Ấn Độ, Pakistan ngày càng tiến đến chiến tranh tại Kasshmir
TVN
Chính quyền của vùng Kashmir Pakistan hôm 02/05/2025, kêu gọi người dân tích trữ lương thực “đủ cho hai tháng”, đồng thời thông báo gia tăng cung ứng lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm cho các làng dọc theo ranh giới vùng Kashmir Ấn Độ, trong bối cảnh căng thẳng đang lên cao đến mức có thể dẫn đến chiến tranh giữa hai nước láng giềng đều sở hữu vũ khí hạt nhân.
Kashmir là vùng lãnh thổ mà New Delhi và Islamabad vẫn tranh chấp chủ quyền mặc dù hiệp định hòa bình Simla được ký kết sau cuộc chiến tranh Ấn Độ – Pakistan năm 1971 đã thiết lập “Đường Kiểm soát” dài 770km phân chia Kashmir thành hai vùng, một bên là Kashmir Pakistan (37% diện tích) và bên kia là Kashmir Ấn Độ (63%). Ranh giới này không khác nhiều so với ranh giới được xác định trong hiệp định ngừng bắn được ban hành năm 1949 dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc.
Sau vụ tấn công khủng bố ngày 22/04 tại vùng Kashmir Ấn Độ khiến 26 thường dân thiệt mạng, chính quyền New Delhi đã quy trách nhiệm cho phía Islamabad, mặc dù chưa có lực lượng nào nhận đã tiến hành vụ tấn công đó và Pakistan khẳng định không hề có liên quan.
Từ đó cho đến hôm nay, đêm nào cũng xảy ra các vụ chạm súng giữa quân đội hai nước dọc theo Đường Kiểm soát của vùng Kashmir. Sau khi thi hành một số biện pháp ngoại giao đối với nước láng giềng, thủ tướng Narendra Modi hôm thứ Ba vừa qua đã ra bật đèn xanh cho quân đội Ấn Độ trả đũa Pakistan. Phía Islamabad cũng khẳng định có những “thông tin đáng tin cậy” rằng Ấn Độ sắp oanh kích sang Pakistan.
Hiện giờ, hai nước chưa đi đến “lằn ranh đỏ”, nhưng nguy cơ chiến tranh toàn diện ngày càng lớn, nhất là vì phía Ấn Độ nay sử dụng nguồn nước làm vũ khí chống Pakistan. Cụ thể, New Delhi đã đơn phương đình chỉ thi hành hiệp ước năm 1960 phân chia nguồn nước của sông Indus và dọa sẽ “không có một giọt nước nào đến được Pakistan”, trong khi việc tiếp cận nguồn nước này là cực kỳ quan trọng đối với Pakistan: 25% GDP của nước này là từ các hoạt động có liên quan đến sông Indus. Islamabad đã cảnh cáo là nếu New Delhi thực hiện lời đe dọa đó, họ sẽ xem đây là một hành động gây chiến.
Không chỉ có khả năng chặn nguồn nước sang Pakistan, Ấn Độ còn nắm trong tay một vũ khí khác để chống nước láng giềng, đó là các đập thủy điện. Theo chính quyền vùng Kashmir Pakistan, dường như Ấn Độ đã xả nước của đập Uri mà không báo trước, gây lụt lội bất ngờ tại vùng này vào thứ Bảy tuần trước. Họ xem đây là một hình thức “khủng bố bằng nước”.
Trả lời kênh truyền hình Pháp France 24, ông Amalendu Misra, chuyên gia về Ấn Độ tại đại học Lancaster, Anh Quốc, nhấn mạnh: “Đây là lần đầu tiên chính phủ Ấn Độ nói rõ như thế về khả năng chấm dứt thi hành hiệp ước về sông Indus. Có nghĩa là tình hình hiện nay rất nguy hiểm.” Theo nhận định của nhật báo Mỹ New York Times, với vị thế của một cường quốc kinh tế đang nổi lên, vào lúc thế giới đang chú tâm đến những khủng hoảng lớn khác, Ấn Độ có thể lợi dụng tình hình để vượt qua lằn ranh đỏ.
Trên tờ báo này, ông Daniel Markey, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại đại học Johns-Hopkins, cảnh báo, lần này mọi dấu hiệu đều cho thấy Ấn Độ muốn có một hành động gây ấn tượng mạnh. Hơn nữa, thủ tướng Modi đang chịu áp lực ngày càng lớn từ công luận Ấn Độ đòi ông phải trả đũa Pakistan bằng quân sự, nếu không sẽ bị chỉ trích là không có khả năng bảo vệ thường dân. Dưới áp lực này, có thể ông Modi sẽ bật que diêm thổi bùng lò lửa của một cuộc chiến tranh mới với Pakistan. Nếu xảy ra, khác với những lần trước, rất có thể đây sẽ là một cuộc chiến tranh hủy diệt hàng loạt, bởi vì cả Ấn Độ và Pakistan nay đều là cường quốc hạt nhân.
Theo RFI