Tim Doling và khảo cứu về buổi ban đầu của Sài gòn

Huỳnh Duy Lộc

0 989

Tim Doling sinh ngày 1 tháng 2 năm 1956 tại Bristol (Anh), được đào tạo về chuyên ngành lịch sử Trung cổ, đã khởi đầu sự nghiệp trong lãnh vực văn hóa, điều hành các nhà hát và các trung tâm nghệ thuật ở Coleraine (Bắc Ireland), Horsham (Anh) và Hồng Kông, thực hiện các dự án văn hóa ở châu Á, châu Phi và châu Âu cho tổ chức UNESCO, Hội đồng Anh (British Council) và Visiting Arts. Từ thập niên 1990, anh sống chủ yếu ở Việt Nam, từ năm 1999 tới năm 2004 hợp tác với Bộ Văn hóa & Thông tin của Việt Nam để thực hiện dự án quản lý nghệ thuật ở 3 trường đại học tại Hà Nội do Quỹ Ford tài trợ. Vào thời gian này, anh cũng lập ra các trang web Visiting Arts Cultural Profile, trong đó trang Chân dung văn hóa Việt Nam, Cambodia và Lào rất được khen ngợi.

Tác giả Tim Doling

Tim Doling đã viết nhiều cuốn sách về Việt Nam như: “The railways and tramways of Vietnam” (Những đường sắt xe lửa và đưởng xe điện ở Việt Nam), “Exploring Quảng Nam – Hội An, Mỹ Sơn, Đà Nẵng and Tam Kỳ” (Khám phá Quảng Nam, Hội An, Mỹ Sơn, Đà Nẵng và Tam Kỳ), “Exploring Huế” (Khám phá Huế), “Exploring Ho Chi Minh City” (Khám phá Thành phố Hồ Chí Minh) và các sách hướng dẫn du lịch về miền Tây Bắc và Đông Bắc Việt Nam.

“Exploring Saigon – Chợ Lớn – Vanishing heritage of Ho Chi Minh City” ra mắt năm 2019 là tác phẩm khảo cứu về lịch sử thành phố Sài gòn – Chợ Lớn từ buổi ban đầu cho tới nay. “Exploring Saigon – Chợ Lớn” là ấn bản có sửa chữa và bổ sung tác phẩm “Exploring Ho Chi Minh City” ra mắt nhiều năm về trước.

Tim Doling đã viết về việc thành lập thành phố sau này sẽ mang tên Sài gòn: “Vào đầu thế kỷ 17, Sài gòn là một làng đánh cá nhỏ có tên là Prey Nokor, và cho đến những năm 1670, một uparaj (phó vương) Chân Lạp đặt bản doanh tại đây, được coi là phiên thuộc của vua Chân Lạp tại Oudong. Tuy nhiên đây cũng là lúc người Việt muốn có nhiều đất đai hơn để canh tác, để nuôi sống cư dân đông đảo hơn, đã tiến về phía Nam, thiết lập quyền kiểm soát vùng đất này bằng sức mạnh quân sự. Người đi tiên phong trong cuộc Nam tiến này là chúa Nguyễn Hoàng (1525-1623) ở Thuận Hóa, vị chúa đã xây dựng một đội quân hùng mạnh và chiếm lãnh thổ của người Chăm, đẩy họ lùi xa hơn về phía Nam, đến phía Nam Kauthara (Khánh Hòa) và Panduranga (Ninh Thuận). Dưới thời con trai ông là chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1615), những người dân đã gọi vùng đất mới chinh phục ở phía Nam là xứ Đàng Trong hay Nam Hà (phía Nam sông Gianh), làm đối trọng với Đàng Ngoài của chúa Trịnh hay Bắc Hà (phía Bắc sông Gianh).

