
Chúa Nguyễn Phúc Trăn (1687-1691) duyệt tuyển năm Kỷ Tỵ (1689). [11]
Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), mở các khoa Giáp Tuất (1694), Ất Hợi (1695), Tân Tỵ (1701), Đinh Hợi (1707), Quý Tỵ (1713), Tân Sửu (1721), Quý Mão (1723). Trong 7 khoa thi trên, đặc biệt ở năm 1695, chúa Nguyễn mở đến hai kỳ thi: tháng 3 và tháng 8. Kỳ tháng 8, thi tại sân phủ nên đây là kỳ thi Đình đầu tiên ở Đàng Trong. [12] Khoa Quý Tỵ (1713), tổ chức 2 kỳ thi: tháng 4 và tháng 8.
Chúa Nguyễn Phúc Chú (1725-1738), không tổ chức khoa thi.
Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), định lại phép thi, không tổ chức khoa thi.
Chúa Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777) tổ chức khoa thi Mậu Tý (1768). Đây là kỳ thi Hương đầu tiên ở Đàng Trong, tuy nhiên không thấy ghi số người thi đỗ. [13]
*Tổng cộng
– Duyệt tuyển, Định phép thi: 7
– Khoa thi: 14
– Chính đồ: 309 người
– Hoa văn: 297 người
– Thám phỏng: 27 người
Lời kết
Từ khi chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa đến Nguyễn Phúc Thuần là 219 năm (1558 – 1777). Trong 9 chúa, Nguyễn Phúc Nguyên là người đầu tiên định phép duyệt tuyển, lệ 6 năm một lần. Nguyễn Phúc Lan quy định thi cử 9 năm một lần. Nguyễn Phúc Tần thêm kỳ thi Thám phỏng. Nguyễn Phúc Chu định phép thi Đình. Nguyễn Phúc Thuần quy định lệ thi Hương.
Hoạt động giáo dục thời chúa Nguyễn ghi nhận ngoài 7 lần duyệt tuyên, định phép thi, có 14 khoa thi, số người đỗ 633. Trong đó Chính đồ 309, Hoa văn 279, Thám phỏng 27.
Thời chúa Nguyễn Phúc Chu có số khoa thi nhiều nhất 7 khoa, trong đó năm Quý Tỵ (1713) thi 2 kỳ. Nguyễn Phúc Tần 4 khoa. Các chúa Phúc Lan, Phúc Thuần đều 1 khoa. Không thấy sử liệu ghi chép khoa thi hoặc người đỗ thời chúa Nguyễn Hoàng, Phúc Nguyên, Phúc Trăn, Phúc Chú và Phúc Khoát.
Với 133 người đỗ Chính đồ và 92 người đỗ Hoa văn năm Giáp Tuất (1694) đây là khoa thi đỗ nhiều nhất ở một kỳ thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Khoa thi này cũng chiếm kỷ lục về số thi đỗ với tổng cộng 225 người.
Các hoạt động giáo dục thời chúa Nguyễn cho thấy chính sách ngày càng chặt chẽ, bắt đầu định phép duyệt tuyển, lệ thi 6 năm sau nâng lên 9 năm, từ 2 loại Chính đồ và Hoa văn thêm Thám phỏng, từ thi Hương đến thi Đình, số người đỗ ngày càng nhiều.
Trong bối cảnh vừa tiến hành công cuộc mở đất, vừa đối chọi với các cuộc chiến tranh cùng chúa Trịnh và phong trào Tây Sơn, các âm mưu can thiệp nhằm gây ảnh hưởng lên Chân Lạp của triều đình Xiêm La, các chúa Nguyễn vẫn chú trọng tổ chức các khoa thi. Hiện nay chưa có tài liệu tra cứu những người thi đỗ các khoa thời chúa Nguyễn nhưng qua đó chứng tỏ tầm nhìn và nhận thức tích cực về vai trò của giáo dục, nhằm bổ sung nguồn nhân lực cho bộ máy chính quyền, thực hiện các quyết sách hoạch định vùng đất phương Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, Tập một, Nxb Giáo dục.
