Chiến Hạm Zumwalt Và Biển Đông

0 578

Đưa vào hoạt động cuối năm 2016, USS Zumwalt là chiến hạm hiện đại nhất của hải quân Mỹ. Nếu có một phương tiện vũ khí có thể giúp Mỹ “thay đổi luật chơi” tại biển Đông thì chiến hạm lớp Zumwalt là một trong số đó…

Chiến hạm tàng hình

Với 600 ft (182,88 m), tức dài hơn 30 m so với bất kỳ khu trục hạm nào hiện có trên thế giới, Zumwalt là khu trục hạm hiện đại nhất một khi hoàn thành. Khi Zumwalt được hạ thủy, nó sẽ là chiến hạm phức tạp nhất thế giới mà kỹ thuật hàng hải quân sự từng chế tạo, với khả năng vượt trội hơn nhiều so với thế hệ lớp Arleigh Burke đang phục vụ quân đội Mỹ. Về lý thuyết, Zumwalt có thể dễ dàng thoát cặp mắt quan sát của tuần duyên đối phương, bí mật lọt vào vùng nước nông sát bờ biển và bất thần tấn công với hỏa lực chính xác cách mục tiêu hàng trăm kilomet. Nó cũng có thể được sử dụng để hỗ trợ lực lượng đặc nhiệm, dọn đường cho các chiến dịch đổ bộ, hoặc pháo kích hệ thống phòng không duyên hải kẻ địch… Tàng hình là một trong những yếu tố quan trọng nhất của Zumwalt. Dù to hơn tàu lớp Arleigh Burke đến 40% nhưng thiết kế đặc biệt của Zumwalt giúp nó gần như không hiện diện trên màn hình radar đối phương.

Thập niên 1990, quân đội Mỹ thực hiện loạt chiến dịch đổ bộ vào Somalia cũng như một số nơi khác. Tuy nhiên, hệ thống phòng thủ tuần duyên của nhiều nước cũng bắt đầu được nâng cấp, khiến tàu chiến Mỹ trầy trật với các sứ mạng đổ bộ. Dự án Zumwalt ra đời nhằm khắc phục khó khăn này. Với các khu trục hạm thông thường, chúng luôn tạo sóng to khi chạy; và chiếc thân tàu khổng lồ dễ dàng lọt vào tầm quan sát radar. Trong khi đó, thiết kế đầu thân tàu vát nhọn của Zumwalt sẽ giúp nó hạn chế khả năng bị phát hiện đến 50 lần. Trên radar, Zumwalt trông như một tàu đánh cá. Và nhờ thiết kế đặc biệt, Zumwalt cũng tạo sóng ít hơn. Zumwalt còn có thể hoạt động dễ dàng ở vùng nước nông (9 m).

Hệ thống vũ khí

Khi mò vào được vùng bờ biển đối phương, Zumwalt có thể tấn công hệ thống phòng thủ kẻ địch từ khoảng cách tối thiểu 115 km. Xạ thủ Zumwalt không cần khuân từng viên nạp vào khẩu pháo 155 mm, bởi nó được điều khiển hoàn toàn bằng máy tính: trỏ màn hình, nhấp chuột và bắn. Đạn được cài thiết bị định bị (GPS) giúp bắn chính xác hơn đạn cối bình thường, nhờ khả năng có thể điều chỉnh đường bay. Nó có thể bắn 600 viên GPS trong 30 phút hoặc bắn cùng lúc 6 viên vào một mục tiêu cách xa hơn 152 km. Zumwalt còn được trang bị hai dàn tên lửa phòng không SM-2; hệ thống tên lửa Tomahawk diệt hạm; hệ thống tên lửa bắn chặn ESSM; hệ thống thủy lôi ASROC. Tất cả tên lửa được đặt trong 80 “ngăn” dọc thân tàu chứ không đặt chung trong một kho, nhằm có thể đảm bảo rằng toàn bộ tên lửa không bị hỏng khi tàu trúng phải quả đạn hoặc tên lửa đối phương. Ngoài ra, Zumwalt còn có hai khẩu súng máy 57 mm có thể bắn 220 viên/phút. Hai khẩu này khi không dùng có thể được gấp lại để tránh bị phát hiện.