Năm 1600, sau khi giúp chúa Trịnh Tùng tiêu diệt nhà Mạc, Nguyễn Hoàng trở về Đàng Trong và bắt đầu biến lãnh địa của mình thành một thực thể chính trị độc lập. Năm sau (1601), con trai ông là Nguyễn Phúc Nguyên được cử làm trấn thủ Dinh Quảng Nam và trong một bức thư gởi shogun (tướng quân) Nhật Bản Tokugawa Ieyasu, Nguyễn Phúc Nguyên đã tự xưng là “An Nam Quốc Thống binh Đô nguyên soái Thụy Quốc công”. Vào thời kỳ này, dù còn bị ngăn cách với miền Nam bởi lãnh thổ của Chămpa, các chúa Nguyễn đã để mắt tới vùng đất trù phú ở đồng bằng sông Cửu Long. Các chúa Nguyễn biết rằng những cuộc chiến liên miên đã khiến cho các vua chúa Chân Lạp suy yếu và luôn muốn tìm sự hỗ trợ để chống lại nước láng giềng hùng mạnh là nước Xiêm (Thái Lan).

Vào đầu những năm 1620, trong một nỗ lực thoát khỏi ảnh hưởng của Xiêm, vua Chân Lạp Chey Chetha II (Ponhea Nhom, 1618-1628) đã cầu hôn công nữ Nguyễn Phúc Thị Ngọc Vạn, trưởng nữ của chúa Nguyển Phúc Nguyên. Như một phần của thỏa ước hôn nhân, chúa Nguyễn được phép lập ra những trạm thu thuế ở Prey Nokor (Sài gòn) và Kas Krobey (Bà Rịa). Theo lời Louis Malleret, “vào năm Phật lịch 2167, tức năm 1623 Công nguyên, một sứ thần của Chúa Sãi đem quốc thư tới vua Cao Miên là Preas Cheychesda, với nội dung ngỏ ý muốn mượn xứ của Cao Miên để đặt trạm thu thuế thương chính ở Prey Nokor và Kas Krobey. Sau khi tham khảo ý kiến của các triều thần, Preas Cheychesda gởi quốc thư cho Chúa Sãi biết là ông đã chấp thuận yêu cầu…”

Từ năm 1625, nguồn thu từ các trạm thu thuế được dùng để trang trải chi phí định cư lưu dân ở 2 nơi này. Những năm sau đó, Prey Nokor, mà cư dân gọi là Bến Nghé, trở thành căn cứ từ đó các chúa Nguyễn mở rộng quyền lực tới vùng đất rộng lớn ở phía Nam…” (Exploring Saigon – Chợ Lớn, tr. 10, 12)

Thành Gia Định thứ nhất

Tim Doling đã viết về thành Gia Định thứ nhất và thành Gia Định thứ hai: “Trong cuộc chiến lâu dài chống lại anh em Tây Sơn, chúa Nguyễn Ánh quay sang nước Xiêm và sau đó quay sang nước Pháp để tìm sự trợ giúp về quân sự. Trong một cuộc gặp gỡ tình cờ với giám mục Pigneau de Béhaine, Nguyễn Ánh tranh thủ được lòng trung thành và lời hứa giúp đỡ của nhà truyền giáo này, và năm 1785, Pigneau de Béhaine đã đưa hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh sang Pháp với tư cách là “đặc sứ” để tìm sự trợ giúp về quân sự của vua Louis XVI. Dù rằng việc thực thi Hiệp ước Versailles (1787) bị hoãn lại vì Cách mạng Pháp bùng nổ vào năm 1789, Pigneau đã huy động được đủ tài chánh để mua vũ khí hiện đại và tuyển mộ được một số sĩ quan cố vấn người Pháp dẫn đầu bởi Philippe Vannier (tên Việt là Nguyễn Văn Chấn) và Jean-Baptiste Chaigneau (tên Việt là Nguyễn Văn Thắng). Sau khi chiếm lại được thành Gia Định vào năm 1788, Nguyễn Ánh chọn Bến Nghé làm kinh đô tạm thời và chính tại nơi này, các sĩ quan cố vấn người Pháp đã huấn luyện binh lính của ông theo những chiến thuật tân kỳ và dạy họ sử dụng vũ khí hạng nặng.