2. Bùi Thiết (2017), Từ điển vua chúa Việt Nam, Nxb Dân trí-Cty TNHH Văn hóa Đông Tây.
3. Đinh Văn Niêm (2014), Thi cử, học vị, học hàm dưới các triều đại phong kiến Việt Nam, Nxb Lao động-Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây.
4. Nguyễn Q. Thắng (2005), Khoa cử & Giáo dục Việt Nam, Nxb Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh.
5. Đại Việt sử kí tục biên (1676-1789), Nxb Hồng Bàng-Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây.
6. Nguyễn Thị Chân Quỳnh, Khoa cử Việt Nam – Thi Hương,
http://chimviet.free.fr/vanhoc/chquynh/thihuong/Ph3%20Ch3%20%20CAC%20THE%20VAN.htm
————————————-
[1] Xin xem: Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, Tập một, Nxb Giáo dục, tr 49.
[2] Bùi Thiết (2017), Từ điển vua chúa Việt Nam, Nxb Dân trí – Cty TNHH Văn hóa Đông Tây, tr 267.
[3] Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Sđd, tr 31.
[4] Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Sđd, tr 56.
[5] Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Sđd, tr 56 – 57.
[6] Ví dụ: “Sớm chiều lo sợ, một lòng kính cẩn ban đầu. Công việc thi hành, trăm mối tính lo cất nhắc” Chiếu vua Minh Mệnh khuyên thần dân vào đầu năm, Dương Quảng Hàm, Văn học sử yếu, tr 100 – 101, dẫn theo Nguyễn Thị Chân Quỳnh, Khoa cử Việt Nam – Thi Hương, http://chimviet.free.fr/vanhoc/chquynh/thihuong/Ph3%20Ch3%20-%20CAC%20THE%20VAN.htm
[7] Nguyễn Thị Chân Quỳnh, Khoa cử Việt Nam – Thi Hương, Sđd.
[8] Nguyễn Thị Chân Quỳnh, Khoa cử Việt Nam – Thi Hương, Sđd.
[9] Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Sđd, tr 57; Đinh Văn Niêm (2014), Thi cử, học vị, học hàm dưới các triều đại phong kiến Việt Nam, Nxb Lao động-Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, tr 389. Nguyễn Q. Thắng có sai sót khi viết “Năm Đinh hợi (1674) chúa Nguyễn mở khoa thi Chính đồ và Hoa văn”. Đinh Hợi là năm 1647 không phải 1674. xem: Nguyễn Q. Thắng (2005), Khoa cử & Giáo dục Việt Nam, Nxb Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh, tr 47.
[10] Xin xem: Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Sđd, tr 75, 81, 89, 93; Định Văn Niêm (2014), Sđd, tr 389. Đinh Văn Niêm có sai sót khi ghi khoa Ất Mão (1675): “Ra lệnh chỉ thi học trò Chính đồ, học trò Hoa văn không được dự … Chúa không nghe.” Sđd, tr 389. Nội dung này Thực lục chép ở năm Kỷ Mùi (1679) không phải năm Ất Mão (1675). Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Sđd, tr 91.
[11] Xin xem: Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Sđd, tr 108; Định Văn Niêm (2014), Sđd, tr 390.
[12] Xin xem: Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Sđd, tr 109 – 110; Định Văn Niêm (2014), Sđd, tr 390. Đinh Văn Niêm có sai sót khi chép khoa Tân Sửu (1721) và khoa Quý Mão (1723) do chúa Nguyễn Phúc Chú tổ chức. Đúng ra là chúa Nguyễn Phúc Chu. Xin xem: Đinh Văn Niêm (2014) Sđd, tr 391.
[13] Xin xem: Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Sđd, tr 172; Định Văn Niêm (2014), Sđd, tr 392; Đại Việt sử kí tục biên (1676 – 1789), Nxb Hồng Bàng-Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, tr 316.