Chạy bằng diesel, Zumwalt có thể tạo ra nguồn điện nhiều hơn cả lượng điện mà bản thân nó tiêu thụ. Bốn máy phát turbine khí có thể sản xuất 80 megawatt điện, gấp 10 lần khu trục hạm lớp Arleigh Burke. Động cơ đôi 35 megawatt giúp Zumwalt đạt vận tốc 30 knot (55,5 km/giờ). Tuy nhiên, khi chạy với vận tốc 20 knot (37 km/giờ), Zumwalt sẽ chuyển ¾ nguồn điện cho các hệ thống khác, chẳng hạn hệ thống thang máy vận chuyển (hoạt động gần như hoàn toàn tự động, giúp Zumwalt giảm đáng kể số thủy thủ xuống còn 148, so với 276 của tàu lớp Arleigh Burke). Tiếng ồn từ động cơ diesel cũng được làm giảm đáng kể nhờ lớp cao su dày (tiếng máy phát ra êm như tàu ngầm lớp Los Angeles!). Thiết kế thân vuốt thẳng còn giúp tàu không tạo ra luồng khí nóng trên mặt nước khi chạy… Hệ thống “chảo” ăngten như thường thấy trên các tàu chiến cũng biến mất trên Zumwalt, bởi chúng được “tích hợp” trên lớp “da” ngoài của tháp điều khiển. Hệ thống radar băng kép được tích hợp chung: S-band với X-band. S-band hoạt động với bước sóng 8-15 cm và tần số 2-4 GHz giúp dễ dàng dò máy bay-tên lửa; trong khi X-band, hoạt động với bước sóng 2,5-4 cm và tần số 8-12 GHz, sẽ nhạy cảm đặc biệt với các mục tiêu nhỏ… Với sonar, Zumwalt được trang bị hai hệ thống: sonar tần số cao dùng phát hiện mìn trong lòng biển; sonar tần số trung dùng để “ngửi” tàu ngầm và thủy lôi. Dàn sonar được gắn ở mũi tàu và có góc quét 360o.

Hầu hết tàu chiến hiện nay đều dùng hệ thống hai turbine riêng – một cho động cơ đẩy và một cho việc tạo nguồn điện sử dụng cho các hệ thống trên tàu. Nhược điểm cách này là không thể đấu nối để “chuyển” điện đến nơi cần. Hệ thống vũ khí chẳng hạn, không thể “mượn” điện đang cung cấp cho dàn chân vịt. Zumwalt khắc phục điều này bằng Hệ thống điện tích hợp (IPS). Không còn kết nối trực tiếp với dàn chân vịt, động cơ của tàu – gồm bốn turbine khí của Rolls-Royce được miêu tả là mạnh nhất hiện nay – sẽ cung cấp điện cho dàn máy phát có khả năng sản xuất tổng cộng 80 megawatt. Nguồn điện năng này sẽ được phân phối đến hầu hết hệ thống trên tàu và cho các motor chân vịt…

USS Zumwalt khi chạy sẽ không tạo ra những cuộn sóng to như lớp Arleigh Burke vốn đang là khu trục hạm hiện đại nhất của hải quân Mỹ thời điểm hiện tại (US Navy)

