Hai trận bão lịch sử gây hậu quả thảm khốc ở Nam Bộ
TVN
Nam Bộ là vùng đất hiếm khi có bão, nhưng khi vào thì thiệt hại rất nghiêm trọng do người dân không có kinh nghiệm phòng chống như ở miền Trung và miền Bắc. Ngược dòng thời gian, trong hơn 100 năm qua, có 2 trận bão gây thiệt hại nặng nề mà người dân Nam Bộ khó thể nào quên, đó là trận bão năm Thìn và trận bão Linda xảy ra vào đầu và cuối thế kỷ trước.
1. Bão năm Thìn (ngày 1/5/1904):
Đổ bộ vào Gò Công và các vùng duyên hải Nam Bộ, đi qua Mỹ Tho, Tân An (tỉnh Tiền Giang và Long An ngày nay). Bão quật đổ chuyến xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho, là tuyến xe lửa đầu tiên của Việt Nam; hàng ngàn thuyền bè bị đắm; nước dâng cao 3,5 – 4m, cuốn trôi nhiều làng ven biển; mưa to kết hợp với triều cường làm nước dâng, gây lũ ở miền Đông Nam Bộ, gây chết khoảng 5.000 người. Nước mặn tràn sâu vào đồng ruộng, gây hậu quả là 2-3 năm sau đó không trồng trọt được.
120 năm trôi qua, ấn tượng về cơn bão năm Giáp Thìn 1904 vẫn lưu lại trong nhiều tài liệu, sách, báo. Bài viết về bão lụt năm Thìn của nhà văn Sơn Nam và nhà báo Tô Nguyệt Đình có viết: “Ngày 16 tháng 3 Âm lịch năm Giáp Thìn, nhằm ngày 1 tháng 5 Dương lịch năm 1904, một trận lụt nổi lên phá hoại toàn cõi Nam kỳ. Riêng hai tỉnh Mỹ Tho và Gò Công là thiệt hại nặng nhất”.
Theo thống kê của chính quyền tỉnh Định Tường và Gò Công thời đó, có hơn 5.000 người chết, súc vật thì mười phần chết tám và hơn phân nửa nhà dân bị sập.
Nam Kỳ tuần báo số 85, ra ngày 08/6/1944, có bài Trận bão năm Thìn của Mỹ Xuân tường thuật khá chi tiết về cơn bão này trên đất Sài Gòn: “… Có đến 900 trăm cây lớn trốc gốc nằm ngổn ngang trên các con đường, lá cây rụng lấp cả đường đi. Nhà lá thì trốc lá bay tứ tung khắp nơi, phủ dày mặt đường có chỗ lên đến 2 mét. Trong chợ, các thớt thịt ngã đổ chất đống lên nhau”.
Báo L’Opinion và Le Courrier de Saigon có bài tường trình về trận bão này: “Dọc theo đường xe lửa chạy dựa theo mé sông từ Sài Gòn vô Chợ Lớn, có một cái vòi rồng trên trời thò xuống làm đổ ngã một toa xe, giật đứt mái nhà ở đề-pô xe lửa và đè nhẹp cả một cái nhà lá. Cách đó lối mươi thước, cái vòi rồng ấy hốt một người nam đem tuốt lên không trung rồi khiêng đại xuống mặt đất. Khi thiên hạ chạy đến toan cứu kẻ vô phước thì người ta thấy thân hình anh ta đã dẹp đép như tờ giấy, và lại dài nhằn ra đo đến được 3 thước. Bấy giờ muốn khiêng kẻ bạc mạng đến nhà xác, người ta cứ xấp anh lại làm hai…”.
Dân gian có câu thơ:
Bến Thành nóc chợ cũng bay.
Đèn khí nó ngã nằm ngay cùng đường…
2. Bão số 5 – Linda (ngày 2/11/1997):
Ngày 1/11/1997, một vùng áp thấp cách quần đảo Trường Sa khoảng 300 km về phía đông đông nam và nhanh chóng mạnh lên thành cơn bão thứ năm ở biển Đông, tên quốc tế là Linda.
Bão di chuyển nhanh, đến sáng 2/11/1997 đạt cường độ cấp 9-10 (sức gió 105 km/h), cách Côn Đảo 100 km về phía đông. Đêm 2/11, tâm bão đi vào Bạc Liêu – Cà Mau, ảnh hưởng hầu hết miền Tây Nam Bộ.
Nghe bão vào Cà Mau, nhiều người kháo nhau đi coi vì trăm năm vùng này không có bão nhưng hậu quả rất thảm khốc.
Bão quét qua vùng ven biển Nam Bộ và đổ bộ vào Cà Mau – Kiên Giang lúc 19 giờ, với sức gió mạnh cấp 9, cấp 10, hàng chục ngàn tàu thuyền bị đắm, gây thiệt hại cho 21 tỉnh thành, là bão thảm khốc nhất tại miền Nam Việt Nam trong ít nhất 100 năm.
Thiệt hại: Toàn khu vực có hơn 770 người chết, 2.120 người mất tích, 1.230 người bị thương, chủ yếu là ngư dân. Hơn 3.000 tàu bị đánh chìm. 107.890 nhà bị đánh sập, 120.000 ha nuôi trồng thủy sản và 320.000 ha lúa bị ngập. Ước tính thiệt hại vật chất là 7.200 tỷ đồng. Trong đó, riêng Cà Mau có 128 người chết, 1.164 người mất tích và 600 người bị thương.
Hoành hành trên đất liền Việt Nam suốt đêm, sáng hôm sau bão hướng về vịnh Thái Lan, gây lũ quét làm hơn 100 người thiệt mạng. Bão cũng ảnh hưởng đến Myanmar, Indonesia, Malaysia và Campuchia.
Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương nhận định, Linda diễn biến nhanh không ngờ. Áp thấp nhiệt đới chỉ trong 12 giờ đã mạnh lên thành bão. Còn các chuyên gia khí tượng đánh giá đây là cơn bão khốc liệt nhất trong vòng ít nhất 100 năm ở Nam Bộ.