Có lẽ đóng góp được biết đến nhiều nhất của các sĩ quan cố vấn người Pháp vào thời kỳ này là việc thiết kế và xây dựng thành Gia Định thứ nhất để thay thế Dinh Phiên Trấn trước kia ở làng Tân Khai. Tọa lạc trên một phạm vi có chiều rộng 1,2 km và có chiểu ngang 1,2 km tương ứng với đường Nguyễn Đình Chiểu, đường Lê Thánh Tôn, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và đường Đinh Tiên Hoàng hiện nay, thành Gia Định thứ nhất này được thiết kế theo phong cách quân sự của Vauban, nhưng lại có hình bát giác theo phương Đông, với 8 cổng thành, được gọi là thành Bát Quái hay thành Quy (Rùa). Đồ án này được thực hiện bởi những người lính đánh thuê của Puymanel và Le Brun, và công việc được triển khai bởi một lực lượng lao động gồm 30.000 người. Thành có những bức tường cao 4,8 m làm bằng đá hoa cương ở Biên Hòa và một kỳ đài lớn ở phía Nam. Ở giữa thành (tương ứng với ngã tư Lê Duẩn và Hai Bà Trưng hiện nay) là dinh của chúa Nguyễn Ánh và ở bên trái là dinh của hoàng tử Cảnh. Phía sau là dinh của vương hậu và những công trình khác là một trại lính, một bệnh viện và một kho vũ khí. Thành Gia Định này ở tâm điểm của con đường gọi là đường Thiên Lý dẫn về đồng bằng sông Cửu Long.

Những cải cách về quân sự của Nguyễn Ánh đã giúp ông tiến hành một loạt chiến dịch hiệu quả nhắm vào những căn cứ của quân Tây Sơn ở miền Trung. Trong thời gian tiến hành những chiến dịch này, Puymanel và Le Brun cũng giám sát việc xây dựng thành Vauban thứ hai ở Diên Khánh (Khánh Hòa, 1793), nhưng sau đó những người lính của chúa Nguyễn Ánh đã có đủ kinh nghiệm và hiểu biết về kiến trúc quân sự của Pháp để xây thêm 20 thành Vauban nữa mà không cần sự tư vấn của các sĩ quan Pháp.

Vào tháng 2 năm 1802, quân của Nguyễn Ánh đã có một chiến thắng quyết định ở Thị Nại (Quy Nhơn) và chiếm được Bắc Hà. Thống nhất được đất nước, Nguyễn Ánh đã lên ngôi hoàng đế với niên hiệu Gia Long (1802-1820). Trước năm 1802, thành Gia Định thứ nhất được gọi là kinh thành Gia Định, nhưng chúa Nguyễn Ánh chỉ coi nơi này như một căn cứ quân sự để tiến hành những chiến dịch quân sự ở miền Trung. Sau chiến thắng vào năm 1802, ông đã chọn Phú Xuân làm kinh đô. Vì vậy, thành Gia Định trở thành trấn Gia Định, thủ phủ của Nam Hà, gồm 5 trấn: Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Thanh và Hà Tiên

Thành Gia Định thứ hai

Sau cuộc khởi nghĩa Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng cho phá hủy thành Gia Định thứ nhất do cha ông xây dựng vào năm 1790 để xây một thành nhỏ hơn gọi là thành Phụng ở phía Đông Bắc, ở vị trí ngày nay là đường Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Du, Mạc Đỉnh Chi và Nguyễn Bỉnh Khiêm. Vào thời kỳ này, trấn Phiên An đổi tên thành tỉnh Gia Định…” (Exploring Saigon-Chợ Lớn – Vanishing heritage of Ho Chi Minh city, tr. 22, 23, 25)
Tim Doling đã viết về Đề án Coffyn quy hoạch thành phố Sài gòn buổi ban đầu dưới thời Pháp thuộc:

