Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền và nhiều cơ quan khác của Liên Hiệp Quốc
Theo AFP, Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi một số cơ quan Liên Hợp Quốc, trong đó có Hội đồng Nhân quyền, và tiến hành đánh giá lại nguồn tài trợ cho tổ chức này.
Sắc lệnh hành pháp Tổng thống Donald Trump ký ngày 4/2 nêu rõ sẽ rút Mỹ khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHRC) và cơ quan cứu trợ chính của Liên Hợp Quốc dành cho người Palestine UNRWA, đồng thời xem xét lại việc Mỹ tham gia vào Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO).
Thư ký Nhà Trắng Will Scharf nói rằng động thái nhằm phản đối “thành kiến chống Mỹ” tại các cơ quan Liên Hợp Quốc.
47 thành viên UNHRC được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bầu ra với nhiệm kỳ ba năm, trong đó Mỹ kết thúc nhiệm kỳ gần nhất vào ngày 31/12/2024. Hiện tại, Washington có tư cách quan sát viên tại cơ quan này.
Với sắc lệnh mới ban hành, Mỹ dường như sẽ ngừng tham gia vào các hoạt động tại Hội đồng, trong đó có việc xem xét hồ sơ nhân quyền của các quốc gia và những cáo buộc cụ thể về vi phạm nhân quyền.
Tổng thống Trump đề cao “tiềm năng to lớn” của Liên Hợp Quốc nhưng cho biết tổ chức “hiện không được điều hành tốt”. “Mọi người đều phải tài trợ cho họ, nhưng chúng ta lại chi không cân xứng, dường như chúng ta vẫn luôn như vậy”, ông nói.
Ông chủ Nhà Trắng từ lâu bày tỏ không hài lòng về mức tài trợ của Mỹ cho những tổ chức đa phương, kêu gọi các nước khác tăng đóng góp, đặc biệt là tại liên minh quân sự NATO.
UNRWA là cơ quan viện trợ chính cho Palestine. Rất nhiều trong số 1,9 triệu người Palestine phải di dời do chiến sự ở Gaza phụ thuộc vào nguồn viện trợ của UNRWA để sinh tồn.
Khi Tổng thống Trump trở lại Nhà Trắng, Mỹ đã ủng hộ động thái của Israel nhằm cấm cơ quan này do Tel Aviv cáo buộc UNRWA phát tán tài liệu kích động thù địch.
Nguồn tài trợ từ Mỹ cho UNRWA đã bị chính quyền tổng thống Joe Biden chặn lại vào tháng 1/2024, sau khi Israel cáo buộc 12 nhân viên thuộc tổ chức có liên quan đến cuộc đột kích của Hamas ngày 7/10/2023.
Hàng loạt cuộc điều tra đã phát hiện ra một số “vấn đề liên quan đến tính trung lập” của UNRWA, nhưng không tìm thấy bằng chứng nào cho những cáo buộc từ phía Israel. Hầu hết các nhà tài trợ khác từng ngừng cấp tiền cho UNRWA đều đã nối lại hỗ trợ tài chính.
Chính quyền Trump được cho là có kế hoạch sáp nhập USAID vào Bộ Ngoại giao Mỹ. Vào ngày 3/2, các nhân viên USAID được yêu cầu không đến trụ sở của cơ quan này tại Washington.
USAID – Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ – là tổ chức viện trợ chính của chính phủ Mỹ, chịu trách nhiệm phân phối hàng tỷ USD viện trợ trên khắp thế giới, bao gồm Việt Nam.
Theo Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, USAID hợp tác với chính phủ Việt Nam, khu vực tư nhân, các trường đại học và tổ chức nghiên cứu, các tổ chức trong nước và quốc tế cũng như các bên liên quan khác ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Bắt đầu từ năm 1989, khởi đầu với việc giúp đỡ các nạn nhân chiến tranh, hợp tác giữa USAID với Việt Nam tăng dần lên, mở rộng ra nhiều lĩnh vực như biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế, giáo dục đại học, y tế công và khắc phục hậu quả chiến tranh.
Riêng với Việt Nam, USAID có ngân sách hàng năm lên tới 150 triệu USD, theo một bài đăng trên website của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam vào tháng 6/2023.
Một trong những hoạt động nổi bật là việc xử lý ô nhiễm dioxin.