Stanley Karnow và trang cuối cùng của “Vietnam, a history”

Huỳnh Duy Lộc

0 836

Stanley Karnow sinh ngày 4 tháng 2 năm 1925 tại Brooklyn, New York, là nhà báo Mỹ đã đến Việt Nam từ tháng 7 năm 1959, theo sát mọi diễn biến của Việt Nam từ năm 1959 tới năm 1974 trong nhiều lãnh vực, từ chính trường đến chiến trường và mọi sinh hoạt của xã hội. Sau một thời gian phục vụ trong Không lực Mỹ tại Trung Quốc, Miến Điện và Ấn Độ trong Thế chiến thứ hai, ông trở về Mỹ học cử nhân ở Đại học Harvard và sau khi tốt nghiệp vào năm 1947, ông đã sang Pháp trong 2 năm để học chính trị học ở Institut d’Études Politiques của Đại học Sorbonne.

Ông vào nghề báo vào năm 1950 với tư cách là phóng viên của tạp chí Time ở Paris. Sau khi viết nhiều bài phóng sự về châu Âu, Trung Đông và châu Phi, ông được cử sang châu Á tường thuật mọi diễn biến từ năm 1959 tới năm 1974 cho nhiều tờ báo và hãng thông tấn như Time, Life, Saturday Evening Post, London Observer, The Washington Post và NBC News. Ông đã có mặt ở Việt Nam từ tháng 7 năm 1959, khi những người Mỹ đầu tiên chết trong cuộc chiến, và suốt 15 năm sau đó có điều kiện để theo dõi ở cự ly gần tình hình chính trị và quân sự của miền Nam Việt Nam. Ông có tên trong danh sách đen gồm những kẻ thù nghịch với Tổng thống Richard Nixon và thời gian này cũng là lúc ông khởi thảo cuốn sách “Vietnam, a history” ra mắt vào năm 1983.

Sau khi trở về Mỹ vào năm 1974 và khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc vào tháng 4 năm 1975, ông chịu trách nhiệm chính về nội dung của loạt phim truyền hình “Vietnam: A Television History” (Việt Nam, một thiên sử truyền hình) chiếu trên PBS’s American Experience, loạt phim giành được 6 giải Emmy cùng với các giải thưởng như Peabody Award, George Polk Award và DuPont-Columbia Award. Năm 1990, ông được trao giải Pulitzer với tác phẩm “In Our Image: America’s Empire in the Philippines”. Ngoài những cuốn sách nổi tiếng như “Vietnam, a history” và cuốn sách được giải Pulitzer, ông còn viết những cuốn sách như “Mao and China: From Revolution to Revolution” và “Paris in the Fifties” (1997), một cuốn hồi ký về thập niên 1950 ở Paris.
Sau khi ly dị với người vợ đầu là nhà báo nữ người Pháp Claude Sarraute, năm 1959, ông kết hôn với nữ nghệ sĩ Annette Kline khi ấy đang làm tùy viên văn hóa ở Đại sứ quán Mỹ tại Angiers. Bà Annette Kline mất vì bệnh ung thư vào năm 2009 và ông từ trần 4 năm sau đó vì bệnh tim vào ngày 27 tháng 1 năm 2013 ở tuổi 87 tại Potomac, Maryland.

Bản pdf “Vietnam, a history”: https://p303.zlibcdn.com/…/365b61c3741ef3ff8b754b23b004…

Trang cuối cùng của “Vietnam, a history” của Stanley Karnow cũng là trang về ngày khép lại cuộc chiến:
“Đại tá Bùi Tín, phó tổng biên tập báo Quân Đội Nhân Dân, tờ báo quân đội của miền Bắc, đã là phóng viên tường thuật Chiến dịch Hồ Chí Minh. Khi hay tin Ban Mê Thuột, Đà Nẵng và Xuân Lộc đã được giải phóng, ông rất háo hức muốn được nhìn thấy ngày giải phóng Sài gòn nên đã đi theo đoàn chiến xa tới Biên Hòa. Giờ đây, tiến vào Dinh Độc Lập trên một chiếc xe tăng, ông chuẩn bị đóng một vai trò kép.

Với tư cách một nhà báo, ông muốn tường thuật việc đầu hàng của Chính phủ Dương Văn Minh. Nhưng với tư cách một sĩ quan cấp cao của đơn vị bộ đội, nhiệm vụ đầu tiên của ông là tiếp nhận sự đầu hàng. “Tôi đã chờ từ sáng sớm hôm nay để chuyển giao quyền lực cho các anh”, tướng Dương Văn Minh nói với Bùi Tín khi ông vừa bước vào phòng. Bùi Tín nói: “Không hề có vấn đề chuyển giao quyền lực. Quyền lực của các anh đã sụp đổ. Các anh không thể chuyển giao cái các anh đã không còn nữa”.

Một loạt tiếng súng vang lên ngoài sân và một vài bộ trưởng của tướng Minh có vẻ hoảng hốt. Sự hoảng hốt của họ là lý do khiến cho Bùi Tín phải nói vài lời vắn tắt: “Những người lính của chúng tôi chỉ đang bắn súng để mừng chiến thắng. Giữa những người Việt với nhau, không có những người chiến thắng và những người thất trận. Chỉ có đế quốc Mỹ bại trận. Nếu các anh cũng là người Việt, các anh phải coi giây phút này như giây phút mừng vui. Cuộc chiến trên đất nước chúng ta đã kết thúc”.

Ra khỏi phòng, Bùi Tín đi khắp Dinh cho tới khi tìm ra phòng làm việc của Tổng thống Thiệu. Ông ngồi vào bàn và khởi thảo bài tường thuật, ghi nơi ông đặt bút viết: “Dinh Tổng thống của ngụy quyền”. Giờ đây ở tuổi 50, ông đã theo Việt Minh 30 năm về trước. Ông đã chiến đấu như một người lính chính quy ở đồng bằng sông Hồng và ở Điện Biên Phủ, và ông cũng đã đi trên đường mòn Hồ Chí Minh dưới làn mưa bom của máy bay Mỹ. Mới 12 giờ trước, trên một cây cầu ở cửa ngõ Sài gòn, ông đã thoát chết trong một cuộc đấu súng của những chiếc xe tăng. Ông viết xong bài báo và dạo bước trong công viên phía sau Dinh Độc Lập. Nằm dài trên cỏ xanh, ông nhìn lên bầu trời, tâm hồn hết sức phấn khích”. (Vietnam, a history, tr. 669, 670)

HUỲNH DUY LỘC

Ảnh: Stanley Karnow, tác phẩm “Vietnam, a history”, Đại tá Bùi Tín (ở góc phải) với nội các của Tổng thống Dương Văn Minh ở Dinh Độc Lập trưa 30.4.1975

Leave A Reply

Your email address will not be published.