Mỹ xác nhận Ukraine bắn tên lửa ATACMS vào sâu lãnh thổ Nga; Học thuyết hạt nhân mới của Nga là gì?
TVN
Ngày 19-11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh phê duyệt học thuyết hạt nhân đã sửa đổi của nước này, trong đó nhấn mạnh Nga có thể đáp trả hạt nhân với kiểu tấn công thông thường.
Cũng trong ngày 19, Nga cáo buộc quân đội Ukraine không kích vùng Brynask bằng 6 tên lửa ATACMS có tầm bắn 300km do Mỹ sản xuất. Hệ thống phòng không của Nga đã đánh chặn được 5 tên lửa và phá hủy 1.
Thông tin về việc Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đồng ý cho Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa tấn công vào mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga được đăng tải rộng rãi
Phía Ukraine tuyên bố đã tấn công một kho vũ khí cách biên giới khoảng 110km bên trong lãnh thổ Nga và cuộc tấn công đã gây ra vụ nổ thứ cấp. Song quân đội Kyiv không công khai nêu rõ các loại vũ khí đã sử dụng.
Một quan chức Mỹ và nguồn tin từ Ukraine không nêu tên sau đó xác nhận với Reuters rằng Kyiv đã thực hiện tấn công sâu vào lãnh thổ Nga với tên lửa ATACMS.
Quan chức Mỹ cho biết Nga đã đánh chặn được 2 trong số 8 tên lửa và cuộc tấn công nhắm vào tại một địa điểm cung cấp đạn dược.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết việc sử dụng ATACMS là tín hiệu rõ ràng cho thấy phương Tây muốn leo thang xung đột.
Còn đây là những điểm chính, được công bố trên website chính thức của Điện Kremlin:
1. Chính sách quốc gia về răn đe hạt nhân mang tính chất phòng thủ, nhằm duy trì sức mạnh của lực lượng hạt nhân ở mức độ vừa đủ để răn đe hạt nhân, bảo đảm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, đồng thời ngăn chặn bất kỳ ý đồ xâm lược nào nhắm vào Nga và/hoặc các đồng minh của Nga.
Trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự, chính sách này nhằm ngăn chặn các động thái quân sự leo thang và chấm dứt xung đột theo những điều kiện phù hợp với lợi ích của Liên bang Nga và/hoặc các đồng minh.
2. Liên bang Nga coi vũ khí hạt nhân là phương tiện để răn đe, việc sử dụng chúng chỉ là biện pháp cực đoan và trong những tình huống bắt buộc. Liên bang Nga sẽ thực hiện mọi nỗ lực cần thiết để giảm thiểu nguy cơ hạt nhân và ngăn chặn căng thẳng gia tăng giữa các quốc gia, có thể dẫn đến xung đột quân sự, kể cả xung đột hạt nhân.
3. Liên bang Nga bảo đảm khả năng răn đe hạt nhân trước một đối thủ tiềm tàng, được hiểu là bất kỳ quốc gia riêng lẻ hoặc liên minh quân sự (khối, liên minh) nào xem Liên bang Nga là đối thủ tiềm tàng và sở hữu vũ khí hạt nhân và/hoặc các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác hoặc lực lượng vũ trang thông thường với sức mạnh tác chiến đáng kể.
Chính sách răn đe hạt nhân cũng được áp dụng đối với bất kỳ quốc gia nào cho phép sử dụng lãnh thổ, không phận, và/hoặc hải phận dưới sự kiểm soát của họ cũng như tài nguyên để chuẩn bị và tiến hành một cuộc xâm lược chống lại Liên bang Nga.
4. Chỉ cần một động thái xâm lược của bất kỳ quốc gia riêng lẻ nào thuộc một liên minh quân sự (khối, liên minh) nhắm vào Liên bang Nga và/hoặc các đồng minh sẽ bị xem như là động thái gây chiến với toàn bộ liên minh (khối, liên minh).
5. Chỉ cần một động thái xâm lược chống lại Liên bang Nga và/hoặc các đồng minh từ bất kỳ quốc gia phi hạt nhân nào với sự tham gia hoặc hỗ trợ của một quốc gia hạt nhân sẽ bị coi là một cuộc tấn công chung của họ.
6. Liên bang Nga có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả các cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân và/hoặc các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác chống lại Nga và/hoặc các đồng minh.
Quyền sử dụng vũ khí hạt nhân cũng áp dụng trong trường hợp xảy ra xâm lược chống lại Liên bang Nga và/hoặc Cộng hòa Belarus – là thành viên của Nhà nước Liên minh – bằng vũ khí thông thường, nếu động thái xâm lược đó đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền và/hoặc toàn vẹn lãnh thổ của họ.
7. Quyết định liệu Nga có khai hỏa vũ khí hạt nhân hay không thuộc thẩm quyền của Tổng thống Liên bang Nga.