“Sài gòn – Chợ Lớn dưới thời Pháp thuộc

Cả Sài gòn và Chợ Lớn vẫn là một phần của tỉnh Gia Định cho đến năm 1889, khi 4 tỉnh nhỏ hơn được lập ra: Gia Định (bao gồm Sài gòn), Chợ Lớn, Tân An và Tây Ninh. Sài gòn và Chợ Lớn vẫn là 2 thành phố riêng biệt mãi cho đến năm 1931. Một hội đồng thành phố được lập ra vào năm 1869, với một thị trưởng được bầu ra (gọi là thị trưởng Sài gòn). Ngay sau khi chiếm được Nam kỳ, Đô đốc Bonard đã giao cho trung tá Paul Coffyn, chỉ huy bộ phận Cầu cống và đường sá của Hải quân, việc soạn thảo một đề án đưa Sài gòn và Chợ Lớn vào một thành phố mới được thiết kế theo những tiêu chuẩn của người Pháp. Đề án Coffyn đệ trình vào tháng 5 năm 1862 cho “một thành phố 500.000 dân” (người châu Âu lúc này có không tới 600 người và dân địa phương có không tới 50.000 người) quy hoạch việc xây dựng lại tất cả mọi con đường.

Vào lúc Đề án này được đưa ra, cả Sài gòn và Chợ Lớn đều có nhiều con kênh cho phép các thương nhân vận chuyển hàng hóa từ Chợ Lớn ra Sài gòn và ngược lại. Đề án Coffyn không chỉ quy hoạch việc giữ lại những con kênh sẵn có mà bao gồm việc tạo ra một cái hồ lớn ở khu trung tâm và một con kênh vành đai mới nối rạch Bến Nghé ở Chợ Lớn với rạch Thị Nghè. Thế là vào năm 1862, con kênh ở Sài gòn được lực lượng lao động thuộc bộ phận của trung tá Paul Coffyn nạo vét và mở rộng, về sau con kênh này được gọi là “kênh Coffyn”… Từ năm 1863 tới năm 1868, những con kênh ở trung tâm thành phố Sài gòn được san lấp để xây những con đường. Thoạt đầu là kênh Coffyn và phía trên con kênh này được lấp lại để xây những đại lộ như đại lộ Bonard (đường Lê Lợi ngày nay) và đại lộ Charner (đường Nguyễn Huệ ngày nay). Đến năm 1868, kênh Cá sấu trở thành đại lộ Hàm Nghi và đồng thời kênh chạy dọc theo đầu đường Pasteur cũng được san lấp để xây đại lộ Ollivier, về sau gọi là đại lộ Pellerin…

Cảng thương mại giữa sông Sài gòn và kênh Tàu Hũ (gọi là arroyo Chinois) được mở lại vào ngày 22 tháng 2 năm 1860 để cho tàu thuyền qua lại và vận chuyển hàng hóa, và vài năm sau đó, nó mở rộng về phía Đông Nam đến Khánh Hội. Trong thời gian này, cảng hàng hải, kho thuốc súng và các cửa hàng bán hàng hóa được lập ra ở phía Bắc chỗ giao nhau giữa sông Sài gòn và kênh Tàu Hũ để trang bị cho các tàu chiến khi có chiến tranh.

Trong 2 thập kỷ đầu tiên của thời Pháp thuộc, nhiều cơ sở của chính quyền thuộc địa được xây dựng trên vùng cao (plateau), nơi từng là trung tâm của thành Gia Định vào năm 1790. Các nhà nghiên cứu cho rằng người Pháp đã xây dựng những cơ sở của chính quyền thuộc địa ở khu vực trước đây có dinh thự của vua chúa nhà Nguyễn.

Sau năm 1862, chính quyền thực dân đã chia những vùng đất rộng lớn thành lô để bán và tái định cư nhiều hộ gia đình. Phần lớn vùng thấp (lower town) được chia thành những lô nhỏ để bán. Các lô đất dọc theo kênh Tàu Hũ (rạch Bến Nghé) được dành cho các thương nhân nước ngoài và được bán với giá cao hơn, thu hút nhiều thương nhân thành lập những công ty thương mại và những ngân hàng…” (Exploring Saigon- Chợ Lớn: Vanishing heritage of Ho Chi Minh City, tr. 35, 37, 38).

HUỲNH DUY LỘC giới thiệu

Leave A Reply

Your email address will not be published.