Zumwalt trong mắt Trung Quốc

Trị giá hơn 3,5 tỉ USD/chiếc (so với khoảng 1,8 triệu USD một chiếc Arleigh Burke), Zumwalt (15.000 tấn) là thế hệ khu trục hạm được đóng mới đầu tiên của Mỹ trong 30 năm qua. Hiện có ba chiếc lớp Zumwalt đang được đóng: DDG-1000 Zumwalt; DDG-1001 Michael Monsoor; và DDG-1002 Lyndon B. Johnson (Zumwalt đặt theo tên đô đốc Elmo Zumwalt, 1920-2000; Michael Monsoor là tên của sĩ quan hải quân Mỹ, người nhảy vào ôm quả lựu đạn để cứu đồng đội và bị tử nạn tại Iraq năm 2006; và Lyndon B. Johnson là tên của tổng thống thứ 36). Thoạt đầu, Hải quân Mỹ dự tính đóng 32 chiếc Zumwalt để thay dần thế hệ cũ Arleigh Burke nhưng sau đó rút xuống còn 24 rồi 7, do ngân sách teo tóp. Cuối cùng, ngày 6-4-2009, Bộ trưởng quốc phòng Robert Gates tuyên bố, với ngân sách đề xuất của năm 2010, chương trình Zumwalt được rút lại chỉ còn ba chiếc (gói thầu được giao cho General Dynamics)…

Giữa năm 2012, thiếu tướng hải quân Trung Quốc Trương Triệu Trung (Zhang Zhaozhong), khi trả lời phỏng vấn trên truyền hình nội địa, nói rằng chiến hạm Zumwalt chẳng có gì đáng sợ, vì “tôi có thể cử vài chục chiếc tàu đánh cá nhỏ chất đầy thuốc nổ, chèo từ từ đến gần Zumwalt, gắn gói chất nổ lên thân nó, và thế là xong! Zumwalt chẳng là cái gì cả!”. Khó có thể tưởng tượng đây là nhận xét của một người am hiểu hải chiến lẫn kỹ thuật quân sự. Thế mà “tướng quân” họ Trương đang được báo chí Trung Quốc đánh giá là một trong những chuyên gia vũ khí và là nhà chiến lược quân sự hàng đầu nước này! Hiện Trương là giáo sư quân sự thuộc Đại học quốc phòng.

Được mời lên truyền hình bình luận các đề tài liên quan quân sự và chiến tranh hơn 10 năm qua, Trương từng đưa ra nhiều đánh giá sai. Một ngày trước khi Mỹ tấn công Iraq 2003, Trương nhận định rằng, Mỹ không bao giờ có thể đặt chân vào Baghdad bởi sẽ thất bại “chua chát” trước “cuộc chiến nhân dân thần thánh” của Saddam Hussein. Và vài giờ trước khi Muammar Gadhafi bị bắt, Trương nói rằng phe nổi dậy Lybia chẳng bao giờ tìm được nơi ẩn nấp của Gadhafi. Một ngày trước khi Bình Nhưỡng thực hiện vụ phóng vệ tinh thất bại, họ Trương hí hửng trên đài truyền hình quốc gia Trung Quốc rằng, “xác suất thành công trong vụ phóng của lãnh đạo Kim Jong-un là 80%”. Gần đây hơn, họ Trương “dự báo” Ấn Độ chỉ có 60% khả năng thành công trong cuộc thử nghiệm phóng tên lửa liên lục địa Agni-5; vài ngày sau, vụ thử Agni-5 thành công tuyệt đối!

Bất luận thế nào, với chiến lược tái cân bằng sức mạnh quân sự tại châu Á mà Washington đang thực hiện, bằng sự hiện diện của tàu chiến chứ không lập thêm căn cứ, trong cuộc đối đầu trực tiếp với Trung Quốc, những chiếc khu trục hạm như Zumwalt tiếp tục được xem là phương tiện khả dĩ nhất để Mỹ đạt mục đích. Sự hiện diện của dàn tàu chiến Mỹ nói chung vẫn luôn là tín hiệu, với thông điệp rõ rệt nhất, đối với sự bành trướng liên tiếp của Trung Quốc.

Leave A Reply

Your email address will not be published.