Các hãng tin Nga gồm Interfax, Tass và RIA dẫn tin Bệnh viện Trung ương Moscow cho biết ông Mikhail Sergeyevich Gorbachev qua đời vào chiều tối ngày 30/8 (giờ địa phương) sau một thời gian chống chọi với bệnh tật.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Putin đã gửi điện chia buồn đến gia đình và người thân ông Gorbachev, đồng thời bày tỏ niềm tiếc thương sâu sắc, theo AFP.
TASS cho biết ông Gorbachev sẽ được chôn cất tại Nghĩa trang Novodevichy ở Moscow, bên cạnh người vợ Raisa theo ý nguyện của nhà lãnh đạo trước khi rời nhiệm sở. Bà Raisa qua đời năm 1999. Kể từ đó, ông sống chung với con gái Irina (sinh năm 1957) và hai cháu gái Ksenia và Anastasia.
Các nhà lãnh đạo thế giới bày tỏ lòng thành kính trước sự ra đi của cựu lãnh đạo Liên Xô. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói ông Gorbachev là người “mở đường cho một châu Âu tự do”.
Là tổng thống đầu tiên và cuối cùng của Liên Xô và trên thực tế là nguyên thủ quốc gia cuối cùng từ năm 1985 đến khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, ông Gorbachev được biết đến với nỗ lực cải cách đất nước trên quy mô lớn dưới chương trình được gọi là “perestroika”, đồng thời ông cũng xoa dịu căng thẳng với phương Tây trong giai đoạn cuối của Chiến tranh Lạnh.
Thời kỳ lãnh đạo của ông được đánh dấu bằng một số bước ngoặt quan trọng về mặt địa chính trị: Chiến tranh Lạnh kết thúc, quân đội Liên Xô rút khỏi Afghanistan và sự sụp đổ của chính quyền Liên Xô. Di sản chính trị của ông cũng gây nhiều tranh cãi.
Khi các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ lan tràn khắp các nước cộng sản thuộc khối Liên Xô ở Đông Âu năm 1989, ông Gorbachev không dùng vũ lực trấn áp – khác với những nhà lãnh đạo Liên Xô trước đó từng đưa xe tăng đến đập tan các cuộc nổi dậy ở Hungary vào năm 1956 và ở Tiệp Khắc vào năm 1968.
Nhưng các cuộc biểu tình đã thúc đẩy khát vọng tự trị ở 15 nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô viết, vốn tan rã trong vòng hai năm sau đó trong tình trạng hỗn loạn.
Ông Gorbachev cho rằng mình đã đấu tranh trong vô vọng để ngăn chặn sự sụp đổ đó.
Nhiều người Nga không bao giờ tha thứ cho Gorbachev về sự hỗn loạn mà các cải cách của ông đã gây ra. Họ cho rằng đời sống bị xuống cấp để đổi lấy nền dân chủ là cái giá quá đắt.
Sau khi đến thăm Gorbachev trong bệnh viện hôm 30 tháng 6, nhà kinh tế tự do Ruslan Grinberg tuyên bố với mạng lưới truyền hình quốc doanh Zvezda rằng: “Ông ấy đã cho chúng ta tự do – nhưng chúng ta không biết phải làm gì với nó.”