Lịch sử Lycée Chasseloup – Laubat (về sau là Lycée Jean-Jacques Rousseau và Trường trung học Lê Quý Đôn)
Huỳnh Duy Lộc
Trường trung học Lê Quý Đôn ở quận 3 TP.HCM sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 150 năm thành lập vào ngày 18 tháng 1 năm 2025. Trường được thành lập theo nghị định ký năm 1874, nhưng không hiểu dựa vào đâu mà Ban giám hiệu lại cho rằng trường được thành lập năm 1875 để tổ chức lễ kỷ niệm vào tháng 1 năm 2025?
École normale indigène (Trường Sư phạm bản xứ) được thành lập theo nghị định ký ngày 10 tháng 7 năm 1871, nhưng ngôi trường được xây cất ở địa điểm này là Collège indigène de Saïgon (Trường bản xứ Saigon) được thành lập theo nghị định ký ngày 14 tháng 11 năm 1874. Công việc xây cất được tiến hành khẩn trương ở ngã tư đường Chasseloup Laubat (đường Nguyễn Thị Minh Khai hiện nay) và đường Nam Phương hoàng hậu (Nam Kỳ Khởi nghĩa hiện nay) gần chùa Barbé (Bảo tàng Chứng tích chiến tranh hiện nay). Honoré Wattebled, vị hiệu trưởng sáng lập trường, và đội ngũ giáo viên châu Âu muốn đào tạo theo một chương trình 3 năm “các học sinh An Nam xuất thân từ những gia đình danh giá” với mục tiêu cung cấp những người phiên dịch và những viên chức cho các cơ quan công quyền, các kỹ sư cầu cống, các nhân viên địa chính và bưu điện. Các học sinh tốt nghiệp hạng ưu ở trường có thể nhận học bổng để du học ở nước ngoài và “hằng năm những học sinh An Nam xuất sắc nhất sẽ được đưa đến thành phố Marseille của Pháp bằng chi phí của thuộc địa để hoàn tất việc học”.
Vào năm 1877, Collège indigène được đặt tên giống như con đường phía trước là François, Marquis de Chasseloup-Laubat (1754-1833), vị tướng và kỹ sư công binh của Pháp. Đến năm 1879, Collège Chasseloup-Laubat có 83 học sinh, và sau khi Collège d’Adran đóng cửa vào năm ấy, nó đã trở thành một trường trung học có quy chế giống như Collège de Mytho (Trường trung học Mỹ Tho). Các học sinh Pháp đầu tiên được nhận vào trường vào năm 1880 và ngay sau đó, các phòng ốc trong khuôn viên trường được nâng cấp để học sinh Pháp và học sinh An Nam có thể học ở 2 khu riêng biệt: Quartier Européen (khu Châu Âu) dành cho các học sinh Pháp và “Quartier Indigène” (khu Bản xứ) dành cho các học sinh An Nam được ngǎn cách bằng những bếp ăn, nhà tắm, hồ bơi và những lối đi riêng. Các công trình kiến trúc còn lại đến nay đã được xây dựng vào thời kỳ này theo phong cách kiến trúc của một trường trung học công lập của Pháp với rất ít nỗ lực thích nghi với khí hậu nhiệt đới nóng bức ngoài những hành lang thoáng mát và trần nhà cao.
Những năm sau đó, số học sinh tăng dần từ 180 vào năm 1884 lên 200 vào năm 1903 và 290 vào năm 1924. Tuy nhiên vào đầu thập niên 1920, số học sinh châu Âu không tới 50 vì chương trình học tại đây không đầy đủ, các học sinh Pháp và An Nam phải ra Bắc Kỳ hoàn tất việc học để thi tú tài. Sự thiếu vắng một nền giáo dục cho các học sinh châu Âu ở Nam kỳ đã được ghi nhận bởi Toàn quyền Paul Beau (1902-1908): “Vấn đề này cần được chúng ta quan tâm vì nó liên quan tới tương lai của thuộc địa của chúng ta”. Tuy nhiên phải đến năm 1924, chương trình học ở Collège Chasseloup-Laubat mới được hoàn thiện để học sinh có thể thi tú tài tại Sài gòn. Năm 1924 ấy, trường cũng bắt đầu thâu nhận những học sinh châu Âu và An Nam có năng khiếu từ 9 tới 12 tuổi qua một kỳ thi tuyển.
Các sinh viên, học sinh An Nam có vai trò tích cực trong phong trào chống thực dân Pháp vào năm 1926 và Collège Chasseloup-Laubat đã trở thành một trong những điểm nóng. Phong trào lên đến đỉnh điểm vào ngày 4 tháng 4 năm 1926, ngày tang lễ của Phan Châu Trinh, các học sinh của Collège Chasseloup-Laubat đã viết lên bảng đen 4 chữ ABLF (À Bas Les Français – Đả đảo người Pháp!) và tham gia phong trào bãi khóa của sinh viên, học sinh tại Sài gòn.
Tờ nhật báo L’Éveil économique de l’Indochine đã viết: “Thật đáng tiếc khi các cơ sở giáo dục ưu tú của Pháp và bản xứ bị tác động ghê gớm như vậy. Tình trạng vô kỷ luật trong trường học, hình thái vô kỷ luật nền tảng, là điều không thể chấp nhận được!”
Năm 1927, Collège Chasseloup-Laubat được nâng cấp để trở thành trường trung học công lập mang tên Lycée Chasseloup-Laubat. Tháng 11 năm ấy, 200 học sinh bản xứ được chuyển qua Collège de Chợ Quán, một phân hiệu của Lycée Chasseloup-Laubat. Tuy nhiên đến tháng 8 năm 1928, Collège de Chợ Quán cũng trở thành một trường trung học lấy tên Lycée Pétrus Ký.
Vào cuối thời kỳ Pháp thuộc, Lycée Chasseloup-Laubat đã là một trường trung học danh tiếng đào tạo những học sinh về sau có tên tuổi như Trần Văn Giàu (1911-2010), nhà văn Marguerite Duras (1914-1996), tướng Dương Văn Minh (1916-2001), Quốc vương Norodom Sihanouk của Cambodia (1922-2012) và học giả Vương Hồng Sển (1926-1996). Khi phát xít Nhật chiếm Đông Dương, trường trở thành nơi tạm cư của những người tị nạn. Sau khi thực dân Pháp rời Đông Dương, trường vẫn do người Pháp điều hành, nhưng đến năm 1958 đã đổi tên thành Lycée Jean-Jacques Rousseau. Năm 1970, trường được chuyển giao cho Bộ Giáo dục miền Nam và đổi tên thành Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn.
HUỲNH DUY LỘC
(Dịch bài “Old Saigon Building of the Week – Former Lycée Chasseloup-Laubat, 1877” của anh Tim Doling)